Chờ...

Những hệ lụy khi trẻ bị bạo hành và cách phòng tránh

(VOH) - Hiện nay, vấn nạn bạo hành trẻ em đang diễn ra ngày càng nhức nhối trong xã hội.

Những ngày này, các trang mạng xã hội đang lên án gay gắt vụ bé gái 8 tuổi được cho là bị bạo hành dẫn đến tử vong khiến cho mọi người không khỏi xót xa, bàng hoàng. Từ khi nào mà trong chính ngôi nhà của mình, tổ ấm của mình lại trở nên không an toàn đối với các con? Vụ việc xảy ra như một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc con trẻ.

Bạo hành trẻ em bắt nguồn từ đâu?

Bạo hành trè em
Hình minh họa

Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ. 

Nạn nhân chủ yếu của “bạo hành trẻ em” là những em nhỏ sinh ra trong gia đình nghèo khổ hay con ngoài giá thú (bố mẹ mang thai ngoài ý muốn), trẻ bị khuyết tật, bố mẹ ly hôn, người lớn lạm dụng chất kích thích, trình độ học vấn hay chính bố mẹ trước đây cũng là nạn nhân của bạo hành… Trong xã hội ngày càng phát triển văn minh hiện đại, cuộc sống xô bồ vội vã hơn nên dường như người ta thờ ơ khi chứng kiến những cảnh trẻ nhỏ bị hành hạ và nghĩ rằng “Đèn nhà ai nấy rạng”, khiến cho những đứa trẻ bị cô lập trong chính ngôi nhà của chúng và ngoài xã hội.

Bạo hành trẻ em diễn ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong gia đình, 80 - 98% trẻ em từng bị cha mẹ đánh phạt, trong đó 1/3 đã từng bị đánh bằng các vật dụng khác nhau. Hình thức ngược đãi, bạo hành trong gia đình cũng rất đa dạng: đánh đập, ép buộc lao động, chửi mắng, thậm chí giết chết…

Những hệ lụy khi trẻ bị bạo hành

  • Bạo hành ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ

Bạo hành làm trẻ không thể phát triển về thể chất một cách bình thường, như trẻ còi cọc, chậm lớn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nước da tái, môi nhợt nhạt, ánh mắt đờ đẫn bạc nhược hoặc hung dữ.

  • Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ

Việc bạo hành trẻ em không chỉ gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý. Tất cả những hành động như đánh đập, vùi dập, khủng bố, làm nhục… đều khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái thảng thốt. Khi bị bạo hành thường xuyên sẽ khiến trẻ có những rối loạn hành vi và ứng xử.  Nhiều trường hợp vì bị bạo hành quá nhiều nên kéo theo sự thay đổi về tâm tính, khả năng nhìn nhận những mặt tốt – xấu trong xã hội bị ảnh hưởng, thậm chí trở nên vô cảm, lãnh đạm với mọi thứ xung quanh.

  • Rối loạn hành vi ứng xử

Khi bị bạo hành nhiều, trẻ rất có thể thay đổi hành vi ứng xử. Có trẻ đang hiền lành, hòa nhã, lễ phép bỗng trở nên thô lỗ, nóng nảy, cục cằn và hung bạo thậm chí sẽ học theo hành vi bạo hành đối với người khác, nhìn ai cũng thấy đáng ghét và ra tay đánh đập, ngay cả với các loài động vật.

Ngược lại, có nhiều trẻ khi bị bạo hành sẽ thu mình lại, sống khép kín, cô lập, hay buồn phiền suy nghĩ, luôn thấy tự ti, ngại giao tiếp, không dám đưa ra suy nghĩ của bản thân và rất dễ lâm vào tình trạng trầm cảm. Nặng hơn, trẻ có thể bị hoang tưởng, ảo giác, tâm trí bất ổn và xa lánh mọi người, phó mặc cuộc sống, không có ước mơ, hoài bão và mục đích, lý tưởng sống.

  • Trẻ bị bạo hành có thể thành người dễ bạo lực

Điều đặc biệt lưu ý là việc bạo hành sẽ gây hậu quả trầm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bị bạo hành, trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi chấp nhận và vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống sau này. Vì thế, trẻ dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài. Có những trẻ biểu hiện lúc nhỏ có thể đơn giản là hung bạo, hay cáu gắt, khó tính, nhưng khi lớn lên, trẻ có thể trở thành một con người cục cằn, lỗ mãng và độc ác. Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình. Thậm chí trẻ trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.

Giải cứu những đứa trẻ khỏi nạn bạo hành

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trả lời phỏng vấn về nạn bạo hành trè em

Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ.

