Chờ...

Biến đổi khí hậu đe dọa nhân loại

VOH - Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo về tác động nhiệt độ cực cao đối với hàng tram triệu người trong suốt tháng 7.

Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, tháng 7/2024 đã trở thành tháng 7 nóng thứ hai trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình cao hơn 1,48°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù đã chấm dứt chuỗi 13 tháng nóng nhất liên tiếp, nhưng tình hình vẫn đáng báo động.

Nhà nghiên cứu Julien Nicolas của C3S nhận định: "Hiện tượng El Nino đã kết thúc nhưng mức nhiệt toàn cầu vẫn tăng lên, bức tranh toàn cảnh khá giống tình hình của một năm trước".

090824-nang-nong-1
Du khách du lịch tại các nước Châu Âu không thể chịu nổi nắng nóng - Ảnh: Internet

Tác động của nắng nóng không chỉ giới hạn ở đất liền. Báo cáo của C3S cho thấy các vùng đại dương cũng đang nóng lên bất thường, với nhiệt độ nước biển toàn cầu chỉ thấp hơn 0,1°C so với kỷ lục tháng 7 năm ngoái. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như tình trạng tẩy trắng san hô diện rộng tại ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ tháng 2 năm 2023.

Ngoài ra, một nghiên cứu từ Climate Central chỉ ra rằng khoảng 2,4 tỉ người trên thế giới phải chịu thêm ít nhất 2 tuần có đêm nóng bức (trên 25°C) mỗi năm do tác động của việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.

Tại Malaysia, nắng nóng khắc nghiệt đã gây ra khoảng 2.000 vụ cháy rừng và 20 vụ đuối nước mỗi tháng do người dân tìm cách "giải nhiệt".

Những số liệu và sự kiện này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, như Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi. Cần có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ từ cộng đồng quốc tế để giảm thiểu tác động của nắng nóng và bảo vệ môi trường sống của chúng ta.