Chờ...

Ăn tôm có tác dụng gì? 5 sai lầm thường gặp khi ăn tôm

(VOH) – Tôm là loại hải sản được rất nhiều người yêu thích, bởi không chỉ ngon mà chúng còn chứa lượng protein và khoáng chất dồi dào. Vậy ăn tôm có tác dụng gì cho sức khỏe?

Tôm là một trong những loại động vật có vỏ, sống dưới nước, bao gồm các loài sống ở nước biển như tôm hùm, các loài sống ở vùng nước ngọt như tôm đồng và vùng nước lợ như tôm càng xanh.

Tôm được xếp vào loại thực phẩm có số lượng tiêu thụ phổ biến trên thế giới vì chúng khá bổ dưỡng và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

an-tom-co-tac-dung-gi-5-sai-lam-thuong-gap-khi-an-tom-voh
Tôm được xếp vào nhóm thực phẩm tiêu thụ phổ biến trên thế giới (Nguồn: Internet)

1. Ăn tôm có tác dụng gì?

Đưa tôm vào chế độ ăn uống lành mạnh bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những tác dụng của tôm mang lại khi ăn:

1.1 Tôm ít calo

Tôm khá ít calo, nên ăn tôm có thể giúp bạn giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.

Hàm lượng calo trong tôm chỉ chiếm khoảng 84 calo trong một khẩu phần 85g. Ngoài ra, chúng cũng không chứa bất kỳ loại carbs nào. Khoảng 90% lượng calo trong tôm đến từ protein và phần còn lại là đến từ chất béo.

1.2 Tôm nhiều i-ốt, omega-3 và 6

Tôm là một trong những nguồn thực phẩm rất giàu i-ốt. Đây là một khoáng chất quan trọng đối với với chức năng tuyến giáp và não bộ.

Ngoài ra, tôm cũng là một nguồn cung cấp axit béo omega-3 và 6 dồi dào, mang đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe.

an-tom-co-tac-dung-gi-5-sai-lam-thuong-gap-khi-an-tom-1-voh
Tôm chứa nhiều i-ốt, omega-3 và 6 (Nguồn: Internet)

1.3 Tôm có nhiều cholesterol

Tôm được xếp vào nhóm thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Trong một khẩu phần 85g tôm chứa 166mg cholesterol (cao hơn 85% so với lượng cholesterol có trong các loại hải sản khác, chẳng hạn như cá ngừ).

Tuy nhiên, trong tôm cũng chứa một số chất dinh dưỡng có thể giúp tăng cường sức khỏe, chẳng hạn như axit béo omega-3 và chất chống oxy hóa astaxanthin. Do đó, ăn tôm với lượng vừa phải sẽ thúc đẩy sức khỏe tim mạch theo hướng tích cực.

1.4 Tôm chứa chất chống oxy hóa

Loại chất chống oxy hóa chính trong tôm có tên là astaxanthin. Đây là một thành phần của tảo, được tôm tiêu thụ.

Khi bạn ăn tôm, lượng astaxanthin cũng được nạp vào cơ thể, nó có thể giúp bạn bảo vệ và chống lại sự xâm hại của các gốc tự do. Ngoài ra, astaxanthin cũng giúp tăng cường động mạch, làm giảm nguy cơ đau tim. Nó cũng có thể làm tăng mức độ cholesterol HDL “tốt”, một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.

Hơn thế, ăn tôm cũng rất có lợi cho não bộ, bởi chất astaxanthin trong tôm có thể ngăn ngừa tổn thương các tế bào não, từ đó hạn chế được tình trạng suy giảm trí nhớ, bệnh thoái hóa thần kinh hoặc bệnh Alzheimer.

Xem thêmQuá trình tiến triển của bệnh Alzheimer – từ giảm trí nhớ cho đến liệt giường và không biết gì

2. Những món ngon từ tôm

Tôm có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Bạn có thể tham khảo một vài món ăn đơn giản làm từ tôm sau đây:

2.1 Tôm rang thịt

Nguyên liệu

  • 200gr thịt ba chỉ
  • 200gr tôm tươi
  • Hành tím, tỏi, hành lá băm nhuyễn
  • Gia vị: nước mắm, đường, nước màu, muối

Cách làm tôm rang thịt

  • Tôm rửa sạch, rút bỏ phần chỉ đen trên lưng, để ráo nước. Sau đó, ướp tôm với một chút muối hoặc gia vị.
  • Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo nước, cắt thành miếng vừa ăn.
  • Cho chảo lên bếp, cho thịt vào đảo đều, thêm nước mắm, tiêu, bột nêm, đường, đảo nhẹ đến khi thịt chín thì múc ra đĩa. Cho tiếp hành, tỏi băm vào chảo đang nóng, phi vàng, cho tôm vào rang, đảo đều tay đến khi tôm chuyển màu vàng. Nêm gia vị vừa miệng.
  • Cho thịt ba chỉ vào lại chảo rang, đảo đều cả tôm và thịt cho ngấm gia vị, chờ đến khi cạn nước. Để hành lá vào, sau đó cho tôm rang thịt ba chỉ ra đĩa là hoàn thành.

