Chờ...

Cách nhận biết trẻ mẫu giáo bị bạo hành ở trường

VOH - Chuyên gia cho rằng, ở trường mẫu giáo, trẻ không nói được hoặc trẻ cần chăm sóc đặc biệt sẽ dễ bị bạo hành hơn so với trẻ khác.

Các nhà giáo dục không được đào tạo để ứng xử với trẻ em có nhu cầu đặc biệt – nên họ có thể hiểu sai hành vi của chúng, điều này khiến quá trình chăm sóc trẻ gặp vấn đề.

Chuyên gia sức khỏe mầm non Kate Lim (Singapore) cho rằng, tại châu Á, nhiều nhà giáo dục có thể vẫn muốn kiểm soát trẻ em và bắt chúng tuân theo bằng cách khiến chúng ‘sợ hãi’ hơn là tôn trọng chúng. Vì thế, giáo viên hay la hét và động chân động tay.

Bà Lim cho biết, tiếng khóc của trẻ em làm tăng thêm sự hỗn loạn trong môi trường lớp học, đồng thời có thể là nguyên nhân gây ra căng thẳng cho cả giáo viên và những đứa trẻ khác. 

trẻ bị bạo hành
Trẻ chưa biết nói hoặc trẻ cần chăm sóc đặc biệt sẽ dễ bị bạo hành hơn so với trẻ khác. Ảnh: Pixabay

Tác động của việc trẻ bị bạo hành 

Nhà tâm lý học lâm sàng Karen Pooh cho biết, bạo hành có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ theo nhiều cách khác nhau - về mặt cảm xúc, tâm lý, thể chất và xã hội. Những ảnh hưởng này có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành nếu trẻ không nhận được sự hỗ trợ sớm để hồi phục. 

Theo tiến sĩ Pooh, “việc trẻ bị bạo hành, lạm dụng càng kéo dài và nghiêm trọng thì tác động của việc này càng lớn”, tuy nhiên, khả năng phục hồi của trẻ và sự hỗ trợ của cha mẹ có thể là những yếu tố giảm nhẹ.

Bà Pang Si Hui, nhà tâm lý học cấp cao của khoa y tâm lý tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) cho biết: “Sau một sự kiện cực kỳ căng thẳng, trẻ có thể xen kẽ giữa cảm giác tê liệt, choáng ngợp hay cảm giác sợ hãi, hoảng loạn”.

Theo thời gian, chúng có thể thấy mình yếu đuối và bất lực, những người xung quanh nguy hiểm, còn thế giới thì không an toàn và khó đoán. Nếu trẻ đã cố gắng diễn đạt bằng lời về những gì đã xảy ra nhưng bị bác bỏ, thì việc bị bạo hành có thể phá vỡ niềm tin của trẻ vào những người xung quanh.

Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, tuổi thơ bị bạo hành có thể khiến trẻ em có lòng tự trọng thấp, trầm cảm, lo lắng, sợ hãi và chúng có thể gặp khó khăn trong mối quan hệ với người khác khi lớn lên. 

Những đứa trẻ chứng kiến ​​cảnh bạo hành cũng có thể cảm thấy đau khổ. Ngoài những cảm xúc thông thường như sợ hãi và bối rối, chúng còn có thể nảy sinh cảm giác bất an, không biết khi nào chính mình có thể trở thành nạn nhân.

Dấu hiệu của việc trẻ bị bạo hành

Tiến sĩ Pooh cho biết, trẻ nhỏ, ngay cả khi chưa biết nói, vẫn có thể giao tiếp thông qua hành vi của mình. Do đó, cha mẹ cần quan sát xem liệu trẻ có biểu hiện thay đổi hành vi không bình thường hay không.

Bà Terri Chen, trưởng nhóm tâm lý thuộc khoa y học tâm lý của NUH cho biết, trẻ em bị  bạo hành có thể phản ứng mạnh hơn về mặt cảm xúc với các tình huống thông thường dưới hình thức rên rỉ, khóc lóc hoặc la hét. Chúng cũng có thể rụt rè hơn hoặc dễ giật mình khi bị chạm bất ngờ. 

Những đứa trẻ thuộc nhóm cần chăm sóc đặc biệt - khi bị bạo hành có thể hành động tương tự và cũng có hành vi kích động - những chuyển động hoặc âm thanh cơ thể lặp đi lặp lại giúp chúng bình tĩnh hoặc kiểm soát cảm xúc. 

