Theo CNN, trong một vụ kiện xảy ra vào tháng 6 ở tỉnh Saskatchewan (Canada) và biểu tượng “like” chính là mấu chốt trong vụ kiện giữa bác nông dân Chris Achter ở Saskatchewan (Canada) và một người thu mua ngũ cốc tên là Kent Mickleborough.
Cụ thể, ông Kent là người thuộc công ty South West Terminal muốn mua hạt lanh của bác Chris. Tháng 3/2022, sau khi đã thỏa thuận miệng, ông Kent soạn thảo hợp đồng để mua 86 tấn hạt lanh với giá 17 USD một giạ (25kg), giao tháng 11 cùng năm.
Ông Kent sau đó đã gửi cho bác Chris hình ảnh hợp đồng có chữ ký, kèm theo tin nhắn: “Xin hãy xác nhận hợp đồng cây lanh”. Bác Chris trả lời bằng cách gửi biểu tượng “like” (giơ ngón tay cái).
Nhiều tháng sau, khi đến thời điểm ghi trong hợp đồng mà bác Chris vẫn chưa bàn giao số lượng hạt lanh đã cam kết. Khi đó, giá hạt lanh đã lên 41 USD một giạ.
Lúc này, ông Kent liền gửi đơn kiện ra tòa. Tại tòa, ông Kent cho rằng, biểu tượng “like” của bác Chris là đã thể hiện sự đồng ý với bản hợp đồng.
Tuy nhiên, bác Chris cho biết việc nhấn “like” chỉ đơn giản là để xác nhận đã nhận được hợp đồng, chứ không phải đồng ý với các điều khoản thỏa thuận. “Họ đâu có gửi điều khoản. Tôi cho rằng sau đó họ sẽ gửi hợp đồng hoàn chỉnh qua fax hoặc email để tôi xem và ký. Tôi không nghĩ rằng việc coi biểu tượng "like" là một chữ ký điện tử.”, bác nói.
Luật sư của bác Chris cũng cho biết: “Nếu tòa án coi dấu like là sự đồng ý, họ sẽ phải giải quyết hàng tá vụ án liên quan đến việc định nghĩa các biểu tượng cảm xúc (emoji)”.
Thẩm phán Timothy Keene, người giải quyết vụ kiện, cũng đồng tình rằng biểu tượng giơ ngón tay cái là một cách không truyền thống để “ký” tài liệu. Tuy nhiên, biểu tượng được gửi trên tin nhắn có ý nghĩa tương đương với một chữ ký xác nhận.
Hơn thế, vị thẩm phán cho rằng thỏa thuận này “ít nhất cũng được đồng ý bằng miệng”. Từ đó, vì đã ký hợp đồng nhưng lại không thực hiện nên bác Chris phải bồi thường vi phạm hợp đồng cho Kent là 82.000 đô la Canada (khoảng 1,5 tỷ đồng).