2.2 Tôm xào rau củ

Nguyên liệu

  • 250gr tôm tươi
  • 1/2 củ hành tây, 1/2 cây bông cải xanh, 1/2 quả ớt chuông đỏ, vàng
  • Nấm trắng, nấm hương, tỏi, hành lá
  • Gia vị: hạt nêm, dầu hào, muối, hạt tiêu
an-tom-co-tac-dung-gi-5-sai-lam-thuong-gap-khi-an-tom-2-voh
Tôm xào rau củ - món ăn đơn giản dễ làm (Nguồn: Internet)

Cách làm tôm xào rau củ

  • Tôm rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu, chẻ dọc sống lưng và lấy phần chỉ đen ở lưng, để cho ráo nước.
  • Rửa sạch các loại rau củ, thái miếng vừa ăn. Ớt chuông đỏ bổ làm đôi, lọc bỏ hạt, xắt hạt lựu.
  • Cho chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn cho tôm vào xào đều tay. Xào đến khi thịt tôm săn lại, đổ tiếp hỗn hợp rau củ vào xào tiếp trong 3-5 phút.
  • Nêm nếm món ăn vừa rồi tắt bếp và cho ra đĩa.

2.3. Gỏi tôm xoài xanh

Nguyên liệu

  • Xoài 1 quả
  • 200gr tôm tươi
  • Đậu phộng rang đã bóc vỏ (200g)
  • Rau thơm (rau mùi, rau húng quế, rau răm)
  • Gia vị: nước mắm, đường, hạt tiêu, ớt, tỏi

Cách làm gỏi tôm xào xanh

  • Rau thơm rửa sạch. Xoài gọt bỏ vỏ. Thái xoài thành từng sợ mỏng.
  • Rửa sạch tôm, bóc vỏ, bỏ đầu, chẻ dọc sống lưng và lấy phần chỉ đen ở lưng, rồi rửa sạch với muối. Sau đó, cho tôm vào nồi luộc chín hoặc hấp cách thủy, để giữ độ ngọt và tươi.
  • Pha nước trộn gỏi gồm hỗn hợp: 3 thìa nước mắm + 2 thìa đường + hành tím băm, tỏi băm, ớt. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị của bạn.
  • Chuẩn bị tô to, cho xoài và đậu phộng vào rồi chan nước trộn đều lên. Tiếp theo cho rau thơm vào trộn chung, chờ 5 phút cho ngấm gia vị là xong.

Xem thêmThức ăn là thuốc: Gỏi nha đam trộn tôm – món ăn vì sức khỏe

3. Những sai lầm thường gặp khi ăn tôm

Mặc dù tác dụng của tôm vừa tốt cho sức khỏe, tuy nhiên vẫn có những lầm tưởng khiến việc ăn tôm không mang lại lợi ích, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là 5 lầm tưởng trong việc ăn tôm mà nhiều người thường gặp phải.

3.1 Ăn vỏ tôm có tác dụng gì không ?

Nhiều người cứ lầm tưởng vỏ tôm chứa nhiều canxi, với các loại tôm lớn, vỏ tôm được cấu tạo chủ yếu từ kitin, không hề chứa canxi mà còn tương đối khó tiêu hóa. Do đó, việc ăn vỏ tôm để giúp bổ sung canxi là một quan niệm sai lầm, thậm chí khi bạn cố gắng ăn vỏ tôm có thể làm tăng nguy cơ bị hóc vỏ tôm.

Ngoài ra ăn vỏ tôm nhiều còn có thể gây ra các dụng phụ như:

  • Đau dạ dày
  • Chuột rút
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Khó thở
  • Sưng cổ họng, lưỡi hoặc môi

Hoặc nguy hiểm hơn nếu người bị dị ứng tôm ăn phải có thể bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng và cần điều trị ngay lập tức.

3.2 Ăn đầu tôm, mắt tôm sẽ bổ mắt

Ăn đầu tôm, mắt tôm giúp bổ mắt là một quan niệm sai lầm. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào đáng tin cậy chứng minh tác dụng của đầu tôm, mắt tôm đối với đôi mắt.

Hơn nữa, đầu tôm là nơi tập trung chất thải của tôm. Nếu làm không sạch bạn có thể ăn cải túi chất thải khi ăn đầu tôm.

3.3 Bị ho ăn tôm sẽ không sao

an-tom-co-tac-dung-gi-5-sai-lam-thuong-gap-khi-an-tom-3-voh
Người bị ho nên tránh ăn tôm để bệnh nhanh khỏi (Nguồn: Internet)

Nhiều người cho rằng, ăn tôm khi bị ho sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, chính vị tanh của tôm có thế khiến chứng ho của bạn kéo dài dai dẳng.

