Tháng 3/2021, một người phụ nữ họ Từ (56 tuổi) đến đồn cảnh sát thành phố Dương Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc để báo cáo về việc mình đã chuyển khoản nhầm một số tiền lớn vào tài khoản người lạ. Thấy bà Từ đang rất hoảng hốt, cảnh sát trấn an bà để hỏi rõ đầu đuôi sự việc.
bà Từ dùng app ngân hàng trực tuyến trên điện thoại chuyển đi 70.000 NDT (khoảng 245 triệu đồng). Đây là tiền viện phí mà bà cần nộp cho lần điều trị tiếp theo.
Bà Từ mắc hội chứng Parkinson và phải dùng thuốc trong nhiều năm. Trong một phút bất cẩn, bà đã lỡ tay chuyển nhầm vào tài khoản người khác.
Bà Từ cho hay, người nhận là một người đàn ông họ Hà, sống ở Thâm Quyến. Cách đây vài năm, chồng bà làm ăn với ông Hà và nhờ bà chuyển tiền vào tài khoản của người đàn ông này nên có lưu trong danh bạ.
Sau khi nắm được thông tin về sự việc, cảnh sát đưa bà Từ đến ngân hàng, đề nghị phía ngân hàng hỗ trợ tìm thông tin liên lạc của ông Hà.
Tuy nhiên, khi vừa nhận được điện thoại của cảnh sát, ông Hà nhanh chóng tắt máy. Đến lần kết nối tiếp theo, ông Hà mới chịu nghe điện thoại, nhưng từ chối hợp tác và không đồng ý trả lại tiền vì nghĩ rằng người gọi đến là kẻ lừa đảo.
Xét thấy hiện nay ngày càng nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại, cảnh sát cho rằng việc ông Hà đề cao cảnh giác là điều hợp lý.
Cảnh sát ở Dương Châu liền liên hệ với cơ quan chức năng khu vực ông Hà sinh sống, nhờ họ trực tiếp làm việc và thuyết phục ông.
Được cảnh sát địa phương giải thích cặn kẽ và động viên, ông Hà cuối cùng đã tin tưởng và chuyển khoản lại cho bà Từ số tiền đã nhận được, đồng thời xin lỗi vì trước đó đã nghi ngờ cảnh sát là kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, phía cảnh sát lại dành lời khen ngợi cho hành động của ông Hà.
Sự việc này không chỉ là bài học về việc kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi thực hiện các giao dịch tài chính, mà còn là minh chứng cho lòng tin và sự thông cảm giữa con người. Cảnh sát cũng đã khuyến cáo rằng trong thời đại công nghệ hiện đại, việc nhận diện và phòng tránh các vụ lừa đảo qua điện thoại là vô cùng cần thiết.