Bước tiến
Nguyên mẫu mới nhất của tàu vũ trụ Starship mang số hiệu 10 (SN10) trong chuyến bay thử nghiệm đã cất cánh, sau đó hạ độ cao và đáp xuống được đúng nơi quy định tại cơ sở nghiên cứu Boca Chica ở tiểu bang Texas, Mỹ - điều mà các nguyên mẫu Starship trước đó là SN8 và SN9 không làm được khi cả hai đều đâm thẳng xuống mặt đất.
Ban đầu, tàu SN10 được phóng từ mặt đất theo phương thẳng đứng nhờ lực đẩy từ ba động cơ Raptor vận hành bằng cách khí đốt metan, tăng tốc bay lên không và từ từ đóng ba động cơ lại khi đạt đến độ cao khoảng 10km - độ cao được xem là kỷ lục trong các lần thử nghiệm trước đây, sau đó xoay thân sang vị trí nằm ngang và tiếp tục được điều khiển bằng các cánh lớn ở hai đầu con tàu.
Việc con tàu xoay ngang và sử dụng cánh ở hai đầu được xem là mô phỏng theo cách mà các phi thuyền vũ trụ sẽ hoạt động trong tương lai, khi tạo ra diện tích bề mặt lớn cho con tàu nhằm giảm tốc độ dần dần, thuận lợi cho việc trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.
Khi chuẩn bị chạm đất trong quá trình hạ cánh, tàu SN10 được thiết lập quay trở lại chiều dọc như ban đầu. Trước đây, hai nguyên mẫu Starship tiền nhiệm là SN8 và SN9 không thực hiện được việc thay đổi phương hướng chính xác và giảm tốc độ như tàu SN10 đã làm.
Không chỉ vậy, tàu SN10 còn có thể hạ cánh nhẹ nhàng và đúng vào vị trí quy định. Điều này được chứng minh khi đèn ở cả 3 động cơ Raptor đều được bật sáng khi hạ cánh, bảo đảm ít nhất có 2 động cơ vẫn hoạt động tốt để cung cấp đủ lực phanh cần thiết.
Theo video của SpaceX, con tàu dường như đã hạ cánh thành công. Tuy nhiên sau đó, phần thân dưới của tàu bất ngờ bốc cháy và chỉ 8 phút sau toàn bộ tàu SN10 nổ tung ngay khi vừa chạm xuống khu vực hạ cánh dưới mặt đất.
Mặc dù vậy, thử nghiệm lần này vẫn được xem là niềm khích lệ lớn lao đối với công ty SpaceX. Tàu SN10 đã thực hiện thành công các thao tác trong quá trình bay và đã có một cú hạ cánh nhẹ nhàng. Sau sự kiện này, SpaceX dường như sẽ thêm tự tin với các hoạt động hàng không vũ trụ đầy táo bạo và tham vọng của mình trong tương lai.
Theo kế hoạch, SpaceX sẽ sử dụng các tàu vũ trụ Starship thay thế cho các loại tên lửa Falcon hiện có của mình. Tần suất thực hiện nhiệm vụ của cả hai sẽ ngày càng thường xuyên hơn - bao gồm cả chở người và không chở theo người, đồng thời phục vụ cho các cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ như NASA, quân đội Mỹ và các hoạt động thương mại khác.
Tham vọng đưa con người đi du lịch vũ trụ nhiều hơn
Giám đốc điều hành SpaceX - tỷ phú Elon Musk, cho biết tàu Starship mới với chiều cao lên đến 50m sẽ thực hiện các nhiệm vụ hàng không dễ dàng, thuận lợn và tốt hơn - như theo dõi quỹ đạo vệ tinh, vận tải hành khách xung quanh Trái Đất hoặc thậm chí vượt ra khỏi Trái Đất và đưa du khách đến những hành tinh khác như Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Thực tế, Elon Musk cũng đã từng hứa sẽ thực hiện một chuyến du hành thương mại đến Mặt Trăng vào năm 2023 với tỷ phú ngành bán lẻ thời trang ở Nhật Bản là Yusaku Maezawa. Ông Maezawa theo kế hoạch sẽ được tàu vũ trụ Starship đưa đến Mặt Trăng cùng 8 vị khách khác.
Hiện tại, SpaceX đã sẵn sàng cho mình nhiều nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship khác đang ở các giai đoạn lắp ráp khác nhau tại cơ sở Boca Chica, đến nay con số đã lên đến SN19.
Ngoài ra, tàu vũ trụ Starship còn được tiết lộ trong tương lai sẽ tích hợp thêm tên lửa tăng áp hạng nặng được gọi là Super Heavy (Siêu Nặng), được trang bị khủng đến 28 động cơ Raptor, đủ để sản sinh ra lực đẩy lên đến hơn 70 mega newtons (khoảng 7,3 tấn). Đây là con số gấp đôi tên lửa Saturn 5 mạnh mẽ trước đây của tàu Apollo đã đưa con người lên Mặt Trăng.
Khi kết hợp lại, tàu vũ trụ Starship hoàn chỉnh sẽ cao hơn 120 mét, là phương tiện phóng hoàn toàn có thể tái sử dụng để thực hiện tham vọng của tỷ phú Elon Musk nhằm đưa con người đi du lịch vũ trụ nhiều hơn với giá cả phải chăng.
NASA đã tài trợ cho SpaceX 135 triệu USD để phát triển Starship. Ngoài ra, còn có hai công ty đối thủ liên doanh để cạnh tranh với SpaceX là Blue Origin, công ty vũ trụ thuộc sở hữu của tỷ phú Amazon Jeff Bezos và Dynetcis thuộc sở hữu của Leidos.
Ba công ty đang cạnh tranh để được ký các hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ mặt trăng theo chương trình Artemis của NASA, khi cơ quan này dự kiến thực hiện một loạt các chuyến đưa con người thám hiểm mặt trăng trong vòng một thập kỷ tới.