Đồng thời, nếu bạn ăn luôn cả vỏ tôm khi bị ho, phần vỏ cứng sẽ ma sát với niêm mạc họng, làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Do đó, tốt nhất bạn không nên ăn tôm khi bị ho.

3.4 Ăn tôm cùng rau củ quả giàu vitamin C

Không nên ăn tôm cùng với các thực phẩm giàu vitamin C vì chất asen trong tôm khi kết hợp với các thực phẩm này có thể tạo ra chất độc nguy hiểm.

Ăn trái cây chứa nhiều vitamin C như ổi, cam, chanh.... ngay sau khi ăn tôm cũng là điều kiêng kỵ.

3.5 Ăn nhiều tôm có tốt không ?

Nhiều người cứ nghĩ càng ăn nhiều tôm càng tốt cho sức khỏe, nhưng ăn nhiều tôm cùng lúc có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, chứng bụng và có thể dẫn đến tiêu chảy.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, người lớn chỉ nên tiêu thụ khoảng 100g tôm/ngày và trẻ dưới 4 tuổi chỉ nên ăn khoảng 20-50g tôm tùy theo lứa tuổi cụ thể.

4. Những người không nên ăn tôm

Tôm là thực phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp hàm lượng canxi, protein, các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Nhưng không phải ai cũng có thể ăn được tôm, ngoài người bị bệnh ho ra thì những nhóm người sau được khuyên là không nên ăn tôm khi mắc chứng bệnh như:

  • Người bị đau mắt đỏ
  • Người bị hen suyễn
  • Người mắc bệnh gout, viêm khớp
  • Hệ tiêu hóa kém
  • Người bị các vấn đề về tuyến giáp, cường giáp
  • Người đang bị viêm
  • Người bị mỡ trong máu cao
  • Người đang bị ho
  • Người bị dị ứng hải sản

5. Dị ứng tôm và những vấn đề khi ăn tôm

Tôm được xếp vào những các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao, cùng với cá, đậu phộng, lúa mì, sữa và đậu nành.

Ăn tôm bị dị ứng là do trong tôm có chứa chất tropomyosin, một loại protein có trong động vật có vỏ. Ngoài ra, một số protein có trong tôm như arginine kinase và hemocyanin cũng đều có thể gây phản ứng dị ứng.

Người bị dị ứng tôm thường có các triệu chứng như: ngứa ran trong miệng, có vấn đề về tiêu hóa, nghẹt mũi hoặc nổi mẩn đỏ trên da. Một số trường hợp dị ứng tôm có thể bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong nếu không được điều trị lập tức. Vì thế, nếu bạn bị dị ứng tôm thì tốt nhất là không nên ăn tôm.

6. Cách lựa chọn và sơ chế tôm tươi đúng cách

6.1 Cách lựa chọn tôm tươi

Để có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon thì khâu lựa chọn tôm tươi phải kỹ lưỡng để chọn tôm ngon không bị bở hay chết ngộp. Vì thế khi chọn tôm tươi bạn phải chú ý những vấn đề sau để có thể lựa chọn tôm ngon:

  • Đảm bảo nhất là nên lựa tôm còn sống, chắc thịt.
  • Vỏ tôm phải có màu trong mờ và xanh xám, có thể màu hồng nhạt hoặc hơi hồng.
  • Không nên chọn những con tôm có các cạnh bị thâm đen vì đó là dấu hiệu tôm không ngon, kém chất lượng.
an-tom-co-tac-dung-gi-5-sai-lam-thuong-gap-khi-an-tom-4-voh
Cách lựa chọn tôm tươi ngon

6.2 Cách sơ chế tôm tươi đúng cách

Tôm có thể chế biến được nhiều món như nướng, luộc, xào, canh,....Để sơ chế tôm thì cần phải rửa sạch tôm qua nước muối loãng, loại bỏ phần đen trong dọc thân lưng và đầu tôm cách dùng dao rạch 1 đường dọc thân lưng rồi rút ra hoặc có thể dùng 1 cái muỗng đưa vào đầu tôm kéo ngược ra để lấy hết chất thải tôm ra ngoài. 

7. Giá trị dinh dưỡng của tôm

Tôm gần như cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Trong một khẩu phần 85g tôm cung cấp hơn 20 loại vitamin và khoáng chất khác nhau.

Dưới đây hàm lượng một số chất dinh dưỡng chính có trong một khẩu phần tôm 85g:

  • Lượng calo: 84
  • Chất đạm: 18 gram
  • Selenium: 48% RDI
  • Vitamin B12: 21% RDI
  • Sắt: 15% RDI
  • Phốt pho: 12% RDI
  • Niacin: 11% RDI
  • Kẽm: 9% RDI
  • Magiê: 7% RDI

Như vậy, tôm là một loại thực phẩm lành mạnh cung cấp nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là tim và não. Bạn nên thêm tôm vào chế độ ăn uống cân bằng để nhận về những tác dụng của tôm đối với sức khỏe.