Đối với những “đầu giày” (sneakerhead) thì một đôi giày sneaker nam “đáng tiền” không đơn giản là mang vào cho đẹp, đi êm chân, thiết kế “đỉnh”… mà còn là việc giá trị của chúng cứ tăng dần theo thời gian. Chính vì đó mà những câu chuyện về resell (mua đi bán lại) thường là chủ đề khiến nhiều người quan tâm.
Rõ ràng, trên thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu sneaker dành cho nam, đáp ứng đủ mọi nhu cầu về màu sắc, thiết kế, giá cả… nhưng vẫn có những đôi sneaker gần như là huyền thoại, có thể buộc những người yêu thích chúng phải xếp hàng hàng chục giờ ngoài trời, bất kể nắng mưa hay đêm ngày, để trở thành những người sở hữu đầu tiên. Còn có những đôi giày, người ta sẵn sàng bỏ tiền mua vé để vào những buổi triển lãm chỉ để tận mắt chiêm ngưỡng.
Cũng không khó để tìm kiếm ra tên những đôi giày đắt nhất hiện nay nhưng có thể thấy, nổi bật nhất và có nhiều “thành viên” lọt top nhất, là những đôi sneaker nam thuộc dòng Air Jordan của Jordan Brand’s, là thương hiệu collab nổi tiếng và thành công nhất của “ông lớn” Nike cho đến nay.
Air Jordan là dòng sneaker gắn liền với tên tuổi của Michael Jordan (Nguồn Internet)
Câu chuyện khai sinh đầy cuốn hút
Có thể nói, dòng Air Jordan một phần thành công về câu chuyện và huyền thoại gắn liền với nó từ năm 1984: ngôi sao bóng rổ Michael Jordan. Ngay từ thời còn học trung học, Michael Jordan cực kỳ yêu thích hãng giày Adidas và mong muốn được ký hợp đồng với hãng này. Thế nhưng, Adidas lại không mấy hào hứng với chàng cầu thủ có phần lép vế so với những tên tuổi nổi trội thời bấy giờ. Tình thế này đã đẩy Michael Jordan đến với Nike và ký một bản hợp đồng kéo dài 5 năm với giá trị lên đến 2,5 triệu đô.
Những nhà thiết kế trụ cột của Nike bắt đầu thực hiện các đôi giày cho Michael Jordan. Đầu tiên là đôi Air Jordan 1 được thiết kế bởi Peter Moore và được Michael Jordan mang trên sàn đấu năm 1984. Đôi giày này gây tranh cãi vì theo luật, giày khi thi đấu phải có màu trắng chiếm diện tích đáng kể, thế mà Air Jordan 1 lại có màu đỏ và đen là nhiều. Vì lẽ này mà Michael Jordan bị phạt 5000 đô khi mang. Số tiền 5000 đô không hề nhỏ nhưng cũng chẳng sao vì Nike đã đóng thay cho Michael Jordan rồi.
Đôi giày mà Michael Jordan bị phạt 5000 đô mỗi khi bước lên sân (Nguồn Internet)
Mùa giải năm đó, Michael Jordan trở thành cầu thủ sáng giá nhất của NBA. Giống như một quân domino cho Nike, hãng đẩy giá đôi giày lên 65 đô la, cao nhất trên thị trường sneaker nam thời bấy giờ và nhanh chóng cháy hàng.
“Cơn sốt” sneaker nam mang tên Air Jordan
Ngay từ khi ra đời, Air Jordan đã gây ra những tranh cãi trong cộng đồng. Từ việc Michael Jordan mang đôi giày lên sân đấu bất chấp tiền phạt (và cũng là một chiêu thức quảng cáo độc đáo và hiệu quả mà Nike tận dụng) đến việc đôi giày liên tục cháy hàng trên các kệ giày.
