Chờ...

Vụ bé 8 tuổi bị bạo hành: Cần dạy trẻ biết quyền của mình đến đâu?

(VOH) - Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc và có cả luật về bảo vệ trẻ em.

Điều đó cho thấy nhà nước đã ý thức rất rõ về việc bảo vệ quyền trẻ em ra sao. Thế nhưng, thực tế vẫn có những câu chuyện đau lòng xảy ra khi gia đình vốn là nơi an toàn nhất của xã hội lại trở thành “địa ngục trần gian” đối với không ít trẻ em. Điển hình là sự việc bé gái 8 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh –TPHCM nghi bị bạo hành dẫn đến tử vong, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Với vụ việc không phải duy nhất như thế thì rất nhiều vấn đề được đặt ra đó là trẻ em thực sự được trao quyền đến đâu? Trẻ em sẽ phải lên tiếng kêu cứu như thế nào khi bị bạo hành và trách nhiệm, sự ứng phó của cộng đồng xã hội khi đối mặt các vụ việc bạo hành trẻ em ra sao?

Xoay quanh vấn đề nhức nhối này, VOH có cuộc trao đổi cùng TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội.

Trẻ em đã được trao quyền đến đâu ? 1
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội

*VOH: Thưa bà, trước hết, bà có nhận định ra sao về vụ án bé gái 8 tuổi tử vong mà nghi là do 'mẹ kế' bạo hành?

Tiến sĩ Khuất  Thu Hồng: Tôi rất bức xúc khi đọc tin liên quan vụ cháu bé tử vong nghi do bị bạo hành! thực sự rất khó chấp nhận! Nó xảy ra chung cư cao cấp, giữa TP lớn thì điều đó càng khó chấp nhận hơn.

*VOH: Như bà vừa chia sẻ thì ngay giữa khu dân cư cao cấp văn minh đã xảy ra chuyện bạo hành tàn độc 1 đứa trẻ như thế mà sự việc lại kéo dài? Có phải chúng ta chưa hiểu hết sự nghiêm trọng vấn đề hay thực sự vô cảm?

Tiến sĩ Khuất  Thu Hồng: Tôi nghĩ có rất nhiều vấn đề ở đây, thứ 1 là quan niệm của người dân VN lâu nay vẫn nghĩ chuyện quan hệ trong gia đình, cha mẹ dạy con, chuyện vợ chồng mâu thuẫn vẫn là chuyện riêng của gia đình nên rất ngại can thiệp. Thứ 2, khung luật pháp chính sách không có hành lang pháp lý khuyến khích người dân tố cáo, can thiệp khi nghi ngờ, phát hiện các vụ bạo hành trong gia đình, hay mình sẽ bị coi là vô duyên vô cớ can thiệp vào đời sống riêng của gia đình, không có cơ sở để tố cáo. Tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn nhận lại bạo hành trong gia đình, bạo lực trẻ em không phải vấn đề trong gia đình nữa mà là vấn đề của xã hội. Bạo hành trẻ em chính là bạo hành 1 công dân nhỏ của xã hội.

*VOH: Chúng ta đã và đang hội nhập quốc tế nhưng theo bà vấn đề về quyền trẻ em, xử lý về bạo hành của VN mình còn hạn chế như thế nào so với quốc tế?

Tiến sĩ Khuất  Thu Hồng: So với quốc tế cũng rất khó nhưng VN là một trong những nước ký công ước về quyền trẻ em sớm nhất. Điều đó cho thấy nhà nước đã ý thức rất rõ về việc bảo vệ quyền trẻ em, chúng ta có Luật trẻ em, Luật hôn nhân gia đình, quy định trách nhiệm ông bà, cha mẹ, có nhiều khung pháp lý mạnh để phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện luật pháp của chúng ta chưa nghiêm. Ở một số nước thì quyền trẻ em được khẳng định rất rõ ràng, mỗi đứa trẻ đều hiểu rõ quyền của mình là gì, được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Ở Mỹ, nếu cha mẹ đánh con, bạo hành con thì chúng có thể gọi 911. Còn ở VN , chúng ta có tổng đài 111, tổng đài bảo vệ trẻ em. Nhưng tôi không chắc là tất cả trẻ em đều biết tổng đài đó, biết rằng mình có quyền được gọi đến tổng đài đó khi bị cha mẹ bạo hành. Vì bất kì lý do gì, cha mẹ không thể bạo hành, đánh đập, xỉ nhục con cái, không thể có bạo hành tinh thần, tình cảm. Dạy con là 1 chuyện nhưng sử dụng vũ lực, hình thức bạo lực khác nhau đối với trẻ em là không thể chấp nhận. Nếu bây giờ làm 1 cuộc khảo sát thì tôi e rằng số lượng trẻ em và cha mẹ biết đến 111 sẽ rất ít.

Chỉ những vụ việc nào nghiêm trọng như vụ việc này, báo chí đưa lên thì mọi người mới quan tâm chứ việc trẻ em bị đánh mắng hằng ngày không ai quan tâm. Cháu bé bị đánh, bị hành hạ suốt 1 năm trời mà không ai can thiệp đến nơi đến chốn, hậu quả rất đau lòng và bản thân cháu bé cũng không biết mình có cái quyền gọi đến tổng đài hay tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác. Quyền của trẻ em mà trẻ em không được biết. Điều đáng tiếc và đáng nói ở đây có lẽ là điều đầu tiên các em phải được học chính là quyền của mình chứ không phải những kiến thức rất giáo điều.   

