Chờ...

Biệt phủ khổng lồ ở Trung Quốc, mất 3 thế kỷ để hoàn thành

TRUNG QUỐC - Tại vùng đất cổ Tấn Trung thuộc tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc, tọa lạc một khu biệt phủ bí ẩn được mệnh danh là "tư dinh số một Trung Quốc" có tên gọi Vương Gia Đại Viện.

Biệt phủ Vương Gia Đại Viện được đại gia tộc họ Vương xây dựng trong khoảng thời gian hơn 300 năm, trải dài giữa hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, là minh chứng cho sự giàu có và quyền lực của một trong những gia tộc thương nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc thời bấy giờ.

Vương Gia Đại Viện có quy mô ấn tượng với diện tích lên tới 250.000 m2, tương đương 1,6 lần diện tích Tử Cấm Thành.

Trong biệt phủ có tổng cộng 123 tứ hợp viện - tổ hợp công trình gồm một sân vườn ở trung tâm được bao quanh bởi bốn dãy nhà ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và 1.118 phòng.

060924-biệt-phủ-1
Biệt phủ Vương Gia Đại Viện khi nhìn từ trên cao xuống - Ảnh: Sohu

Tổng thể bố cục của Vương Gia Đại Viện gồm 5 làn đường, 6 tòa chính với những khoảng sân thiết kế thông minh, tạo nên sự thoáng đãng và thuận tiện cho việc di chuyển.

Biệt phủ được thiết kế phù hợp với phong thủy truyền thống của Trung Quốc, tuân theo nguyên tắc "núi bao bọc, nước uốn quanh". Lưng tựa vào núi, cửa chính hướng nam, Vương Gia Đại Viện không chỉ đón được gió mát mùa hè mà còn chắn được gió lạnh mùa đông, tạo nên một không gian sống lý tưởng cho cư dân.

060924-biệt-phủ-2
Cảnh trí bên trong ngôi biệt phủ Vương Gia Đại Viện - Ảnh: Sohu

Các công trình bên trong biệt phủ được trang trí đầy tính nghệ thuật, từ các chạm khắc tinh xảo, tranh tường độc đáo đến các bức phù điêu bằng đá và gỗ. Tất cả đều phản ánh không gian văn hóa phong phú, truyền tải các giá trị và tư tưởng của gia tộc họ Vương. Những cách thức trang trí này không chỉ đẹp mắt mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

060924-biệt-phủ-3
Cổng chính và các gian phòng ở Vương Gia Đại Viện - Ảnh: Sohu

Vương Gia Đại Viện được chia thành hai phần chính là nội viện và ngoại viện. Nội viện là nơi ở của gia tộc, trong khi ngoại viện là nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh và đón tiếp khách. Nội viện cũng được chia thành viện chính dành cho các trưởng bối và viện phụ là nơi ở của con cháu và người hầu.

Sự phân chia này không chỉ thuận tiện cho việc quản lý mà còn thể hiện rõ thứ bậc xã hội và cấu trúc gia đình truyền thống của Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận định Vương Gia Đại Viện là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa thương nhân vùng đất Tấn Trung cổ xưa. Việc xây dựng biệt phủ này không chỉ minh chứng cho địa vị và sự giàu có của gia tộc họ Vương, mà còn phản ánh trí tuệ kinh doanh và tinh thần thương mại của người vùng đất Tấn Trung.

Các hiện vật lịch sử và tài liệu lưu trữ trong đại viện cung cấp những chứng cứ quý báu cho việc nghiên cứu văn hóa thương nhân vùng đất này.