Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Các loài xâm lấn gây thiệt hại khoảng 423 tỷ USD mỗi năm

VOH - Các ngư trường ngập trong lục bình, trứng chim sơn ca bị chuột ăn, đường ống nhà máy điện bị tắc do vẹm ngựa vằn, đường dây điện bị rắn cây màu nâu làm đứt…

Đó là một vài ví dụ về sự hỗn loạn môi trường do các loài xâm lấn gây ra, chúng lan rộng khắp thế giới và gây thiệt hại kinh tế tăng gấp bốn lần mỗi thập kỷ kể từ năm 1970, các nhà khoa học cho biết hôm 4/9.

86 nhà nghiên cứu từ 49 quốc gia đã đưa ra đánh giá kéo dài 4 năm về tác động toàn cầu của khoảng 3.500 loài xâm lấn có hại. Họ nhận thấy rằng, thiệt hại kinh tế do các loài xâm lấn lên tới ít nhất 423 tỷ USD mỗi năm.

xâm lấn
Thành viên của nhóm kiểm soát sinh vật gây hại đang dọn dẹp khu vực xung quanh Đấu trường La Mã để ngăn chặn chuột ở Rome - ngày 31/8/2023 - Ảnh: Reuters

Nhà sinh thái học Helen Roy, đồng chủ tịch của Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) cho biết: “Chúng tôi biết vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”.

Nhiệt độ ấm hơn do biến đổi khí hậu ​​sẽ tiếp tục thúc đẩy sự mở rộng của các loài xâm lấn. Chúng là thực vật hoặc động vật, thường tồn tại xung quanh con người, tác động xấu tới môi trường, chẳng hạn như cạnh tranh với động vật hoang dã bản địa, phá hủy cơ sở hạ tầng và đe dọa sức khỏe và sinh kế của con người.

Các tác động thường diễn ra chậm nhưng khi xảy ra có thể rất thảm khốc.

Các nhà khoa học cho biết, các vụ cháy rừng chết người ở Hawaii vào tháng trước là do cỏ xâm lấn dễ cháy được mang từ châu Phi về để trồng phục vụ cho chăn nuôi. Các loài muỗi xâm lấn cũng có thể lây lan các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt rét.

Viện Sinh thái và Đa dạng sinh học Chile cho biết: “Các loài xâm lấn không chỉ ảnh hưởng đến thiên nhiên mà còn cả con người và gây ra những thiệt hại nặng nề về nhân mạng”.

Khoảng 3/4 tác động tiêu cực từ các loài xâm lấn xảy ra trên đất liền, đặc biệt là ở rừng, đất rừng và các khu vực nông nghiệp. 

Mặc dù các loài xâm lấn có thể có nhiều dạng, bao gồm vi khuẩn, động vật không xương sống và thực vật, nhưng động vật thường có tác động môi trường lớn nhất, đặc biệt là các loài săn mồi. Tuy nhiên, việc loại bỏ các loài xâm lấn rất khó khăn.

Một số hòn đảo nhỏ đã thành công trong việc tiêu diệt chuột và thỏ xâm lấn bằng cách đặt bẫy và đầu độc. Nhưng những quần thể lớn hơn và sinh sản nhanh chóng có thể khó tiêu diệt. Và thực vật xâm lấn thường để lại hạt của chúng ‘im lìm’ trong đất nhiều năm liền.

Các nhà khoa học cho biết, các biện pháp phòng ngừa thông qua an toàn sinh học biên giới và kiểm soát nhập khẩu là hiệu quả nhất.

Tháng 12 năm ngoái, các chính phủ trên thế giới đã cam kết trong Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal nhằm giảm việc du nhập và thiết lập các loài xâm lấn ưu tiên ít nhất 50% vào năm 2030.