Nếu bạn đang có ý định “xuống tiền” mua ô tô thì nhất định không được bỏ qua việc tính toán các khoản chi phí “nuôi” xe cố định cũng như phát sinh hàng tháng. Vì đây cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều chủ xe phải “đau đầu”.
1. Chi phí đăng kiểm
Đăng kiểm ô tô là quá trình cơ quan chuyên ngành kiểm định chất lượng xe xem có đạt tiêu chuẩn hay không. Các tiêu chuẩn gồm: an toàn kỹ thuật như thắng, lái và mức độ bảo vệ môi trường.
Từ ngày 22/3/2023 xe ô tô mới mua, chưa qua sử dụng theo quy định tại thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 16/2021 về đăng kiểm phương tiện ô tô của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu.
Cụ thể, đối với xe ô tô mới, chưa qua sử dụng loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, dự thảo sửa đổi quy định miễn kiểm định lần đầu trong khoảng thời gian 36 tháng.
Với ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải có thời gian sử dụng đến 7 năm (kể từ ngày sản xuất) thì chu kỳ kiểm định lần đầu là 36 tháng, chu kỳ định kỳ là 24 tháng.
Vẫn loại xe này nhưng sản xuất trên 7 - 15 năm thì chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng. Nếu thời gian sản xuất trên 15 năm thì chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng.
Chi phí đăng kiểm định kỳ hiện nay gồm:
- Biểu phí đăng kiểm cho ô tô dưới 10 chỗ là 250.000 đồng (Thông tư 55/2022/TT-BTC)
- Phí cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe ô tô dưới 10 chỗ là 90.000 đồng (Thông tư 199/2016/TT-BTC, sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 36/2022/TT-BTC)
Như vậy, tổng chi phí đăng kiểm theo kỳ khoảng 340.000 đồng.
Lưu ý, với những xe đã sử dụng, muốn được đăng kiểm, các chủ xe thường phải tốn thêm một khoản chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa xe cho đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định.
2. Lệ phí bảo hộ
Phí đường bộ, hay còn gọi là phí bảo trì đường bộ là loại phí mà chủ các phương tiện giao thông lưu thông trên đường bộ phải nộp để sử dụng cho mục đích bảo trì, nâng cấp đường bộ.
Phí đường bộ được thu theo năm, mức phí do Nhà nước quy định.
Phí bảo trì đường bộ cho xe ô tô dưới 10 chỗ được quy định là 130.000 đồng/tháng (theo biểu mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính).
3. Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) là loại bảo hiểm ô tô bắt buộc chủ xe phải mua theo quy định.
Mức lệ phí bảo hiểm bắt buộc TNDS được quy định tùy theo loại xe và chủ xe phải đóng hàng năm.
Giá bảo hiểm TNDS hiện cụ thể như sau:
- Xe dưới 6 chỗ ngồi: 437.000 đồng/năm
- Xe từ 6 - 1 chỗ ngồi: 794.000 đồng/năm
- Xe dưới 6 chỗ ngồi kinh doanh vận tải: 756.000 đồng/năm
- Xe 6 chỗ ngồi kinh doanh vận tải: 929.000 đồng/năm
- Xe 7 chỗ ngồi kinh doanh vận tải: 1.080.000 đồng/năm
- Xe 8 chỗ ngồi kinh doanh vận tải: 1.253.000 đồng/năm
4. Phí bảo hiểm vật chất
Bảo hiểm vật chất ô tô là bảo hiểm tự nguyện, giúp người mua được bồi thường các tổn thất, thiệt hại do những tác động từ bên ngoài mang tính chất không lường trước.
Vì chi phí khắc phục các thiệt hại vật chất của ô tô khá cao nên để đề phòng rủi ro, hầu hết chủ xe đều mua loại bảo hiểm này.
Mức bảo hiểm thông thường dao động trong khoảng 1,5% giá trị xe. Tùy vào dòng xe, xe cũ hay xe mới, thời gian sử dụng, số tiền chủ xe phải chi sẽ khác nhau. Với mẫu xe cỡ nhỏ (giá trị 500 triệu đồng), mức bảo hiểm này nằm trong khoảng 8.000.000 - 10.000.000 đồng/năm.
5. Phí gửi xe hàng tháng
Các chủ xe sinh sống ở thành thị thường phải lo thêm vấn đề trông giữ xe nếu không có không gian để xe. Mức giá sẽ tùy thuộc vào khu vực cũng như điều kiện, chất lượng của bãi giữ xe. Trung bình, giá phí gửi xe ô tô hiện nay là khoảng 3.000.000 - 5.000.000 triệu đồng/tháng.
Ngoài chi phí gửi xe cố định hàng tháng, thông thường chủ xe cũng cần chi ra một khoản cho việc gửi xe bên ngoài khi có công việc. Chi phí ước tính khoảng 500.000 đồng/tháng.
6. Phí nhiên liệu
Với người sử dụng ô tô di chuyển khoảng 1.000 km/tháng, chi phí nhiên liệu có thể dao động từ 1.500.000 đồng/tháng. Với người đi nhiều hơn, khoảng 2.000 km/tháng thì tiền nhiên liệu có thể rơi vào khoảng 3.000.000 đồng/tháng.
Đương nhiên, đây chỉ là con số ước lượng vì trên thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu của xe: động cơ, điều kiện môi trường, thói quen lái xe, chất lượng nhiên liệu, các vấn đề về lốp và căn chỉnh lốp…
7. Phí cầu đường BOT
Nếu bạn mua xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại bình thường thì khoản chi phí này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Trung bình khoảng 500.000 đồng/tháng.
8. Phí bảo dưỡng định kỳ
Kiểm tra, bảo dưỡng xe định kỳ là việc cần thiết. Thông thường, nếu xe không bị hư hỏng nặng thì mỗi năm, chi phí bảo dưỡng có thể rơi vào khoảng 3.000.000 đồng.
9. Phí phạt
Trên thực tế, đây là loại phí mà không ai mong muốn phải tính sẵn và chi trả. Tuy nhiên, nếu phải ước tính thì số tiền này có thể dao động 3.000.000 - 4.000.000 đồng/năm.
Từ những loại chi phí trên, chúng ta có thể thấy, để “nuôi” một chiếc ô tô, trung bình mỗi tháng chủ xe cần chi khoảng 8.000.000 - 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước lượng, có thể thay đổi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Ví như chủ xe sống ở nông thôn có chỗ đậu xe rộng rãi, chủ xe ít đi lại thì mức chi phí có thể thấp hơn. Chủ của những chiếc xe đã cũ hay thường xuyên đi xa sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho việc bảo dưỡng, sửa chữa hay mua nhiên liệu, phí cầu đường…