Cô Jaqueline Gmack (Papanduva, Brazil) đã uống thuốc không kê đơn vào năm 2011 để giúp giảm chứng chuột rút trong kỳ kinh nguyệt. Chỉ trong vòng 48 giờ sau khi uống thuốc, người phụ nữ 31 tuổi bị ngứa nhẹ ở mắt và nổi mụn nước ở miệng.
Khi được đưa đến bệnh viện, các triệu chứng của cô nhanh chóng nặng hơn và xuất hiện những vết phồng rộp trên mặt khiến cô không thể nhìn rõ.
Các bác sĩ tiết lộ, cô mắc hội chứng Stevens-Johnson (SJS) và điều này khiến cô rơi vào tình trạng hôn mê.
Theo Daily Mail, tình trạng bệnh hiếm gặp này khiến hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với tác nhân, chẳng hạn như thuốc, và tấn công làn da khỏe mạnh, chất nhầy, mắt và bộ phận sinh dục. Đến nay, thị lực của cô Gmack chỉ phục hồi được khoảng 40% so với ban đầu dù đã trải qua hơn chục ca phẫu thuật.
Nhớ lại thử thách khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê, cô Gmack nói: 'Tôi như bị bỏng từ trong ra ngoài. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với mình. Tôi nhận thấy toàn bộ cơ thể mình được băng bó, mắt của tôi hoàn toàn mờ đi và tôi bị đặt một ống dẫn xuống cổ họng, nhưng tôi không thấy đau đớn chút nào’.
'Khi đó, tôi nhận ra rằng mình rất yếu và có điều gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra với tôi' – cô nói.
Kể từ đó tới nay, cô Gmack đã trải qua 24 ca phẫu thuật để cải thiện thị lực, bao gồm ghép giác mạc, ghép tế bào gốc và ghép màng ối - trong đó một tấm màng ối được cố định trên bề mặt mắt tới mí mắt.
Cô Gmack hiện vẫn phải đi kiểm tra hai tuần một lần để theo dõi sức khỏe mắt của mình và khẳng định cô chỉ còn khoảng 40% thị lực.
Cô Gmack được cho là chưa từng bị phản ứng với ibuprofen trước đây hoặc có bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào.
Hội chứng Stevens-johnson là gì?
Theo Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là một chứng rối loạn nghiêm trọng, hiếm gặp ở da và niêm mạc. Nó thường bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm, sau đó là phát ban đỏ tím đau đớn lan rộng và phồng rộp.
Các triệu chứng khác của bệnh có thể bao gồm: Sốt; Đau lan rộng không rõ nguyên nhân; Phồng rộp ở da, miệng, mũi, mắt và bộ phận sinh dục; Lớp da ngoài cùng sau đó sẽ chết và bong ra.
Nguyên nhân của SJS thường không rõ ràng nhưng có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc nhiễm trùng, như viêm phổi.
Nếu không điều trị, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng và các nghiên cứu cho thấy, cứ 10 trường hợp mắc thì có 1 trường hợp tử vong. Căn bệnh này ảnh hưởng đến ít nhất 1 trên 1 triệu người mỗi năm.
Thống kê cho thấy, ở Mỹ, SJS được cho là ảnh hưởng đến 6 người trên 1 triệu người mỗi năm. Một nghiên cứu từ năm 1995 đến năm 2013 cũng cho thấy, có 5,76 trường hợp mắc SJS trên 1 triệu người mỗi năm ở Anh.
Mọi người có nhiều nguy cơ mắc SJS hơn nếu hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc chứng rối loạn này.
Các bác sĩ thường điều trị bệnh này bằng cách truyền dịch để ngăn ngừa mất nước, bôi kem và băng để giữ ẩm cho da, dùng thuốc giảm đau mạnh để giảm bớt sự khó chịu và dùng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.