TP.HCM căng thẳng chỗ trọ sinh viên - Bài 2: Ký túc xá cho sinh viên - Bao giờ?

(VOH) - Có thể nói đến thời điểm này, chỉ có ĐHQG TP.HCM và một số trường ĐH khu vực ngoại thành là còn quỹ đất để xây dựng thêm KTX cho SV. Năm nay, ký túc xá ĐHQG Tp.HCM đã đưa vào sử dụng thêm 4 dãy nhà mới do các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Quãng Ngãi đầu tư xây dựng, sắp tới sẽ giải quyết thêm được 2000 chỗ ở cho sinh viên.

Với 16 dãy nhà đồ sộ thế nhưng đến nay ĐHQG cũng chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 8.500 sinh viên thuộc ĐHQG vẫn còn hơn 5000 sinh viên phải ở trọ bên ngoài với mức giá phòng trọ đang ngày càng tăng lên chóng mặt như bài 1 chúng tôi đã nêu.

Bên cạnh những KTX do các tỉnh đầu tư, ĐH này cũng đã mạnh dạn đưa mô hình KTX Xã hội hóa để phụ với nhà nước giải quyết nhu cầu về chỗ ở của sinh viên. KTX xã hội hoá được đầu tư với nguồn vốn gần 13 tỉ đồng gồm 176 phòng, mỗi phòng dành cho sáu người với ba giường tầng. Nhà thấp nhưng phòng khá thoáng đãng, sạch sẽ với giá 200.000đ/SV/tháng. Với mức phí không quá cao như trên nên số lượng chỗ ở đã được sinh viên đăng kí hết sạch ngay từ đầu năm học. Nhiều sinh viên ở trọ tại đây cảm thấy thoải mái và an toàn hơn bên ngoài. Một bạn sinh viên đang học trường Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân Văn chia sẽ:

 

 

 

 

 

 

 

Kí túc xá Xã hội hóa do chủ dự án công trình là Ban cán sự đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với chủ đầu tư là công ty cổ phần Hưng Á chính thức được đưa vào sử dụng đầu năm 2008, mỗi năm có khả năng tiếp nhận hơn 1000 sinh viên đang theo học tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là lần đầu tiên một công ty cổ phần liên kết đầu tư với ĐH Quốc gia TP.HCM để xây dựng mô hình KTX Xã hội hóa cho sinh viên ở nước ta. Anh Phạm Thanh Sơn, Bí thư đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết trong 2 năm vừa qua, mô hình KTX XHH đã đạt được những hiệu quả đáng kể. Bên cạnh việc đáp ứng một chỗ ở tốt cho sinh viên, nơi đây còn tạo điều kiện cho các bạn vui chơi, giải trí bằng việc tổ chức các sân chơi bổ ích như hội thao, các cuộc thi hát karaoke…Đánh giá hiệu quả của mô hình KTX này, anh Sơn cho biết thêm:

 

 

 

 

 

Tuy giải quyết được một lượng chỗ đáng kể nhưng trước áp lực nhà trọ tăng giá từ bên ngoài, lượng sinh viên phải chuyển qua ở KTX xã hội hóa đã làm cho nơi này trở nên quá tải sau khi không được xét ở KTX ĐHQG. Mặc dù quỹ đất thuộc ĐHQG vẫn còn trống nhưng trong 2 năm vừa qua, KTX xã hội hóa vẫn chưa có dự án nào để mở rộng thêm các dãy nhà với nhiều nguyên do phát sinh. Ông Trần Văn Thông, giám đốc công ty Hưng Á cho biết việc tiến hành thực hiện giai đoạn 2 là xây dựng các công trình công cộng trong năm nay bị gián đoạn do thời điểm này chính phủ có quyết định yêu cầu ĐHQG dùng phần đất trên để xây KTX 12 tầng nên doanh nghiệp đang làm hồ sơ xin thêm 2000 m2 để làm công trình công cộng cho sinh viên. Ông Thông cho biết hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, do đó doanh nghiệp chưa có thêm dự án mới nào mà chỉ dám đầu tư thêm tiệm tạp hóa, sân thể thao…cho sinh viên giải trí vui chơi.

Mặc dù đã được đưa vào sử dụng mới chỉ 2 năm nhưng hiện tại, KTX xã hội hóa đang có dấu hiệu xuống cấp. Cơ sở vật chất tuy được đầu tư tiền tỉ nhưng chất lượng công trình chưa đủ đảm bảo. Xã hội hóa KTX là một hướng đi hợp lý nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho SV trong bối cảnh các trường ÐH, CÐ thiếu kinh phí. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thể làm được theo mô hình này, bởi hầu hết nhiều trường đang rơi vào tình trạng thiếu quỹ đất trầm trọng. Ðất để lo chỗ ở cho SV cần phải có quy hoạch tổng thể của từng địa phương thì mới có thể giải quyết được.

Tính đến thời điểm này, có hơn 500 nghìn sinh viên đang sinh sống và học tập tại TP.HCM. Dự kiến đến năm 2015 con số này sẽ tăng lên 570 nghìn sinh viên. Trong đó, có 70% là sinh viên đến từ các tỉnh do đó nhu cầu về nhà ở cho đối tượng này đang trở nên khá bức xúc. Tuy nhiên, ký túc xá của các trường đại học và cao đẳng hiện nay chỉ đáp ứng được 26% so với nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên, số còn lại là thuê nhà của các hộ dân.

Trước con số khá khiêm tốn đó, năm 2009, TP.HCM thực hiện chương trình xây dựng ký túc xá cho sinh viên trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở xây dựng, trong giai đoạn 2009- 2011 thành phố đã thực hiện 5 dự án đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ tại khu vực Đông Bắc và phía Nam thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 3800 tỷ đồng, quy mô 660 nghìn m2 sàn xây dựng, đáp ứng 67 nghìn chỗ ở cho sinh viên. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, dự án này mới chỉ hoàn thành 5 nghìn chỗ ở cho sinh viên. Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện đã gặp nhiều khó khăn như: vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm, cơ cấu nguồn vốn và phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý. Trong hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình ký túc xá SV trên địa bàn, UBNDTP đã yêu cầu các sở ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ đền bù giải toả, xây dựng nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình, các nhà thầu cần thực hiện quy trình thủ tục chính xác để thuận tiện trong vấn đề kiểm toán và quyết toán ngân sách. Ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM cho biết:

 

 

TP.HCM đã và đang có nhiều nỗ lực để tạo mọi điều kiện học tập và sinh hoạt cho SV các tỉnh đến TP.HCM lưu trú. Thế nhưng trước số lượng SV đổ về ngày một tăng, khiến áp lực về nhà ở đang đè nặng lên các ngành chức năng. Thiết nghĩ, trong lúc TP đang nỗ lực với những giải pháp khả thi nhằm cải thiện vấn đề nhà ở cho sinh viên các tỉnh đến TPHCM lưu trú, thì mô hình Ký túc xá xã hội hóa là mô hình hiệu quả rất đáng quan tâm và nhân rộng.

TP.HCM căng thẳng chỗ trọ sinh viên - Bài 1: Các phòng trọ đua nhau tăng giá