Mỗi độ tuổi lại cần một chế độ skincare riêng, phù hợp với đặc điểm cũng như nhu cầu làn da. Vì vậy, muốn chăm sóc da tuổi dậy thì đúng cách thì bạn phải hiểu rõ về chúng cũng như nắm được một vài kiến thức căn bản ở dưới đây.
-
Chăm sóc da tuổi dậy thì: có nên rửa mặt thường xuyên?
Rửa mặt quá nhiều là sai lầm chăm sóc da tuổi dậy thì phổ biến nhất và cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân là bởi khi bạn làm sạch da vượt quá 2 lần/ ngày (sáng và tối) thì tuyến bã nhờn vốn hoạt động mạnh sẽ càng bị kích thích nhiều hơn. Kết quả là tình trạng bóng dầu không những không giảm thiểu mà còn trở nên trầm trọng hơn đồng thời kéo theo một loạt các rắc rối như da mất nước, nổi mụn hay khiến mụn trầm trọng hơn.
Chính vì vậy, dù làm sạch là bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da tuổi dậy thì chúng ta cũng chỉ nên rửa mặt 2 lần/ ngày với sữa rửa mặt phù hợp, nhẹ nhàng, không chứa các thành phần quá khắc nghiệt hoặc tốt nhất là có độ Ph cân bằng. Với các trường hợp hoạt động mạnh (tập thể dục, chơi thể thao…) dẫn đến đổ mồ hôi thì tần suất làm sạch có thể được nâng lên hay cần được chú ý để tránh tạo điều kiện cho mụn trứng cá hình thành.
Xem thêm: Vì sao chúng ta nên sử dụng sữa rửa mặt có độ pH cân bằng?
-
Chăm sóc da tuổi dậy thì: kem dưỡng ẩm có thực sự cần thiết?
Giữ ẩm được xem là một trong những bước chăm sóc da tuổi dậy thì quan trọng nhất vì vậy dù loại da của bạn là gì thì vẫn cần đến kem dưỡng ẩm. Bằng cách bảo vệ, tái tạo, nuôi dưỡng từ bên trong, hạn chế một số vấn đề rắc rối như khô (do mất nước, mụn trứng cá…) hay cân bằng lượng dầu trên bề mặt da, sản phẩm này sẽ giúp chúng ta vừa xây dựng làn da khỏe mạnh vừa cải thiện và ngăn ngừa các vấn đề rắc rối. Điểm duy nhất nên lưu ý là ở độ tuổi này kem dưỡng ẩm có công thức nhẹ, không chứa dầu và thấm nhanh chính là lựa chọn lý tưởng nhất.
-
Chăm sóc da tuổi dậy thì: có cần sử dụng kem chống nắng?
Có một sự thật là kem chống nắng cần thiết và có lợi cho mọi độ tuổi. Do đó, quy trình chăm sóc da tuổi dậy thì cũng nhất định phải có sự góp mặt của sản phẩm này. Ngoài công dụng bảo vệ da khỏi tia UV từ ánh nắng mặt trời, kem chống nắng còn giúp chúng ta “chiến đấu” với tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài như ô nhiễm, khói bụi… đồng thời ngăn ngừa lão hóa sớm, tăng sắc tố da hay thâm, sẹo sau mụn. Đương nhiên, vì làn da ở tuổi dậy thì rất dễ bị mụn nên muốn nhận được kết quả tốt thì bạn phải chọn được công thức phù hợp, không gây nhờn rít hay làm tắc lỗ chân lông.
-
Chăm sóc da tuổi dậy thì: có nên sử dụng kem dưỡng mắt?
Vấn đề chính của làn da ở tuổi dậy thì là dầu thừa và mụn trứng cá, chưa có sự xuất hiện của các dấu hiệu lão hóa vì vậy kem dưỡng mắt là sản phẩm không thực sự cần thiết. Trường hợp duy nhất nên cân nhắc đến việc bổ sung bước này vào quy trình skincare đó là các bạn gặp vấn đề với bọng mắt, quầng thâm do thiếu ngủ, căng thẳng và mong muốn cải thiện diện mạo mệt mỏi, kém sức sống của mình.