  • Phụ huynh nên quan tâm đến con mình nhiều hơn. Hãy cố trò chuyện với con hoặc trở thành bạn của chúng. Cha mẹ nên có niềm tin dành cho con, tìm hiểu cặn kẽ khi có nghi vấn thay vì luôn mắng và đổ lỗi cho chúng. Đôi khi chính sự thờ ơ của cha mẹ đang tiếp tay cho kẻ xấu gây hại con mình. Ngoài các dấu hiệu về thể chất biểu hiện rõ nét trên cơ thể của trẻ thì các dấu hiệu khác cũng cần được lưu tâm như trẻ ngủ hay giật mình, tiểu dầm, chậm chạp, đờ đẫn, la khóc, rụt rè, nhút nhát, kém tập trung, sợ người lạ, ăn uống kém, hoảng sợ khi gặp đối tượng gây bạo hành cho trẻ…
  • Trước tình huống khi chúng ta phát hiện hay cảm thấy nghi ngờ trẻ bị bạo hành, chúng ta nên tách trẻ khỏi tình huống, sự kiện gây khủng hoảng càng sớm càng tốt. Cần kiểm tra xem trẻ có tổn hại gì về mặt cơ thể không, tránh la mắng trẻ hoặc ép trẻ tiếp tục làm những việc mà trẻ sợ hãi, hạn chế khoét sâu vào nỗi đau của trẻ bằng nhiếc móc, đổ thừa; tránh bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra, trừ khi trẻ tự mình kể lại chuyện đó. Điều cần thiết nhất là cần tôn trọng phản ứng của trẻ. Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tránh nhắc lại hay vô tình khơi dậy ký ức đau buồn của trẻ, tránh ruồng bỏ, khinh thường trẻ. Người lớn đặc biệt là người trẻ tin yêu luôn ở bên trẻ sau khi xảy ra khủng hoảng để giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn. Cố gắng giúp trẻ duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày như trước. Giúp trẻ giảm dần nỗi sợ hãi bằng cách tạo điều kiện đưa trẻ đi du lịch, giải trí, nghe nhạc vui tươi, hoạt động thể dục thể thao…
  • Cha mẹ cũng phải tự nâng cao ý thức của mình. Không nên sử dụng bạo lực và có quan niệm sai lệch “con của mình mình có quyền đánh”. Những hành động bạo lực vô tội vạ chẳng những gây ra tổn thương tinh thần cho con, nó còn khiến chúng có khuynh hướng bạo lực hơn.
  • Cha mẹ nên giáo dục trẻ về nạn bạo hành để trẻ có thể nhận biết mình là nạn nhân hay không, đồng thời biết cách cầu cứu thay vì im lặng chịu đựng.
  • Khi phát hiện (hoặc nghi ngờ) trẻ bị bạo hành, nên gọi cho đường dây nóng 111 để báo án, đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra, cách ly trẻ với đối tượng gây bạo hành càng sớm càng tốt. Trẻ nên được ở trong môi trường an toàn để phục hồi hoàn toàn. Càng trì hoãn và phớt lờ vấn đề, hậu quả càng tồi tệ, có khi các bậc phụ huynh phải trả giá bằng chính mạng sống của đứa trẻ.

Các hình thức xử lý pháp luật với tội danh hành hạ trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định trong trường hợp này:

Trường hợp 1:

Nếu xác định trẻ em có dấu hiệu bị đánh đập, hành hạ, song nguyên nhân tử vong không phải do việc bạo hành gây ra. Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 “Hành vi hành hạ người khác có thể gồm chửi bới, dày vò cơ thể, bỏ đói hay thậm chí đánh đập” song không gây ra thương tích nặng cho nạn nhân.

Nếu trẻ em có dấu hiệu bị đánh đập, song hành vi không gây ra tỷ lệ thương tật, không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết, việc khởi tố bị can theo Điều 140 là đúng quy định".

Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 140 Bộ luật này, qui định khung hành hạ người dưới 16 tuổi sẽ đối diện mức án tối đa là 3 năm tù.

Trường hợp 2:

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xác minh hành vi của người hành hung trẻ có phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của trẻ em hay không. Nếu có căn cứ xác định trẻ em bị hành hung dẫn tới tử vong, cơ quan chức năng có thể thay đổi tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự bị can về các tội nặng hơn đó là Cố ý gây thương tích hoặc Giết người.

Đối với tội Cố ý gây thương tích, về ý thức chủ quan, cần xác định phương thức, cách thức thực hiện hành vi bạo hành của kẻ hành hung. Việc đánh đập có nhằm vào các vị trí nguy hiểm, trọng yếu, có nguy cơ cao dẫn tới tử vong hay không? Khi thực hiện hành vi, bị can có ý thức được hậu quả có thể gây ra không?

Ngoài ra, cần làm rõ động cơ, mục đích phạm tội là muốn cháu bé hay chỉ đánh để gây tổn thương, nhằm mục đích răn đe, dạy bảo?

Nếu việc đánh đập không sử dụng hung khí nguy hiểm, không tác động vào các vùng nguy hiểm trên cơ thể cháu bé, người phạm tội sẽ bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung làm chết người, khung hình phạt áp dụng là 7-14 năm tù.

Trường hợp đủ căn cứ chứng minh kẻ hành hung thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi để tước đoạt mạng sống của cháu bé. Bị can sẽ bị xử lý về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết giết người dưới 16 tuổi, mức án cao nhất có thể là tử hình.

Ngoài ra, với việc thực hiện hành vi phạm tội với người dưới 16 tuổi, Bị can còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điểm i, Khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.