Nếu bạn đang mong chờ có ai đó nói với bạn rằng: “Có tin tốt đây, theo một nghiên cứu mới phát hiện tất cả chúng ta đều làm sạch cọ trang điểm quá nhiều”, thì rất tiếc bạn sẽ phải thất vọng.
Giống như khi bạn dùng chỉ nha khoa, tập thể dục, hay làm tất cả những công việc nhàm chán khác, nhưng thật ra lại rất quan trọng trong cuộc sống, tương tự như việc làm sạch dụng cụ trang điểm là điều mà chúng ta cần thực hiện nghiêm túc.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đã thấy tầm quan trọng của việc giữ cọ trang điểm sạch sẽ chưa nào? Một cây cọ bẩn sao có thể làm cho lớp trang điểm mịn màng?! Bụi bẩn và dầu thừa sẽ tích tụ trên cọ làm bít tắc lỗ chân lông, vi khuẩn và nấm sản sinh có thể dẫn đến mụn trứng cá, đau mắt đỏ và thậm chí là nhiễm khuẩn.
Bạn biết bạn cần phải làm sạch cọ trang điểm, nhưng việc này không hề dễ dàng chút nào. Bạn không có thời gian để chờ cọ khô, và dường như chúng bắt đầu rụng hoặc trở nên biến dạng sau mỗi lần “được tắm rửa”.
Bạn không muốn làm hỏng bộ sưu tập cọ yêu quý, nhưng bạn cũng không muốn sử dụng những chiếc cọ trang điểm bẩn. Bạn thắc mắc những chuyên gia làm đẹp sẽ làm sạch cọ như thế nào?
Bước đầu tiên để làm sạch cọ là chọn chất tẩy rửa phù hợp. Cho dù bạn sử dụng cọ sợi tự nhiên hay tổng hợp, những chiếc lông cọ đều rất “nhạy cảm” và giống như tóc của bạn, chúng có thể bắt đầu bị gãy rụng nếu như bạn làm sạch quá mạnh.
Bởi vì liên tục sử dụng cọ, nên các chuyên gia trang điểm chuyên nghiệp thường lựa chọn những sản phẩm làm sạch cọ mà không cần rửa với nước như chuyên gia trang điểm Jillian Dempsey của nữ diễn viên nổi tiếng Kirsten Dunst sử dụng dụng cụ làm sạch cọ Make up for ever instant brush cleanser.
Trong khi Molly R. Stern, chuyên gia tạo nên làn da “không tì vết” của nàng siêu mẫu Cara Delevingne lại hết mực ca ngợi sản phẩm Cinema Secrets Makeup Brush Cleaner.
Nếu bạn là người không đủ kiên nhẫn để đợi hàng giờ cho đến khi cọ khô, những sản phẩm làm sạch cọ nhanh chóng này đều sử dụng các dẫn xuất chứa dầu để loại bỏ bã nhờn và cặn trang điểm có trên cọ một cách hiệu quả.
Khi chọn sản phẩm, bạn cần lưu ý một chút đến bảng thành phần: một số loại có thể chứa cồn để tiêu diệt vi khuẩn và giúp cọ khô nhanh hơn, nhưng cũng giống như các sản phẩm có cồn có thể khiến tóc bạn bị khô và chẻ ngọn, lạm dụng các chất tẩy rửa có cồn sẽ làm giảm tuổi thọ của lông cọ trang điểm.
Tất nhiên, đối với hầu hết chúng ta, việc vệ sinh cọ hàng ngày cũng không quá cần thiết. Nếu bạn chỉ sử dụng cọ riêng của mình, bạn nên làm sạch chúng ít nhất một lần một tuần để ngăn bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ gây ra mụn, chuyên gia trang điểm Dempsey nói.
Để làm sạch cọ hàng tuần, bạn có thể dùng các loại nước rửa cọ. Rất nhiều thương hiệu làm đẹp đã cho ra đời nhiều loại nước rửa cọ riêng nổi tiếng như BareMinerals I.D. Well-Cared For Brush Conditioning Shampoo.
Nhưng bạn có thể sử dụng sữa rửa mặt mình đang dùng để làm sạch cọ như các sữa rửa mặt dịu nhẹ như Cetaphil Gentle Skin Cleanser hoặc dầu gội Shea Moisture Raw Shea Chamomile & Argan Oil Baby Head-to-Toe Wash & Shampoo.
Đối với những lời khuyên về cách làm sạch sâu cọ trang điểm mà bạn thấy trên Pinterest, như ngâm giấm chẳng hạn, thì tốt nhất là bạn nên cho qua. Vì cách làm như vậy tuy không gây hại cho cọ, nhưng cũng không có ích lợi gì, chuyên gia Laura Barnes của thương hiệu cọ trang điểm nổi tiếng Sigma cho biết. “Giấm là một chất tẩy rửa đa năng, rất mạnh và khô, chính vì thế không nên dùng để làm sạch cọ. Những sợi lông cọ khô sẽ không thể giúp bạn trang điểm đẹp”.
Bất kể bạn sử dụng sản phẩm nào thì quan trọng vẫn là kỹ thuật làm sạch cọ. Để tránh cọ bị tưa, hãy cho sữa rửa mặt theo cùng chiều với lông cọ, xoa nhẹ (không dùng quá nhiều lực) vào lòng bàn tay hoặc trên tấm giặt cọ (như Real Techniques Brush Cleansing Palette). Chà xát cọ với các loại sản phẩm có chứa hạt có thể làm hỏng lớp ngoài của lông cọ, cách này sẽ làm cọ bị biến dạng và khó sử dụng.
Nếu bạn đang sử dụng sản phẩm làm sạch cọ khô, hãy lau sạch lông cọ bằng khăn sạch hoặc khăn giấy và lặp lại cho đến khi cọ không còn lưu cặn mỹ phẩm. Đối với các loại nước rửa cọ, rửa sạch cọ cho đến khi nước trong và không còn bọt xà phòng. Lắc hoặc nhẹ nhàng vắt hết nước trên cọ, sau đó bóp nhẹ cho cọ trở lại hình dạng ban đầu (nếu bỏ qua bước này, cọ trang điểm của bạn sẽ bị biến dạng).
Một bước quan trọng khác để bảo quản cọ tốt là sấy khô. Lông cọ chủ yếu được dính lại với nhau bằng keo. Chất lỏng đọng lại bên trong cọ có thể thấm vào lớp keo này và làm cọ bị bong.
Nếu bạn không muốn những chiếc lông cọ của mình “rụng dần đều”, thì hãy làm khô cọ bằng cách đặt thẳng chúng trên một chiếc khăn hút nước hoặc để khô hoàn toàn trong không khí.
Cách các chuyên gia thường làm là sấy khô cọ trang điểm với đầu cọ dốc xuống dưới hoặc dùng một giá phơi cọ như Sigma Beauty Dry’n Shape Tower để giữ đầu cọ quay xuống và không làm nước chảy ngược vào bên trong cọ.
Sau khi cọ khô, cất cọ trang điểm vào trong túi có ngăn riêng như túi đựng cọ Sephora Collection Sephora Pro Easel hoặc dựng thẳng cọ trong một cốc thủy tinh hay một chiếc lọ rỗng để giữ cho lông cọ không bị hỏng; tốt nhất là bảo quản cọ trong tủ thuốc, nơi bụi và các chất như keo xịt tóc hoặc nước hoa không thể vô tình tích tụ trên cọ.