Chờ...

Cúng ông Công, ông Táo - nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt

(VOH) – Cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp là một tín ngưỡng văn hóa dân gian, chứa đựng những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Theo phong tục cổ truyền của người dân Việt Nam, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp mỗi gia đình lại tất bật chuẩn bị cho lễ cúng ông Công ông Táo với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn.

Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp.

Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện-ác của con người. Mỗi năm, vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Cúng ông Công, ông Táo - nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt 1
Mâm cổ cúng ông Công, ông Táo. 

Trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời.

Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo thường có cá chép - phương tiện đưa ông Công, ông Táo về trời, hương, hoa, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận (tùy từng gia đình).

Tùy theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ.

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp). Theo quan niệm dân gian, sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.