Bà Gloria Ng, Phó giám đốc kiêm người đứng đầu các chương trình và dịch vụ cộng đồng tại Hiệp hội Trẻ em Singapore cho biết, các dấu hiệu có thể được chia thành bốn loại: 

  • Hành vi: khó ngủ, thay đổi khẩu vị, phản xạ giật mình, nỗi sợ hãi mới, tăng sự khó chịu hoặc lo lắng về sự chia ly hoặc tái hiện sự kiện bị bạo hành trong trò chơi của chúng
  • Các triệu chứng thực thể: phàn nàn về đau bụng và nhức đầu, nhịp tim tăng hoặc đổ mồ hôi
  • Cảm giác: trẻ có thể tỏ ra sợ hãi, cáu kỉnh hơn hoặc đau khổ khi bị nhắc lại về sự kiện đó.
  • Suy nghĩ: chúng có thể tránh nghĩ về sự kiện đó, gặp ác mộng hoặc khó tập trung.

Sẽ khó có thể phân biệt giữa đau khổ do những nguyên nhân tương đối vô hại, hàng ngày và đau khổ do những lý do nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như lạm dụng hoặc bạo hành ở trường học. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu cha mẹ theo dõi những thay đổi trong hành vi của trẻ trong một khoảng thời gian.

Ngoài ra, hãy chú ý đến những vết bầm tím hoặc vết hằn trên người trẻ - nhưng cũng cần lưu ý xem xét các mốc phát triển của trẻ. Ví dụ, một trẻ đang tập đi có thể thỉnh thoảng bị bầm tím ở đầu gối.

Đối với những đứa trẻ có khả năng nói, sẽ rất hữu ích nếu hỏi chúng về các sự kiện theo trình tự thời gian, chẳng hạn như ‘có chuyện gì xảy ra sau bữa sáng hoặc giờ ngủ trưa?’. Điều này nhằm gợi ra những chi tiết đánh dấu thời gian cho thông tin. 

Các chuyên gia khuyên, phụ huynh hãy đặt những câu hỏi mở để cho phép trẻ kể lại những gì đã xảy ra và tránh hỏi trẻ nhiều lần.

Sau khi bị bạo hành, điều quan trọng nhất mà trẻ em cần là sự gắn bó an toàn, điều này đòi hỏi cha mẹ phải có mặt và thể hiện sự quan tâm đối với chúng:

  • Cha mẹ cần xác nhận cảm xúc của trẻ trước khi đưa ra lời trấn an và giúp trẻ hiểu được cảm xúc này là gì bằng cách đặt tên cho cảm xúc của trẻ.
  • Cha mẹ hãy tạo không gian an toàn để trẻ chia sẻ những gì chúng quan sát được và giúp chúng học các chiến lược đối phó nhất định như hít thở sâu. Hãy để chúng cầm một vật an toàn có thể xoa dịu chúng, chẳng hạn như một món đồ chơi. 
  • Việc trò chuyện với trẻ nên được duy trì hoặc tạo thành thói quen hàng ngày vì điều đó tạo ra sự an toàn và có thể dự đoán được tình hình.
  • Hãy đảm bảo trẻ có giấc ngủ ngon và được nghỉ ngơi để trẻ có thể điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn. 

Cách để cha mẹ kết nối với con

Dành thời gian kết nối với con cái sẽ giúp chúng cởi mở hơn với cha mẹ nếu chúng gặp khó khăn. Chuyên gia đưa ra một vài cách để cha mẹ kết nói với con, từ đó hiểu về môi trường trường học mà con đang trải qua. 

Chẳng hạn, hãy hỏi trẻ về những gì diễn ra ở trường thông qua việc đóng vai, vẽ hoặc kể chuyện. Điều này giúp cha mẹ phát hiện bất kỳ thay đổi đột ngột nào trong tâm trạng hoặc hành vi của con mình. 

Để giới thiệu chủ đề (về khả năng bị bạo hành), cha mẹ có thể yêu cầu con vẽ những bức tranh về cảnh chúng chơi với bạn bè, một ngày ở trường hoặc một hoạt động với giáo viên của chúng. 

Cha mẹ có thể bắt đầu thảo luận sớm về cách nhận biết hành vi bạo hành cũng như những việc cần làm bằng cách sử dụng ngôn ngữ và ví dụ phù hợp với lứa tuổi.

Có thể dạy con xác định các dấu hiệu cảnh báo như đe dọa, sử dụng vũ lực và đụng chạm không thích hợp. 

Trẻ nhỏ có thể học tốt hơn thông qua những câu chuyện, bài hát và hình ảnh, trong khi những đứa trẻ lớn hơn có thể học hỏi từ việc nhập vai. 

Cha mẹ là một trong những người lớn đầu tiên mà đứa trẻ sẽ tiết lộ điều gì đó riêng tư hoặc thậm chí có thể là điều gây tổn thương. Do đó, phải nhất quán hành động để khiến trẻ cảm thấy tin tưởng rằng cha mẹ sẽ lắng nghe, tin tưởng và giúp đỡ chúng. 

Hãy nhớ, nếu trẻ em cảm thấy khó nói chuyện với cha mẹ về những chuyện hàng ngày thì việc nói với cha mẹ về những điều lớn lao trong cuộc sống của chúng sẽ càng khó hơn.