Vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới được phóng lên không gian

NHẬT BẢN - Vệ tinh gỗ LignoSat, được phát triển tại Nhật Bản và phóng từ Florida, Mỹ, dự kiến sẽ giúp giảm rác thải không gian khi nó cháy hết khi quay trở lại khí quyển.

Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ của Đại học Kyoto cho biết, vệ tinh gỗ LignoSat đã được phóng lên không gian từ tên lửa không người lái SpaceX tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ, vào ngày 05/11.

Vệ tinh LignoSat đã được phóng lên không gian trong thử nghiệm nhằm sử dụng gỗ để giảm rác thải trong không gian.

ve tinh go (1)

Ông Takao Doi, giáo sư tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, đang cầm mô hình kỹ thuật của vệ tinh gỗ LignoSat. - Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học tại Đại học Kyoto hy vọng, vật liệu gỗ sẽ cháy hết khi thiết bị quay trở lại khí quyển, qua đó cung cấp một phương thức để tránh tạo ra các hạt kim loại khi vệ tinh đã hết hạn sử dụng rơi trở lại Trái Đất.

Theo các nhà phát triển, những hạt kim loại này có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường và mạng viễn thông.

Ông Takao Doi, phi hành gia và giáo sư tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho biết trong một buổi họp báo rằng, những vệ tinh không làm từ kim loại nên trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai.

Vệ tinh LignoSat, có dạng hộp dài 10cm mỗi mặt, được lắp đặt trong một thùng chứa đặc biệt do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) chuẩn bị, đã bay vào không gian một cách an toàn.

Phát ngôn viên của Sumitomo Forestry, đối tác phát triển vệ tinh LignoSat, cho biết, vệ tinh sẽ sớm đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và sẽ được thả ra không gian sau khoảng một tháng để kiểm tra độ bền và khả năng chịu đựng của nó.

Dữ liệu thu thập được từ vệ tinh sẽ được gửi đến các nhà nghiên cứu để kiểm tra dấu hiệu bất thường và xác định xem liệu vệ tinh có thể chịu được sự thay đổi khắc nghiệt về nhiệt độ hay không.

Bình luận