Hiện nay trên các quĩ đạo trái đất có rất nhiều rác vũ trụ. Nếu hàng nghìn tỷ mảnh vụn vệ tinh bay trên quỹ đạo Trái đất không được xử lý sẽ gây ra thảm họa. Việc dọn rác vũ trụ lại trở nên cấp thiết hơn hết.
Một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản vừa tiết lộ kế hoạch bắn hạ rác vũ trụ bằng laser giống như việc phát triển năng lượng nhiệt hạch hạt nhân.
Công ty EX-Fusion có trụ sở tại Osaka đang thực hiện một cách tiếp cận mới trên mặt đất để giải quyết vấn đề rác thải trên quỹ đạo trái đất sau khi phát triển một trong những loại tia laser mạnh nhất thế giới cho nguồn năng lượng thế hệ tiếp theo.
Laser thế hệ thứ 2 hay còn gọi là laser trạng thái rắn có bơm đi-ốt (DPSS) được chế tạo để làm nổ một viên nhiên liệu hydro bằng chùm tia công suất cao qua đó sẽ kích hoạt phản ứng nhiệt hạch - quá trình này xảy ra tương tự như quá trình nhiệt hạch phát sinh năng lượng trong Mặt trời. Công ty này nhận ra rằng với công nghệ này có thể được sử dụng để đánh bật một mảnh rác vũ trụ ra khỏi quỹ đạo mà không cần đưa tia laser lên vũ trụ.
Giám đốc điều hành EX-Fusion Kazuki Matsuo nói với tờ Nikkei Asia: “Sức mạnh của tia laser trong việc phá hủy rác vũ trụ thấp hơn rất nhiều so với phản ứng tổng hợp hạt nhân, nhưng chúng có chung những thách thức kỹ thuật như điều khiển chúng thông qua những chiếc gương đặc biệt”.
Công ty khởi nghiệp này đã ký một biên bản ghi nhớ với nhà thầu EOS Space Systems của Australia, công ty theo dõi rác vũ trụ từ một đài quan sát gần thủ đô Canberra.
Bước đầu, Ex-Fusion sẽ nhắm mục tiêu vào các mảnh vỡ trong không gian có kích thước dưới 10cm, điều mà trước đây không thể tác động bằng tia laser trên mặt đất.
Chùm tia này sẽ được sử dụng để làm các mảnh vụn bay chậm lại cho đến khi tốc độ quỹ đạo của nó giảm xuống đủ để nó rơi xuống và tự bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất.
Ước tính có khoảng hàng nghìn tỷ mảnh vệ tinh đủ các kích cỡ đang quay quanh hành tinh của chúng ta. Các chuyên gia cảnh báo rằng các mảnh vụn tích tụ có thể làm hỏng các vệ tinh đang hoạt động, cản trở việc quan sát thiên văn hoặc thậm chí ngăn cản tên lửa phóng vào không gian.
Người ta ước tính có hơn 36.000 vật thể trong không gian có kích thước lớn hơn 10cm và 130 triệu vật thể có kích thước trong khoảng từ 1mm đến 1cm. Tất cả đều di chuyển với tốc độ hơn 10.000 km/h, gây nguy hiểm cho sự an toàn của các phi hành đoàn trong không gian và các vệ tinh khác.
Năm ngoái, các công ty hàng không vũ trụ và vệ tinh đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới cùng giải quyết vấn đề này.
Liên minh An toàn Không gian (SSC) cho biết cần phải thực hiện hành động để ngăn chặn thảm họa, với 27 bên ký kết kêu gọi các cơ quan quản lý thực hiện sách hướng dẫn về quy tắc đường bộ để các nhà khai thác vệ tinh tuân thủ.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế cũng kêu gọi riêng về một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giảm lượng mảnh vụn không gian trên quỹ đạo Trái đất.
Viết trên tạp chí Science vào tháng 3 năm ngoái, Tiến sĩ Imogen Napper từ Đại học Plymouth lập luận rằng rác vũ trụ nên được xử lý theo cách tương tự như cách xử lý ô nhiễm nhựa ở đại dương.
Bà viết: “Cân nhắc những gì chúng ta đã học được từ xử lý ô nhiễm nhựa ở biển, chúng ta có thể tránh mắc phải những sai lầm tương tự và cần hợp tác chung để ngăn chặn thảm kịch xảy ra trong không gian”. “Nếu không có thỏa thuận toàn cầu, chúng ta thấy mình như đang lập lại sai lầm tương tự như việc xử lý ô nhiễm ở đại dương”.