Và cũng là lần đầu tiên, câu chuyện bạo lực và trộm cắp chỉ vì… một đôi giày xảy đến với Air Jordan. Như câu chuyện xảy ra năm 1989, một cậu bé 15 tuổi tên Michael Eugene Thomas đã bị bóp cổ chết vì một đôi Air Jordan. Hay năm 1988, hiệu trưởng trường trung học Mumford ở Detroit đã ban hành quy định đặc biệt về quần áo và giày dép vì tình trạng cướp, đánh đập thậm chí là nổ súng vì các mặt hàng quần áo và nhất là một đôi Air Jordan.
Dòng người xếp hàng chờ đợi để được sở hữu một đôi Air Jordan (Nguồn Internet)
Điều tạo nên sự thành công của Air Jordan không chỉ là nó gắn với tên tuổi của một huyền thoại, đi song hành với ông mà thực sự tạo nên cuộc cách mạng đầy ấn tượng về sneaker nam. Điển hình như trong thiết kế, Tinker Hatfield thường lấy ý tưởng từ những nơi không tưởng. Ví dụ Air Jordan 5 lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu, Air Jordan 7 từ một bức tranh liên quan đến văn hóa châu Phi, Air Jordan 11 từ chiếc máy cắt cỏ?!
Air Jordan cũng không dừng lại ở một đôi sneaker nam ưa thích trong lĩnh vực bóng rổ, thể thao… mà còn có thể diện trong những sự kiện đòi hỏi sự lịch sự. Đôi Air Jordan 11s “Concord” kết hợp chất liệu da bóng, được nhóm Boyz II Men “lăng xê” và các chú rể dùng thay cho giày da trong đám cưới của chính họ.
Và đặc biệt nhất là, những đôi Air Jordan luôn chiếm một thứ tình cảm đặc biệt trong lòng những sneakerhead. Tại sao Air Jordan thường được ra mắt vào thứ bảy? Vì những ngày này, học sinh và sinh viên thường được nghỉ. Còn nếu là ngày thường thì sneakerhead cũng vẫn sẵn sàng nghỉ học để sở hữu đôi giày mơ ước.
Những đôi Air Jordan “đắt đỏ” nhất thế giới
Một số những đôi giày này gắn liền với những giai đoạn sự nghiệp của Michael Jordan. Với người ngoài thì đó là một đôi sneaker nam bình thường nhưng với nhiều người nó là di sản của một thế hệ bóng rổ vàng, mang trong mình những câu chuyện truyền cảm hứng về phong cách sống.
-
Air Jordan 12 (Flu Game) – 104,000 đô
Đôi giày này được Michael Jordan đi trong trận chung kết với đội Utah Jazz năm 1997. Khi ấy, mặc dù anh đang bị sốt cao nhưng vẫn xuất sắc giành được chiến thắng.
Điều thú vị là, đôi giày này được đối thủ Utah Jazz là Preston Truman “xin lại” từ Michael Jordan bằng một món snack. Anh chàng đã cất giữ đôi giày trong két ngân hàng và cuối cùng mang ra đấu giá, kết quả là bán được với giá 104.765 đô la Mỹ, trở thành đôi giày mắc nhất cho đến thời điểm này.
Michael Jordan đã mang đôi giày này và thi đấu xuất sắc dù đang bị sốt (Nguồn Internet)
-
Air Jordan 12 OVO (Drake Edition) – 100,000 đô
Rapper Drake từng được tặng 10 đôi giày Air Jordan 12 OVO, một trong những đôi giày được yêu thích nhất của dòng Air Jordan. Trong một sự kiện âm nhạc ở Toronto (Canada), rapper này đã tặng lại 1 đôi cho người hâm mộ và cuối cùng được bán với giá 20.000 đô la Mỹ. Một đôi Air Jordan 12 OVO cũng được rao bán nhưng với giá lên tới 100.000 đô la Mỹ trên ebay.
