Chờ...

Cuộc chiến chống mệt mỏi thời đại số

MỸ - Khảo sát mới đây cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: Thế hệ trẻ đang ngày càng kiệt sức, với gần một phần tư cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.

Một khảo sát mới đây của công ty Talker Research đã phơi bày một thực trạng đáng lo ngại về thế hệ Z (Gen Z).

Với 24% thanh niên luôn trong trạng thái mệt mỏi, mức cao nhất so với các thế hệ khác. Nghiên cứu cho thấy 34% Gen Z cho biết mình thường xuyên cảm thấy kiệt sức, so với chỉ 20% ở thế hệ baby boomers. Điều đáng chú ý là chỉ khoảng 5% người trẻ cho rằng mình hiếm khi mệt mỏi.

291124_Gen_Z_1
Thực trạng đáng lo ngại ở Gen Z - Ảnh: VNE

Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tiến sĩ Sylvie Stacy từ bệnh viện Birmingham, Alabama (Mỹ) giải thích rằng các hoạt động về đêm như lướt mạng xã hội có thể mang lại cảm giác thư giãn tức thời, nhưng thực tế lại gây ra những tác hại nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.

Áp lực xã hội và quan niệm sai lầm về năng suất cũng là một yếu tố quan trọng. Gen Z vô thức tin rằng việc cắt giảm giấc ngủ sẽ tạo ra nhiều thời gian hơn để theo đuổi mục tiêu cá nhân và công việc. Theo Tiến sĩ Stacy, điều này chỉ khiến họ khó hoạt động hiệu quả trong ngày.

Khảo sát của Ultimate Kronos Group còn cho thấy một con số gây sốc, 83% Gen Z đang kiệt sức vì khối lượng công việc quá lớn.

36% đang cân nhắc nghỉ việc do sức khỏe tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng, và 58% cho rằng thời gian nghỉ phép quan trọng hơn mức lương tăng.

Giáo sư Denise Rousseau từ Đại học Carnegie Mellon nhấn mạnh rằng mỗi thế hệ có những phản ứng khác nhau với áp lực. Riêng với Gen Z, họ đã trải qua giai đoạn hình thành nhân cách trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ít quen với làm việc liên tục tại văn phòng và phải gánh chịu những khoản vay sinh viên cùng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Viện Hàn lâm Y học giấc ngủ (AASM) và Hội Nghiên cứu giấc ngủ (SRS) khuyến nghị người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Việc này không chỉ giúp tránh các bệnh mãn tính mà còn giảm nguy cơ rối loạn thần kinh và trầm cảm. 

Bình luận