Theo Myka Meier, người sáng lập trường Nghi thức xã hội Beaumont ở New York, các nghi thức xã giao tốt sẽ khiến người khác cảm thấy thoải mái và được tôn trọng. “Vậy nên trước khi đặt câu hỏi, hãy nghĩ xem đối phương cảm thấy thế nào và biết cách tránh né những điều khiến họ không thoải mái hay có cảm giác bị phán xét”, chuyên gia cho hay.
Dưới đây là 5 chủ đề mà bạn không nên để cập trong dịp lễ tết, họp mặt để tránh gây khó chịu, phiền toái cho đôi bên.
1. Công việc
Những người đi làm không thích bị hỏi về công việc ngoài giờ hành chính vì đó là thời gian họ nghỉ ngơi. Do đó, không nên làm phiền người khác bằng những câu hỏi thiếu tế nhị như: “Hiện giữ chức vụ gì?", "Có tương lai thăng tiến không?"... Thay vào đó, bạn có thể hỏi về đặc thù nghề nghiệp hoặc nghe họ chia sẻ về thành tích đã đạt được trong một năm qua.
Với những người thất nghiệp, hàng loạt câu hỏi phán xét của mọi người có thể khiến họ mệt mỏi. Trong trường hợp không chắc đối phương còn đi làm hay đã nghỉ, bạn có thể hỏi thăm về tình hình công việc hoặc định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
2. Tình hình tài chính
Bình luận các vấn đề về lương thưởng, tài sản cá nhân hay đã báo hiếu được gì cho bố mẹ… là điều cấm kỵ. Việc này dễ khiến người bị hỏi tỏ thái độ khó chịu, thậm chí là phản ứng gay gắt.
Vì vậy, bạn hãy quan sát cách họ nói chuyện với mọi người xung quanh, nhìn vào tài sản đang sở hữu để đoán tình hình tài chính của đối phương.
3. Những mối quan hệ và gia đình
Những câu hỏi về kế hoạch kết hôn, sinh con từ họ hàng luôn là nỗi ám ảnh của người trẻ. Họ luôn cố gắng tìm cách đáp trả để không bị đánh giá là thô lỗ. Mặc dù chủ đề này không mới nhưng luôn nhức nhối, gây áp lực và khiến người trẻ có xu hướng trốn tránh các cuộc gặp mặt gia đình.
Để cuộc vui thêm trọn vẹn, bạn nên hỏi những người độc thân về những sở thích cá nhân, thành tựu trong công việc hoặc lợi ích của việc chưa kết hôn. Với các cặp đôi, hãy khơi gợi để họ chia sẻ thêm về người bạn đời hoặc dự định cho năm mới.
4. Ngoại hình
Với những người luôn tự ti về ngoại hình, đây là chủ đề dễ khiến họ tổn thương, từ đó hình thành tâm lý thù ghét người hỏi. Để không tự biến mình thành kẻ xấu trong mắt đối phương và mọi người, bạn chỉ nên đặt các câu hỏi về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, động lực duy trì sự kiên trì của những người này.
5. Khơi gợi chuyện xấu hổ trong quá khứ
Trong các cuộc gặp gỡ, các buổi tiệc cuối năm, mọi người thường có xu hướng gợi nhắc những kỷ niệm cũ. Ngoài những kỷ niệm đẹp, các ký ức xấu hổ như tỏ tình thất bại, miệt thị ngoại hình, học lực yếu hay tè dầm ra giường lúc nhỏ… cần được “chôn chặt”.
Hãy nhớ rằng, những người xung quanh có thể cảm thấy thú vị, nhưng chưa chắc “nhân vật chính” cũng vậy.