Air Jordan 12 OVO là đôi giày dành tặng riêng cho rapper Drake (Nguồn Internet)
Cận cảnh đôi Air Jordan 12 OVO (Nguồn Internet)
-
Air Jordan 4 Eminem – 37,000 đô
Air Jordan luôn khiến người khác “đứng ngồi không yên” với những đôi giày cực kỳ giới hạn. Air Jordan 4 Eminem là một trong số đó vì chỉ được phát hành ở dạng “Friend and Family”, vào năm 2005 khi rapper Eminem ra mắt album Encore. Một đôi giày Air Jordan 4 Eminem đã được rao bán và được mua lại với giá 37.000 đô, một trong những cái giá đắt đỏ dành cho một đôi sneaker nam.
Air Jordan 4 Eminem là một phiên bản hạn chế và cũng là niềm ao ước của nhiều người (Nguồn Internet)
-
Air Jordan 2 OG – 31,000 đô
Air Jordan 2 OG là một đôi giày rất đẹp với chất liệu hoàn toàn từ da Ý cao cấp. Đôi giày được phát hành năm 1987, có số lượng rất giới hạn. Sau này, Air Jordan 2 OG nổi tiếng hơn khi được bán đấu giá trên ebay với giá 31.000 đô la Mỹ và trở thành một trong những đôi giày mắc nhất của nhà Air Jordan.
Vẻ đẹp tinh tế và đẳng cấp của một đôi Air Jordan 2 OG (Nguồn Internet)
-
Air Jordan 4 Eminem x Carhartt – 30,000 đô
Đôi giày với thiết kế tinh tế, chất liệu cao cấp và được phát hành chỉ… 10 đôi duy nhất trên toàn thế giới đã khiến Air Jordan 4 Eminem x Carhartt trở nên đắt đến vậy. Air Jordan 4 Eminem x Carhartt chỉ xuất hiện trên ebay mà không có ở bất cứ cửa hàng nào, giá của nó được bán khoảng 30.000 đô la.
Số lượng giới hạn 10 đôi đã khiến Air Jordan 4 Eminem x Carhartt trở thành một đôi giày đắt đỏ (Nguồn Internet)
-
Air Jordan 1 (Black and Gold) – 25,000 đô
Đôi giày này được làm lại từ phiên bản Air Jordan 1 Mid năm 2003 và nổi bật với hai màu đen – vàng đối nghịch, ký hiệu swoosh bên hông không lẫn vào đâu cùng chất liệu da cao cấp, sang chảnh. Cũng vì phát hành với số lượng giới hạn mà Air Jordan 1 (Black and Gold) có giá không hề rẻ nhưng xứng đáng với một đôi sneaker nam chất lượng.
Chất liệu da bóng khiến Air Jordan 1 (Black and Gold) bắt mắt và sang trọng hơn (Nguồn Internet)
-
Air Jordan 1 (1985 ASG) – 21,780 đô
Những ai yêu thích bóng rổ hẳn sẽ không quên đôi giày được Michael Jordan mang trong mùa giải NBA 1985 All Star Game. Đôi này còn kèm theo một chữ ký độc quyền của chủ nhân nó. Thêm nữa, nó cũng được yêu thích đến mức cũng trở thành cảm hứng và xuất hiện trong bộ truyện tranh Slam Dunk nổi tiếng. Đôi giày được bán đấu giá là 21,780 đô la Mỹ.
Đôi giày từng được Michael Jordan mang khi thi đấu (Nguồn Internet)
Cận cảnh đôi Air Jordan 1 (1985 ASG) (Nguồn Internet)
Với chiều dài lịch sử hơn 30 năm từ khi phát hành đến nay, khó có thể phủ nhận Air Jordan là dòng sneaker nam bán chạy nhất thế giới. Vài năm trở lại đây, hãng chuyển thêm trọng tâm của mình từ sneaker nam sang những phiên bản dành sneaker nữ giới, hứa hẹn cũng sẽ làm nên những điều ấn tượng với người yêu thích sneaker.