-
Chăm sóc da tuổi dậy thì: cách trị mụn trứng cá tuổi dậy thì hiệu quả?
Sự thay đổi hormone là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá ở tuổi dậy thì.
- Với trường hợp bị mụn trứng cá nhẹ, không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen…) chúng ta có thể chọn cách tự điều trị tại nhà thông qua thuốc trị mụn OTC và thói quen chăm sóc da đúng cách, sinh hoạt , ăn uống lành mạnh và khoa học.
- Với trường hợp bị mụn trứng cá nặng hơn (mụn mủ, mụn viêm…) hoặc mụn không thuyên giảm sau khi trị tại nhà thì cách tốt nhất là thăm khám với sĩ da liễu có chuyên môn để được cung cấp phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Xem thêm: Cách trị mụn trứng cá tuổi dậy thì hiệu quả và dứt điểm tại nhà
-
Chăm sóc da tuổi dậy thì: bị mụn trứng cá có được trang điểm?
Trang điểm, đặc biệt là trang điểm không đúng cách có thể khiến cho tình trạng mụn nói chung và mụn trứng cá ở tuổi dậy thì nói riêng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, nếu không cần thiết và muốn đảm bảo kết quả cho quá trình trị mụn thì tốt hơn hết chúng ta nên từ bỏ hoặc ít nhất là hạn chế thói quen làm đẹp này cho đến khi da hồi phục. Trong trường hợp vẫn muốn makeup, hãy tham khảo những lời khuyên sau:
- Chọn sản phẩm trang điểm dành riêng cho da mụn bởi chúng đã được thiết kế phù hợp cũng như chứa các thành phần có thể hỗ trợ bạn trị mụn.
- Trang điểm nhẹ nhàng, không giữ lớp makeup quá lâu và luôn luôn tẩy trang cẩn thận.
Xem thêm: Bí quyết trang điểm đẹp tự nhiên cho cô nàng da mụn
-
Chăm sóc da tuổi dậy thì: đâu là thành phần chăm sóc da có lợi cho tuổi dậy thì?
- Salicylic acid (BHA): loại bỏ lớp tế bào chết, bụi bẩn và dầu thừa trên da giúp lỗ chân lông luôn thông thoáng từ đó cải thiện hoặc ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn gây nên mụn.
- Sulfur (lưu huỳnh): thành phần có khả năng trị mụn và kiểm soát dầu thừa.
- Benzoyl peroxide: thành phần trị mụn hiệu quả có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, thích hợp với da dầu, mụn.
- Tea tree oil (tinh dầu tràm trà): sở hữu đặc tính kháng khuẩn giúp loại bỏ các tạp chất, mụn trứng cá và đặc biệt có lợi cho da dầu, da dễ nổi mụn (cần pha loãng trước khi sử dụng).
- Witch hazel (chiết xuất cây phỉ): chất làm se da, giảm/ kiểm soát dầu thừa và thu nhỏ lỗ chân lông, đặc biệt thích hợp với da dầu, da hỗn hợp.
- Retinol: hỗ trợ trị mụn.
Chăm sóc da tuổi dậy thì không hề dễ nhưng sẽ không quá phức tạp hay khó khăn nếu như chúng ta nắm được những nguyên tắc cơ bản. Vì vậy, muốn có kết quả tốt hay xây dựng quy trình skincare phù hợp, hiệu quả thì trước hết bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, hữu ích và cần thiết như những gợi ý ở trên.
Nguồn ảnh: Internet
6 thói quen skincare lành mạnh giúp bạn có làn da ‘mãi mãi tuổi 20’: (VOH) – Có thói quen chăm sóc da lành mạnh ngay từ sớm chính là tiền đề giúp bạn sở hữu làn da ‘đẹp mãi với thời gian’. Vì vậy, đừng quên check nhanh xem mình đã nắm được 6 bí quyết này hay chưa?
7 bước chăm sóc, phục hồi làn da sau nặn mụn tại nhà: (VOH) – Chăm sóc da sau nặn mụn không phải là việc quá khó. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ 7 nguyên tắc sau nếu bạn muốn làn da của mình nhanh hồi phục, không bị thâm sẹo hay viêm nhiễm.