*VOH: Thưa bà, nhiều ý kiến đặt ra về trách nhiệm của người lớn đến đâu khi con trẻ phải sống thiếu tình thương của một trong 2 người cha hay mẹ hoặc vấn đề chung sống với 'mẹ kế, cha dượng'. Góc nhìn của bà như thế nào ngay trong chính vụ việc đau lòng này?

Tiến sĩ Khuất  Thu Hồng: Tôi nghĩ báo chí không nên thổi phồng chuyện 'mẹ kế cha dượng' đâu phải 'mẹ kế cha dượng' nào cũng đánh đập trẻ em. Câu chuyện ở đây là khả năng kiểm soát cơn nóng giận của người lớn, kỹ năng sống của người lớn không có. Có nhiều trường hợp chính cha đẻ giết chết con, mẹ đẻ đánh chết con mình. Điều tôi muốn nói là quyền trẻ em không được tôn trọng, không được thực hiện. Bản thân người cha đó không có trách nhiệm nào với con mình, giành quyền nuôi rồi không chăm sóc con đến nơi đến chốn, phó mặc con cho người tình mà còn cho phép có quyền đánh đập con thì không xứng đáng làm cha!. Còn người mẹ đã quá đau đớn, việc không được sống với con là một bất hạnh. Con lại rơi vào tình cảnh như thế thì nỗi đau không thể nào nguôi ngoai được.

*VOH: Thưa bà, một vấn đề nữa đặt ra rằng thời đại nào rồi mà vẫn còn cảnh mẹ không thể gặp con vì cha mẹ ly hôn? Bà nghĩ như thế nào?

Tiến sĩ Khuất  Thu Hồng: Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta phải hiểu rõ pháp luật, trong trường hợp cha mẹ ly hôn, cho dù người nào nuôi con đi nữa thì người kia vẫn có quyền chăm sóc, thăm nuôi, gặp gỡ con, nếu mà bị ngăn cản thì phải tìm đến pháp luật để bảo vệ quyền của mình. Nhiều khi, người yếu thế không dễ dàng tìm đến pháp luật để được bảo vệ vì chính sự thiếu nghiêm minh của pháp luật. Như sự việc này khiến cho người mẹ không thể đến thăm con mình để biết tình hình của con. Qua báo chí cho thấy người mẹ rất muốn đến thăm con  nhưng lại phải xin phép người tình. Tôi cho rằng tỉ lệ ly hôn ngày càng nhiều thì pháp luật liên quan đến gia đình phải thực sự nghiêm minh để bảo vệ quyền của cha mẹ được chăm sóc con cái và con cái được chăm sóc trong những gia đình tan vỡ, cha mẹ ly hôn. Trong nền văn hoá của chúng ta, chúng ta hay "thương vay khóc mướn", thương xót trẻ nhưng lại không dạy kỹ năng cho trẻ tự bảo vệ, tự đòi quyền của mình. Người lớn chỉ dạy con ngoan nhưng khi thấy con tự chủ, tự tin thì lại không hài lòng. Qua vụ việc này, có quá nhiều bài học để tất cả mọi người cùng phải học, kể cả người lớn hay trẻ em cùng cộng đồng xã hội.

*VOH: Như bà vừa nói, qua vụ việc này đâu là những bài học cốt lõi để chúng ta có thể chặn đứng vấn đề bạo hành trẻ em? 

Tiến sĩ Khuất  Thu Hồng: Tôi nghĩ theo thời gian sẽ giảm thiểu. Trước hết, phải dạy cho trẻ hiểu về quyền của chúng một cách đến nơi đến chốn, dạy trẻ nhớ và hiểu! Thứ 2, trẻ phải biết những dịch vụ nào đang tồn tại để trẻ có thể tìm đến hỗ trợ như tổng đài dễ nhớ 111. Song song đó, cha mẹ phải biết và hiểu trẻ em có quyền được bảo hộ, việc đánh đập, bạo hành trẻ là vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm về hành chính hay hình sự. Thứ 3, phải thay đổi quan điểm bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em chính là vấn đề xã hội chứ không phải vấn đề gia đình. Một đứa trẻ bị đánh là một công dân xã hội bị đánh. Thứ 4 là câu chuyện trách nhiệm của cộng đồng, bất kể lúc nào chúng ta nghi ngờ, biết thì phải lên tiếng và báo với cơ quan chức năng can thiệp tức thì. Cơ quan chức năng phải thực hiện nhiệm vụ của mình mẫn cán hơn, phổ biến thông tin pháp luật, thực thi xử lý quyết liệt nhanh chóng, thấu tình đạt lý, chứ không phải lúc nào cũng hoà giải để trong ấm ngoài êm nhưng bên trong gia đình ngấm ngầm hành hạ nhau cho đến khi có người chết thì mọi người mới thể hiện sự thương cảm là quá muộn. Cuối cùng, tôi nghĩ tinh thần thương tôn pháp luật là điều quan trọng và luôn luôn phải được đề cao.

*VOH: Xin cảm ơn.