Leo vội lên chiếc xe tiền phương, chạy qua từng cung đường để vẽ nên những đường chỉ dẫn cho cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Tranh cúp Phát thanh VOH lần thứ 24, tôi may mắn khi được nghe những lời tâm tình từ vợ chồng chú Nguyễn Công Hải và cô Lê Thị Lệ, những người đã lặng thầm, không ngại những khó khăn để mang đến sự an toàn trên từng chặng đua cho những vận động viên.
Những câu nói nghẹn ngào, những ánh mắt trao nhau, đâu đó tôi cảm nhận được niềm đam mê và tình nghĩa gia đình trên chuyến xe ấy.
* VOH: Cơ duyên nào đưa chú đến với vai trò trọng tài cũng như là một tiền phương vững chắc cho mỗi cuộc đua?
- Chú Nguyễn Công Hải: Gia đình tôi làm quản lý điện nước cho các công trình. Do đam mê môtô nên từ năm 2006 tới giờ tôi đã bén duyên với trọng tài xe đạp và hoạt động tiền phương này.
Lúc trước, tôi thường đi một mình, về sau đường xa, xe cộ nhiều, lúc vẽ thì không nhìn được xe qua lại nên sau này có gia đình đi cùng.
Xem thêm: VWS đồng hành Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa tranh Cúp VOH
* VOH: Đặt bản thân giữa mọi cung đường để vẽ, chú hẳn phải gặp rất nhiều khó khăn?
- Chú Nguyễn Công Hải: Vẽ cái này thường không xóa được, nên khi vẽ tôi phải vẽ chính xác, sợ nhất là trời mưa, cản trở nhiều lắm. Rồi xe cộ nhiều thì phải che chắn, chứ tôi không thể vừa vẽ vưa quan sát xe được. Chẳng hạn tới những ngã ba, ngã tư mình mà vẽ ở xa quá cũng không được, mà vẽ gần cũng không xong.
Xe tới ngã tư người ta đậu rất dài mà mình đâu có thể chui vào đoàn xe mà vẽ được. Nói chung khó khăn, vất vả cũng nhiều, may mắn tôi có gia đình theo hỗ trợ.
* VOH: Nhiều khó khăn nhưng chú vẫn gắn bó đến tận bây giờ, động lực nào khiến chú kiên trì như vậy?
- Chú Nguyễn Công Hải: Tôi làm chính cũng vì đam mê, một phần tôi thương các em, các cháu - nắng gió, cực khổ đủ thứ mà còn làm được, tôi nghĩ mình cũng có thể nên cố gắng làm gì tốt nhất cho tương lai sau này.
* VOH: Luôn có gia đình hậu thuẫn, đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất với đối với chú. Cô, chú có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau mỗi giải đua như thế nào?
- Chú Nguyễn Công Hải: Tôi luôn thầm cảm ơn gia đình của mình vì đã luôn bên cạnh tôi. Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi mỗi ngày. Trước mỗi giải đua, lúc nào tôi cũng lo và muốn mọi thứ tốt nhất đến với các em, các cháu. Khi giải thành công, vận động viên về đích trong vui mừng, thì tôi cảm thấy hạnh phúc khi trách nhiệm mình đã được hoàn thành.
- Cô Lê Thị Lệ: Tôi lo lắng lắm vì nhiều nguy hiểm mà, cho nên khi nào rảnh rỗi tôi luôn đi cùng để cảm thấy an tâm hơn, chứ ở nhà cứ thấp thỏm. Và sau mỗi lần đi như vậy, tôi cũng rất vui vì có dịp gắn bó với anh em trọng tài hơn, thương nhau như gia đình qua những chặng đi dài, sinh hoạt chung và có nhiều kỷ niệm với nhau lắm.
* VOH: Trong suốt một hành trình dài như vậy, chắc hẳn sẽ có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ đúng không?
- Chú Nguyễn Công Hải: Nhiều năm gắn bó với đua xe đạp nhưng tôi nhớ hoài lộ trình đi 3 nước Đông Dương của cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Tranh cúp Phát thanh VOH, vì vẽ đợt đó phải qua nước bạn mà tôi vừa không biết tiếng, vừa không rành đường, một mình đi giữa rừng ở đất nước xa lạ, cũng may nhờ máy móc, thiết bị rồi lòng quyết tâm nên cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành tốt công việc, cảm thấy vui lắm.
- Cô Lê Thị Lệ: Công việc vẽ nguy hiểm, tôi cứ ở đằng sau dùng đèn tín hiệu ra hiệu cho mọi người. Tôi nhớ nhất là đợt vẽ ở Thủ Đức, xe cộ đông lắm, chú phải đứng giữa đường để vẽ, còn tôi phải cầm đèn tín hiệu để ra hiệu cho người ta tránh đường mình, giờ nhớ lại tôi còn cảm thấy mình sao gan dạ quá.
* VOH: Có khi nào cô, chú nghĩ mình sẽ dừng công việc này?
- Chú Nguyễn Công Hải: Công việc trọng tài đã xã hội hóa nên không có tuổi nghỉ, nên tôi sẽ làm đến khi nào không đi nổi nữa thì thôi, vì đam mê mà. Tuy những cuộc đua như này cực lắm, nhưng trong cái cực lại có niềm vui. Chính niềm vui cộng với niềm đam mê làm động lực thôi thúc tôi.
- Cô Lê Thị Lệ: Giờ chú đi đâu thì tôi đi theo đó, vừa đồng hành vừa hỗ trợ, có vậy mình mới đỡ lo, vậy nên ông xã còn đi là tôi còn đi.
* VOH: Gia đình mình có nhiều hoạt đồng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, hoạt động ý nghĩa này vẫn được tiếp tục?
- Cô Lê Thị Lệ: Mẹ chồng tôi làm rất nhiều hoạt động từ thiện và gia đình riêng của tôi cũng vậy, thành ra biết hoạt động cộng đồng nào là mình góp sức ngay. Như đợt dịch vừa rồi tôi cũng đi trao quà đến tận tay mọi người.
- Chú Nguyễn Công Hải: Tôi thấy thương người ta, thương hoàn cảnh của họ nên tôi làm. Làm tuy hơi cực, nhưng mỗi lần giúp được cho đời điều gì là tôi thấy hạnh phúc, yêu đời hơn, đó là thứ mà có tiền tôi cũng không mua được.
Tạm biệt chuyến xe Tiền phương và cảm ơn những lời chia sẻ từ chú Hải và cô Lệ, chúc cho gia đình Chú luôn dồi dào sức khỏe và có thêm nhiều niềm vui trong hoạt động tiền phương này.