Cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ di cư - Cần thêm giải pháp hỗ trợ

(VOH) - Để giúp nữ lao động di cư được tiếp cận nhiều hơn với chính sách an sinh xã hội, cần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, tạo độ bao phủ rộng trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư.

Sáng nay 2/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư: kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ” nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù góp phần phát triển toàn diện phụ nữ ở Việt Nam.

Cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ di cư - Cần thêm giải pháp hỗ trợ 1
Hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư: kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ”

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện Trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội, phụ nữ di dân mang theo rất nhiều trách nhiệm và nhiều rủi ro. Họ luôn ở tâm thế là người lao động tự do yếu thế, chính vì vậy họ luôn ngại tiếp xúc với những gì "chính thức", vì vậy những chính sách dịch vụ phúc lợi công không đến được với họ. Do đó, cần cụ thể hoá các gói chính sách và quan tâm đặc biệt hơn.

Các gói chính sách, quy định, văn bản khi triển khai cần được thiết kế cụ thể cho những nhóm người bị thiếu hụt năng lực và dần dần chúng ta thực hiện.

“Hiện nay, có những nhóm lao động nghề đang hình thành rất tốt và được bảo trợ bởi những nhà chuyên môn như mô hình thu gom rác dân lập tại TP.HCM.

Họ liên kết với nhau, tự làm, tự thuê các dịch vụ và được nhận lại từ tiền người dân đóng vào dịch vụ thu gom rác chứ không được nhận các chính sách như những người trong Công ty lao động Công ích. Tuy nhiên, họ đang duy trì được mạng lưới nghề nghiệp rất tốt và tôi cho rằng những mô hình này cần phải phát huy”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi – Viện Trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới thì lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới như chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử; học vấn thấp, trên 60% học đến bậc trung học cơ sở, tiểu học chiếm 22%.

Những lao động này chưa qua đào tạo chiếm 83,7%, bậc sơ cấp, trung cấp là 13%. Họ không có nghề nghiệp gì trong tay. Tại TPHCM, họ đến làm thuê, buôn bán nhỏ, buôn bán hàng rong và giúp việc nhà.

Đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng nhưng quan trọng đào tạo nghề phải gắn với việc làm, nếu chỉ đào tạo họ sẽ không quan tâm, hứng thú vì không hiệu quả, thiết thực.

Thứ hai, những chính sách cho phụ nữ di cư phải cụ thể, thiết thực như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh... sao cho thuận lợi để phù hợp với tính chất việc làm của họ.

Thứ 3, mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí của TP với người lao động có thể mở miễn phí để họ tham gia”, bà Trần Thị Minh Thi cho biết.

Tiến sỹ Bùi Thị Hòa – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam – chủ nhiệm đề tài khẳng định, những nỗ lực thiết thực của các ngành chức năng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thời gian tới, để giúp nữ lao động di cư được tiếp cận nhiều hơn với chính sách an sinh xã hội, thì các ngành chức năng cần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, tạo độ bao phủ rộng trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư.