Cha mẹ làm gì để phòng tránh việc con bị bắt cóc?

(VOH) - Sau vụ bắt cóc bé trai ở Bắc Ninh gây xôn xao cộng đồng, các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, phòng tránh việc con em mình có thể bị bắt cóc bằng những giải pháp cụ thể.

Có thể nói, hậu quả của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề, nghiêm trọng.

Dễ nhận thấy nhất là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ em bị bắt cóc đã bị xâm hại hoặc nghiêm trọng hơn là bị chiếm đoạt.

Nếu trẻ may mắn được sống, vẫn có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ. Những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em.

Với gia đình đó là nỗi đau, sự dày vò dai dẳng hoặc nếu bắt cóc tống tiền có thể bị xâm hại tài sản của gia đình nạn nhân.

Về mặt xã hội, đó là những sự việc gây tâm lý bất an, lo lắng trong dư luận xã hội, tiềm ẩn những nguy cơ về trật tự an toàn xã hội.

Cha mẹ cần trông nom con cẩn thận khi đưa con đến chơi các khu vui chơi công cộng. Ảnh minh họa: PN

Làm cách nào để phòng tránh việc con bị bắt cóc?

Bố mẹ, người thân thì không thể lúc nào cũng ở bên con trẻ để bảo vệ, trông coi. Nhưng ít nhất khi trẻ từ sơ sinh đến chưa biết nói hoặc nói bập bẹ, chưa biết phản ứng rõ rệt với người lạ, bố mẹ hoặc người thân phải luôn bên cạnh trẻ. Nếu thuê người trông trẻ tốt nhất phải luôn có người thân trong nhà, đến cơ sở y tế cũng không giao trẻ cho bất kỳ ai mà luôn có người nhà giữ trẻ.

Một kỹ năng đầu tiên mà phụ huynh nên dạy con là không nên tách riêng để đi chơi, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Khi đi ra ngoài, lúc con còn nhỏ tập thói quen con phải luôn nắm tay cha mẹ, khi trẻ vận động, chơi đùa, cha mẹ không rời mắt khỏi con.

Trẻ nhỏ rất hiếu động, nên cha mẹ cần luôn để mắt đến trẻ. Ảnh minh họa: PN

Trẻ cũng cần được dạy không đến gần, tiếp xúc và nghe theo lời người lạ, dù họ có biết tên tuổi và những thông tin của trẻ và gia đình trẻ đồng thời phải kiên quyết từ chối trước những dụ dỗ bằng lời nói hay hiện vật của người lạ.

Tập cho trẻ thói quen ai cho gì hay rủ đi đâu cũng cần hỏi ý kiến cha mẹ hoặc ở trường phải hỏi ý kiến cô giáo.

Một cách dễ thực hành là hãy dạy cho con một mật khẩu bí mật mà chỉ có cha mẹ và người thân cận biết. Nếu người lạ muốn tiếp xúc, hỏi han, cho quà... thì họ phải có sự đồng ý của cha mẹ về mật khẩu bí mật, lúc này trẻ mới có thể đồng ý tiếp xúc với người lạ. Không để người lạ biết được trẻ đang ở nhà một mình.

Trẻ lớn hơn một chút, có thể dạy cho trẻ học thuộc tên và số điện thoại bố mẹ, nhớ địa chỉ nhà, biết "những người lạ có thể tin tưởng" như: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường…. Với những người này, khi gặp tình huống nguy hiểm con có thể nhờ giúp đỡ. Có thể giúp trẻ nhận biết những người này khi đi siêu thị, nhà sách, cha mẹ chỉ cho con những người mặc đồng phục để con hiểu và nhớ.

Khi trẻ đủ khả năng nhận biết, cần xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc.

Ví dụ khi con bị ai đó dùng vũ lực bắt con, con cần biết hét, gào khóc thật to để gây sự chú ý và tìm kiếm sự cầu cứu. Những cụm từ mà trẻ nên hét lên là "bắt cóc", "cháy nhà", "cứu cháu với"... Tiếng hét không chỉ giúp gây chú ý mà còn là động lực để thúc đẩy trẻ vùng vẫy mạnh hơn thoát khỏi tay kẻ bắt cóc. Nếu trẻ được dạy đủ bình tĩnh để hét cụ thể “Cứu cháu, người này không phải bố/ mẹ cháu” thì sẽ tốt hơn vì không bị nhầm với một đứa trẻ đang nổi cơn thịnh nộ.

Dạy trẻ hãy cắn, đá, cào, cấu vào kẻ bắt cóc rồi vùng mạnh và bỏ chạy.

Bố mẹ tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (facebook, zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình vì có thể trở thành “mồi” của tội phạm bắt cóc.

Cha mẹ cùng trẻ xem những video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những bé khác gặp phải khi không ở cùng bố mẹ của mình. Sau đó, cha mẹ có thể khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ khi bé xem những video này để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống tương tự có thể xảy ra với trẻ nếu trẻ gặp phải.

Trong trường hợp trẻ bị bắt cóc, cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.

Lễ Vu Lan báo hiếu - Nguồn gốc, ý nghĩa những điều nên làm và cấm kỵ: Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Là một ngày lễ lớn mang nhiều giá trị tinh thần và giá trị nhân 

 

8 cách đuổi muỗi từ nguyên liệu thiên nhiên vừa an toàn lại còn giúp căn nhà thơm mát: Muỗi đốt không chỉ đơn giản là nổi mẩn ngứa mà còn có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nhưng không cần lo lắng vì có rất 

Ph Nguyệt (tổng hợp)