Nước hoa hồng sở hữu rất nhiều công dụng hữu ích, đặc biệt là trong việc chăm sóc sắc đẹp. Quan trọng hơn cả là các cách làm nước hoa hồng tại nhà cũng rất đơn giản nên bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra cho mình sản phẩm nguyên chất, an toàn, hợp túi tiền để bổ sung vào quy trình làm đẹp hàng ngày.
1. Công dụng của nước hoa hồng
Nước hoa hồng tự làm tại nhà có thể cung cấp cho bạn rất nhiều lợi ích hay được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Dưới đây là một số công dụng nổi bật mà chúng ta nên biết:
- Chăm sóc da, tóc: nước hoa hồng chứa đầy chất chống oxy hóa quan trọng có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào. Chúng cũng có sở hữu đặc tính chống lão hóa, kháng khuẩn, chống viêm cực hữu ích cho việc chăm sóc hay cải thiện nhiều vấn đề như khô da, lão hóa, nhạy cảm, mụn… Tự làm nước hoa hồng tại nhà, bạn có thể sử dụng chúng để làm toner, xịt khoáng, mặt nạ…
- Nước hoa tự nhiên: nước hoa hồng nguyên chất có mùi hương khá dễ chịu lại có tác dụng cải thiện tâm trạng nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng thay cho nước hoa, nước thơm xịt phòng/ xịt vải…
- Nấu ăn: nước hoa hồng cũng có thể được sử dụng để tăng cường hương vị cho một số món ăn.
Xem thêm: Nước hoa hồng hay toner là gì và sử dụng toner như thế nào để tốt cho da?
2. Cách làm nước hoa hồng tại nhà
2.1 Cách chọn hoa hồng
- Muốn sở hữu công thức nước hoa hồng nguyên chất và an toàn nhất, chúng ta nên ưu tiên sử dụng hoa hồng được trồng tại nhà hoặc hoa hồng được trồng hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu.
- Với hoa hồng được trồng tại nhà, bạn nên hái vào sáng sớm bởi đây là thời điểm mà chúng thơm nhất.
- Với hoa hồng mua ngoài, hãy chọn những bông hoa tươi, mới, thơm, có nguồn gốc rõ ràng.
- Hoa hồng màu đỏ, hồng thường có mùi hương mạnh và nhiều cánh hoa hơn so với các loại hoa hồng khác nên bạn cũng nên chú ý đến yếu tố này khi lựa chọn.
2.2 Quy trình làm nước hoa hồng tại nhà
Sau khi hoàn thành việc lựa chọn hoa hồng, bạn có thể tham khảo và áp dụng một trong những cách làm nước hoa hồng tại nhà dưới đây.
Phương pháp đun sôi
Đây là cách làm nước hoa hồng tại nhà đơn giản và nhanh chóng nhất. Thành phẩm sẽ có mùi hương khá rõ nhưng hạn sử dụng không quá lâu và thường thích hợp nhất với việc sử dụng cho mục đích nấu ăn.
Chuẩn bị:
- Hoa hồng tươi
- Nước cất
- Nồi có vung
- Rây lọc
- Lọ/ chai có vòi xịt phun sương
Cách làm nước hoa hồng tại nhà bằng phương pháp đun sôi:
- Tách tất cả cánh hoa ra rồi rửa nhẹ dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn. Để đảm bảo hiệu quả làm sạch, bạn nên ngâm cánh hoa trong nước (có thể sử dụng thêm một chút muối) rồi rửa lại nhiều lần.
- Cho cánh hoa hồng đã làm sạch vào nồi, thêm nước cất. Lưu ý lượng nước chỉ cần vừa đủ ngập cánh hoa, không sử dụng nhiều hơn vì nó sẽ làm loãng nước hoa hồng.
- Đậy vung, đặt nồi lên bếp đun lửa nhỏ. Nước sôi thì giảm lửa và chờ khoảng 15 – 30 phút hoặc cho đến khi cánh hoa mất hết màu.
- Tắt bếp, để nước nguội hoàn toàn. Chú ý không nên mở nắp nồi.
- Dùng rây lọc để tách riêng cánh hoa và nước hoa hồng.
- Đổ nước hoa hồng thu được vào lọ hoặc bình xịt rồi bảo quản trong tủ lạnh.
Phương pháp chưng cất
Chưng cất là cách làm nước hoa hồng tại nhà truyền thống. Mặc dù chúng hơi tốn thời gian thực hiện nhưng thành phẩm thu được sẽ có màu sắc rõ ràng, chứa nhiều lợi ích tự nhiên, phù hợp để sử dụng cho da và có hạn sử dụng lâu hơn hẳn.
Chuẩn bị:
- Hoa hồng tươi
- Nước cất
- Đá viên
- Nồi lớn có vung
- Bát thủy tinh chịu nhiệt có chiều cao tương đương và có thể tiếp xúc với cạnh nồi, nếu không có sẵn bạn có thể chuẩn bị thêm bất cứ vật dụng nào (cũng có khả năng chịu nhiệt) thích hợp để kê phía dưới.
- Lọ/ chai đựng có vòi xịt phun sương
Cách làm nước hoa hồng tại nhà bằng phương pháp chưng cất:
- Tách toàn bộ cánh hoa hồng ra khỏi phần cuống rồi ngâm và rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch để loại bỏ hết bụi bẩn.
