Tiến sĩ Samantha Rodman Whiten, người sáng lập trung tâm tư vấn trị liệu Dr Psychmom (Mỹ) cho rằng rạn nứt đồng cảm trong hôn nhân thường xảy ra ở các giai đoạn cụ thể, theo trang Yourtango.
Đây là các cột mốc vợ chồng thường xuyên gặp trục trặc. Chuyên gia liệt kê những tình huống phổ biến để mọi người sớm nhận biết và đưa hướng giải quyết.
Con ra đời
Đây là thời điểm phổ biến xảy ra sự tức giận và hiểu lầm, đặc biệt là khi con đầu lòng chào đời. Người vợ thường nhạy cảm dễ tổn thương nếu chồng không ở cạnh, không qua đêm trong bệnh viện hoặc thực hiện điều mình đã hứa.
Theo Tiến sĩ Samantha Rodman Whiten lý giải, thời gian mới trở thành cha mẹ thường hạnh phúc nhưng cũng đầy khó khăn. Người phụ nữ sẽ gia tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu và căng thẳng sau sinh.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2024 cũng cho thấy vợ chồng giai đoạn này thường trải qua sự giảm sút hài lòng và tin tưởng trong mối quan hệ.
Chăm con
Đây là giai đoạn phụ nữ nảy sinh nhu cầu cần được bảo vệ hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đời. Họ cũng sẽ khó tha thứ cho chồng nếu anh ta hành động thiếu suy nghĩ hoặc ích kỷ trong những tháng đầu đời của em bé. Ví dụ như không thức đêm trông con, bỏ đi du lịch với bạn bè hoặc để gia đình chồng can thiệp quá nhiều.
Nghiên cứu của tiến sĩ John Gottman công bố trên Tạp chí tâm lý học gia đình cho thấy tình trạng vợ chồng mâu thuẫn trong thời gian chăm con rất phổ biến, đến mức nhiều người nghĩ đó là việc không thể tránh.
Chuyên gia cảnh báo cãi vã có thể gây hại cho trẻ sơ sinh, làm tăng khả năng phát triển trầm cảm, kỹ năng xã hội kém và rối loạn hành vi sau này.
Ngày kỷ niệm, sinh nhật
Vợ (chồng) quên ngày kỷ niệm hoặc không mua quà sinh nhật có thể gây tổn thương cảm xúc cho đối phương. Riêng với phụ nữ, hành động này khiến họ cảm thấy không được quan tâm và chờ đợi sự bù đắp từ bạn đời. Một khảo sát thực hiện năm 2023 cho thấy việc quên kỷ niệm ngày cưới khá phổ biến với 82% người thừa nhận.
Bệnh tật
Tiến sĩ Samantha Rodman Whiten từng chứng kiến nhiều trường hợp hồi phục sau bệnh tật không thể tha thứ cho bạn đời đã bỏ rơi khi họ ốm. Trong thời gian bệnh tật, họ nghỉ việc, khủng hoảng và cần sự an ủi.
Vợ (chồng) không ưu tiên nhau trong giai đoạn này dễ tổn thương mối quan hệ.
Ngoài ra, nhiều người thừa nhận ở cạnh bạn đời ốm đau, họ thường bị áp lực nặng nề, dẫn đến mệt mỏi nghiêm trọng.
Chuyên gia cho rằng bệnh tật sẽ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày dẫn đến việc tái cấu trúc mối quan hệ gia đình.
Mất việc
Mất việc có thể là cú sốc lớn, làm tổn thương lòng tự trọng. Tác động này càng tồi tệ hơn khi diễn ra ở đàn ông, khi họ thường được giáo dục khẳng định giá trị bản thân qua sự nghiệp và khả năng tài chính. Giai đoạn này, nếu bạn đời thiếu đồng cảm, đổ lỗi, thay đổi chi tiêu sẽ dễ dẫn đến một đứt gãy đồng cảm. Tương tự với việc vợ (chồng) không ủng hộ mong muốn thay đổi nghề nghiệp.
Nghiên cứu của tạp chí Harvard Business Review cho thấy vợ (chồng) mất việc làm tăng đáng kể nguy cơ không ổn định trong hôn nhân và ly hôn. Nguyên do bởi sự giảm sút lớn trong thu nhập hộ gia đình, đặc biệt nếu người kiếm tiền chính bị ảnh hưởng.