60 năm ngành Dân số - Vì một Việt Nam phát triển bền vững!

(VOH) - Sáng 24/12, TPHCM đã tổ chức Hội nghị kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Dân số Việt Nam với chủ đề “60 năm ngành Dân số - Vì một Việt Nam phát triển bền vững”.

Công tác dân số luôn được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm, xác định là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, thực hiện tốt công tác Dân số là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội.

60 năm ngành dân số Việt Nam một chặng đường rất dài, hòa chung vào đó là sự đóng góp của TPHCM trong công tác dân số đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, Thành phố đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số.Ngành dân số đã kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh hàng năm được duy trì ở mức 106 đến 108 trẻ nam/100 trẻ nữ.

60-nam-nganh-dan-so-vi-mot-viet-nam-phat-trien-ben-vung-voh.com.vn-anh1
Ông Phạm Vũ Hoàng và ông Nguyễn Hữu Hưng trao bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác dân số.

Cùng với cả nước, thành phố đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, từ kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động của thành phố chiếm 75,5%. Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” mang lại nhiều cơ hội và thách thức, giúp phát triển kinh tế, gia tăng sự đóng góp của lao động trong quá trình phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao của Thành phố. Song song đó là việc thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, thông qua việc triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 88%, trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt hơn 85%. Tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố ở mức khá cao là 76,6 tuổi so với cả nước là 73,6 tuổi.

Những kết quả đáng khích lệ trong công tác dân số của thành phố đã được ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bộ Y tế chia sẻ như sau: "Các kết quả tốt đẹp trong công tác dân số TPHCM tôi đánh giá rất cao.

Thứ nhất là nhu cầu sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sử dụng dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản được đáp ứng có chất lượng. Kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh trong bối cảnh trong bối cảnh là một trong những thành phố có tổng tỷ suất sinh thấp nhất, thể hiện trong giai đoạn 2016-2020 tỷ số giới tính khi sinh hàng năm được duy trì ở mức 106 đến 108 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Chất lượng dân số người dân Thành phố từng bước được nâng cao đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số đầu đời, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt hơn 90%. Những tỷ lệ này cao hơn cả nước, tuổi thọ trung bình người dân Thành phố cũng cao hơn cả nước, đạt 76,6 tuổi".

Góp phần cho những thành tựu, đưa chính sách dân số đến với địa bàn dân cư phải nói sự đóng góp của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Nhiệt huyết, làm việc bằng chính chữ Tâm là chia sẻ của cô Đỗ Thị Trọng – phường Thảo Điền – Thành phố Thủ Đức: "Gắn bó với ngành dân số mười mấy năm rồi, mình phải nói đến trước tiên là yêu nghề. Khi mình đi xuống cơ sở lấy thông tin thì gặp gỡ, quen được nhiều và họ cũng vui vẻ với mình. Mỗi khi ra ngoài đường, ngoài chợ người ta cứ gọi mình là bà dân số ơi, nghe rất là vui. Mình phải là người thực hiện và phải có tâm với nghề mới làm được".

Với nhiệt huyết tuổi trẻ, là cầu nối truyền đạt những kiến thức, chính sách dân số đến sinh viên cũng là hoạt động gắn với tinh thần tuổi trẻ hăng hái, sôi nổi của bạn Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam: "Trường em lúc nào cũng liên kết với chi cục dân số để mở các buổi tọa đàm. Một năm có từ 3 đến 4 buổi tọa đàm để sinh viên tiếp cận được những vấn đề về dân số hay sức khỏe sinh sản. Khoảng 80% sinh viên trường em tiếp cận được những vấn đề về dân số".

Bên cạnh nỗ lực với những điểm nổi bật thì theo ông Phạm Chánh Trung – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình TPHCM, mức sinh thấp còn là nỗi trăn trở trong công tác dân số: "Năm 2020, mức sinh của thành phố là 1,53 con, tỷ lệ này có tăng so với năm 2019 nhưng vẫn ở mức rất thấp. Mức sinh thấp để lại nhiều hệ lụy trong đó có vấn đề già hóa dân số và thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng trong tương lai".

Ngoài mức sinh thấp, thì việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số càng phải được quan tâm hơn nữa, nhất là khi đợt dịch Covid-19 cao điểm vừa qua, thì người cao tuổi mắc bệnh nền nằm trong nhóm tử vong cao.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ: "Qua thống kê, số tử vong do Covid hơn 90% là người có bệnh nền. Còn theo tuổi thì nhóm tuổi tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm hơn 90%. Như vậy không chỉ các bệnh mãn tính không lây làm cho chất lượng cuộc sống giảm sút mà các cô bác ông bà lớn tuổi nếu nhiễm phải các bệnh truyền nhiễm như Covid thì đều nguy hiểm.

Qua quan sát, chúng ta thấy người từ 60 tuổi trở lên thì đều có ít nhất một đến 2 bệnh mãn tính không lây mà phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiểu đường,đau khớp, bệnh phổi tắc nghẽn.. Đây là điều rất trăn trở. Làm sao chúng ta phải đẩy mạnh các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm. Hướng đến chất lượng dân số thì phải tính toán đến những vấn đề đó".

Thời gian tới, để giải quyết một số vấn đề đang còn gặp khó về công tác dân số của thành phố như mức sinh thấp, già hóa dân số hay nâng cao chất lượng dân số thì cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân đặc biệt là sự đồng lòng thực hiện thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” của người dân thành phố.