Rosacea hay mụn trứng cá đỏ là vấn đề da khác hoàn toàn với mụn trứng cá, chàm hay dị ứng da. Chúng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ mà còn dai dẳng, không có cách điều trị dứt điểm và dễ sinh biến chứng nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm luôn là một trong những cách giảm thiểu triệu chứng và ngăn bệnh chuyển nặng tốt nhất mà chúng ta có thể làm.
-
Rosacea là gì?
Rosacea hay bệnh hồng ban, chứng đỏ mặt, mụn trứng cá đỏ là bệnh da mãn tính chủ yếu ảnh hưởng đến khuôn mặt và gây ra những tình trạng như đỏ, nổi mẩn, mụn đỏ hay mụn mủ… ở mũi, má, trán. Các dấu hiệu và triệu chứng này có thể xảy ra theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần đến vài tháng sau đó thuyên giảm, biến mất và quay trở lại. Tuy nhiên, theo thời gian chúng sẽ có xu hướng trở nên dai dẳng và nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị.
Mặc dù bệnh hồng ban có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, mọi loại da nhưng người da trắng, phụ nữ từ 30 – 60 tuổi hay người gốc Bắc/ Đông Âu thường có nguy cơ mắc cao hơn.
Ngoài ra, bệnh hồng ban cũng có tới 4 loại khác nhau:
- Erythematotelangiectatic rosacea (ETR): liên quan đến đỏ da mặt và có thể nhìn thấy các mạch máu.
- Papulopustular/ acne rosacea: đỏ, sưng và nổi mụn như mụn trứng cá (mụn trứng cá đỏ), thường ảnh hưởng đến phụ nữ trung niên.
- Rhinophyma: bệnh hồng ban khiến da dày lên trên mũi và có kết cấu mấp mô, chúng thường ảnh hưởng với nam giới và đi kèm với một loại rosacea khác.
- Ocular rosacea: bệnh hồng ban mắt với các triệu chứng đỏ mắt, kích ứng mắt, sưng mí mắt.
-
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rosacea
- Đỏ: đỏ mặt hoặc đỏ bừng mặt có thể đi kèm cảm giác nóng, ấm hoặc nóng rát khó chịu, các đợt đỏ có thể kéo dài tới 5 phút và lan từ mặt xuống cổ, ngực.
- Mụn và mụn nhọt: phát triển mụn nhỏ màu đỏ hoặc mụn mủ với ngoại hình giống mụn trứng cá, tuy nhiên da sẽ không có mụn đầu đen.
- Có thể nhìn thấy mạch máu: các mạch máu nhỏ có thể trở nên nổi bật và nhìn rõ hơn đặc biệt là các vùng trung tâm khuôn mặt, má, sống mũi.
- Kích ứng mắt: mắt có thể bị kích thích, mi mắt đỏ, sưng, vảy tích tụ quanh mắt và lông mi (viêm bờ mi), mạch máu nổi rõ, các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương giác mạc và mất thị lực.
- Da nhạy cảm, phản ứng quá mức: các mạch máu dễ dàng giãn ra khi tiếp xúc với một số tác nhân như ánh nắng mặt trời, tình trạng này thường bị nhầm lẫn với da nhạy cảm tuy nhiên với bệnh hồng ban nguyên nhân là do mạch máu nhạy cảm chứ không phải tế bào da nhạy cảm.
- Cảm giác châm chích: nóng rát, ngứa hoặc căng cứng có thể xảy ra trên mặt.
- Sưng: hay còn gọi là phù, chúng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đi kèm với các dấu hiệu khác của bệnh hồng ban.
- Khô: da mặt trung tâm có thể sần sùi, xuất hiện vảy mặc dù một số người cũng có thể bị da dầu.
Lưu ý: Trong một số ít trường hợp các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hồng ban cũng có thể phát triển ngoài vùng mặt, phổ biến nhất là ở cổ, ngực, da đầu hoặc tai.
-
Nguyên nhân gây rosacea
Mặc dù nguyên nhân gây ra rosacea hay bệnh hồng ban vẫn chưa được chắc chắn nhưng các yếu tố sau được cho là có mối liên hệ:
- Sự bất thường của các mạch máu trên khuôn mặt: gây ra tình trạng đỏ bừng, đỏ liên tục và khiến các mạch máu nổi rõ.