- Đặt tô thủy tinh vào nồi, nếu chiều cao của nó không đủ để tiếp xúc với cạnh nồi, bạn có thể kê thêm 1 viên đá sạch hoặc bất cứ vật dụng nào có khả năng chịu nhiệt ở bên dưới.
- Xếp cánh hoa hồng vào nồi, đặt xung quanh bát chứ không cho vào bát.
- Đổ nước cất ngập cánh hoa hồng.
- Lật ngược vung nồi rồi đậy lại, cho lên bếp.
- Thêm đá viên lên trên vung nồi được đậy ngược đồng thời chú ý loại bỏ nước đá và thêm đá liên tục cho đến khi quá trình chưng cất kết thúc.
- Đặt nồi lên bếp và đun đến khi sôi thì giảm lửa.
- Đun ít nhất trong khoảng 20 – 30 phút.
- Tắt bếp, đợi nước nguội trước khi mở nắp và đảm bảo rằng không còn nước nhỏ giọt vào bát nữa. Phần nước trong bát chính là nước hoa hồng đã được chưng cất.
- Đổ hỗn hợp thu được vào lọ/ bình xịt và bảo quản trong tủ lạnh.
- Với phần nước và cánh hoa hồng được đun sôi còn lại ở trong nồi, chúng ta cũng có thể dùng rây lọc bỏ bã, lấy nước tương tự như phương pháp đun sôi để sử dụng.
Phương pháp nghiền
Phương pháp nghiền này cũng có cách thực hiện tương tự như phương pháp đun sôi cánh hoa hồng tuy nhiên bước chuẩn bị sẽ có đôi chút khác biệt.
Chuẩn bị:
- Hoa hồng tươi
- Nước cất
- Nồi lớn
- Cối, chày giã
- Rây lọc
- Lọ/ chai đựng có vòi xịt phun sương
Cách làm nước hoa hồng tại nhà bằng phương pháp nghiền:
- Tách hết cánh hoa hồng ra khỏi cuống rồi rửa nhiều lần dưới vòi nước để loại bỏ hết cặn bẩn.
- Chia cánh hoa thành 2 phần bằng nhau. Cho 1 phần vào cối giã nát để lấy nước cốt.
- Để phần cánh hoa đã nghiền khoảng 2 – 3 giờ rồi trộn cùng với phần cánh hoa còn lại. Tiếp tục chờ thêm khoảng 24 tiếng.
- Cho hỗn hợp cánh hoa hồng vào nồi sứ, thêm một chút nước cất nếu muốn rồi đun lửa nhỏ cho đến khi sôi.
- Khi hỗn hợp nổi bọt thì tắt bếp, đổ qua rây lọc để loại bỏ phần bã.
- Với phần nước thu được, bạn cho vào lọ/ hũ thủy tinh, bịt kín miệng rồi để ở nơi có nắng từ 2 – 3 giờ. Sau đó, đổ qua lọ/ bình xịt để bảo quản trong tủ lạnh.
3. Một số cách sử dụng nước hoa hồng
3.1 Sử dụng nước hoa hồng chăm sóc da
- Toner: đựng nước hoa hồng trong chai/ lọ màu tối, pha thêm nước cất (nếu nước hoa hồng đậm đặc), thêm 1 – 2 giọt tinh dầu oải hương hoặc tinh dầu hoa hồng, lắc đều và sử dụng sau khi rửa mặt.
- Xịt khoáng: đựng nước hoa hồng trong chai/ lọ có vòi xịt phun sương để sử dụng khi có nhu cầu làm dịu hay cấp ẩm cho da.
- Chữa cháy nắng: pha nước hoa hồng và giấm táo theo tỉ lệ 1:1, đổ vào bình xịt phun sương rồi xịt lên vùng da bị cháy nắng để làm dịu.
- Giảm bọng mắt: xịt nước hoa hồng được làm lạnh vào bông tẩy trang rồi đắp lên mí mắt để làm dịu và giảm sưng, viêm.
- Tẩy trang: trộn dầu dừa với nước hoa hồng theo tỷ lệ 2:1 rồi sử dụng chúng để tẩy trang trước khi rửa mặt.
- Đắp mặt nạ: thêm 1 – 2 muỗng cà phê nước hoa hồng vào các công thức mặt nạ DIY để nhận được nhiều lợi ích hơn.
3.2 Sử dụng nước hoa hồng làm nước hoa
Trộn chiết xuất vani nguyên chất với tinh dầu trong bình xịt phun sương, thêm nước hoa hồng, lắc đều rồi sử dụng cho tóc, body hoặc xịt lên vải.
Xem thêm: Nước hoa và những điều bí ẩn thú vị quanh thứ 'nước thơm ma thuật'
3.3 Sử dụng nước hoa hồng nấu ăn
Thêm nước hoa hồng vào trà, các món tráng miệng như sữa chua, bánh ngọt, nước uống để tăng hương vị.
Học cách làm nước hoa hồng tại nhà, bạn có thể tự mình tạo ra công thức an toàn, kinh tế và sử dụng được cho nhiều mục đích hơn. Do đó, nhớ tham khảo hướng dẫn ở trên để áp dụng khi có nhu cầu.
Nguồn ảnh: Internet