- Màu da sáng: tỷ lệ những người có làn da trắng mắc bệnh hồng ban cao hơn nhiều so với người khác.
- Demodex folliculorum: chúng sống trên da người và thường không gây hại song những người mắc hồng ban thường có số lượng demodex folliculorum cao hơn so với người khác.
- Vi khuẩn H. pylori: là loại vi khuẩn được tìm thấy trong ruột có liên quan đến việc làm cho các mạch máu bị giãn ra.
- Gen, di truyền: nhiều trường hợp mắc hồng ban có họ hàng gần với những người cũng gặp phải tình trạng này.
-
Cách kiểm soát, điều trị rosacea
Vì dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hồng ban ở mỗi người là khác nhau nên chúng ta sẽ cần phác đồ điều trị dành cho từng đối tượng cụ thể, không ai giống ai. Do đó, muốn khắc phục hiệu quả vấn đề này thì giải pháp tốt nhất dành cho bạn đó là thăm khám với bác sĩ có chuyên môn. Ngoài ra, nhớ chú ý thực hiện những điều sau.
Tránh các tác nhân kích thích triệu chứng của rosacea
Các yếu tố làm tăng lưu lượng máu đến bề mặt da như:
- Nhiệt độ cực đoan
- Ánh sáng mặt trời, độ ẩm, gió
- Căng thẳng, lo lắng, tức giận
- Tắm nước nóng hoặc xông hơi
- Tập thể dục quá sức
- Một số loại thuốc như corticosteroids…
- Vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, ho, sốt, tăng huyết áp…
- Mỹ phẩm chứa thành phần dễ gây kích ứng như cồn, tinh dầu bạc hà...
Các loại thực phẩm và đồ uống như:
- Thức ăn và đồ uống nóng
- Caffeine
- Sản phẩm từ sữa
- Gia vị và đồ ăn có chứa capsaicin (chất tạo vị cay thường có trong ớt)
- Rượu
- Thực phẩm có chứa cinnamaldehyde như cà chua, socola và trái cây họ cam quýt
Chăm sóc da đúng cách
- Hỏi ý kiến của bác sĩ về thói quen chăm sóc da của bản thân để có sự điều chỉnh phù hợp.
- Xây dựng thói quen chăm sóc da nhẹ nhàng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh hồng ban.
- Nên làm sạch da với sữa rửa mặt dịu nhẹ.
- Đối xử cẩn thận với làn da, không bao giờ tác động mạnh hay kéo da.
- Ưu tiên các sản phẩm chăm sóc da không gây kích ứng và tránh các sản phẩm gây châm chích, bỏng hoặc đỏ.
- Dùng kem chống nắng có khả năng chống UVA/ UVB với SPF trên 30, có công thức dành cho da nhạy cảm (em bé), không chứa hóa chất độc hại và tốt nhất là loại vật lý.
Xây dựng lối sống lành mạnh
- Xây dựng lối sống cân bằng, chú ý theo dõi những thói quen có thể khiến vấn đề bùng phát để điều chỉnh kịp thời.
- Duy trì tâm trạng thoải mái, thư giãn, vui vẻ.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa và có khả năng chống viêm để cải thiện sức khỏe của làn da.
Rosacea hay bệnh hồng ban, chứng đỏ mặt tuy không có cách giải quyết triệt để nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách thì bạn vẫn có thể kiểm soát tốt được tình hình. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết cách phân biệt chúng với các vấn đề da dễ nhầm lẫn khác, tránh để lâu khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng và dễ sinh biến chứng.
Nguồn ảnh: Internet
Hồng ban nút là bệnh da liễu, vậy có dễ lây lan không?: (VOH) - Nếu nhận thấy trên da xuất hiện một hoặc nhiều sẩn cục đỏ, u cục đỏ,…thì có thể bạn đang mắc bệnh hồng ban nút. Vậy hồng ban nút là gì, vì sao bị bệnh hồng ban nút?
Làm thế nào để biết da đang đẩy mụn (purging) hay nổi mụn mất kiểm soát (break out)?: (VOH) – Cùng là phản ứng khiến mụn xuất hiện trên da nhiều hơn nhưng đẩy mụn (purging) và nổi mụn do kích ứng/ dị ứng (break out) lại nằm ở 2 thái cực hoàn toàn khác nhau, một bên lợi còn một bên hại.