Đặc điểm tính cách có thể khiến một người sống độc thân cả đời

VOH - Một nghiên cứu mới từ Đại học Bremen (Đức) đã chỉ ra ba đặc điểm tính cách chính có thể khiến một người dễ sống độc thân cả đời.

Nghiên cứu đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ nhóm người độc thân, đặc biệt là ở độ tuổi lớn tuổi.

Nghiên cứu được thực hiện trên 77.000 người trên 50 tuổi, chia thành năm nhóm: đang độc thân, đang có bạn đời, chưa từng sống chung với ai, chưa từng kết hôn, và chưa từng có mối quan hệ dài hạn nghiêm túc.

doc than_voh
Người chưa từng có mối quan hệ lâu dài nghiêm túc có ba đặc điểm trong tính cách: ít hướng ngoại, ít tận tâm và ít hài lòng với cuộc sống. - Ảnh: Theweek

Dựa trên mô hình tính cách Big Five (5 yếu tố: cởi mở, tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu, nhạy cảm) và mức độ hài lòng với cuộc sống, các nhà khoa học phát hiện ra những người chưa từng có mối quan hệ nghiêm túc có điểm số thấp nhất ở ba khía cạnh:

Ít hướng ngoại: Những người sống độc thân suốt đời thường có xu hướng khép kín, ít giao tiếp xã hội và ngại mở lòng với người khác.

Ít tận tâm: Họ ít có động lực hoặc không ưu tiên xây dựng mối quan hệ lâu dài, điều này khiến họ ít khả năng tìm được bạn đời.

Ít hài lòng với cuộc sống: Mức độ hài lòng với cuộc sống của họ thấp hơn đáng kể so với những người có quan hệ tình cảm lâu dài.

Julia Stern, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Bremen và một trong những tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh: "Các phân tích cho thấy những người độc thân cả đời thường không hướng ngoại, không cởi mở với trải nghiệm mới và cảm thấy ít hài lòng với cuộc sống."

Nghiên cứu cũng chỉ ra một số khác biệt đáng chú ý:

Phụ nữ độc thân thường hài lòng với cuộc sống hơn nam giới độc thân, đặc biệt trong bối cảnh xã hội vẫn xem hôn nhân là chuẩn mực.

Người cao tuổi độc thân cảm thấy hạnh phúc hơn với hoàn cảnh của mình so với nhóm trung niên. Điều này có thể xuất phát từ việc họ đã chấp nhận cuộc sống độc thân và thích nghi với thực tế này.

Tuy nhiên, Stern cảnh báo rằng nhóm người độc thân lớn tuổi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, bao gồm các vấn đề về sức khỏe và tài chính. Họ không có người bạn đời làm điểm tựa khi gặp khó khăn, điều này đặt ra yêu cầu đặc biệt cho các chính sách xã hội hỗ trợ họ.

Theo nhóm nghiên cứu, những phát hiện này cho thấy cần có các biện pháp xã hội nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với những người độc thân cả đời, đặc biệt là nhóm cao tuổi. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng các cộng đồng hỗ trợ tinh thần, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính, cũng như nâng cao nhận thức xã hội về việc sống độc thân.

"Sự cô đơn không nhất thiết là tiêu cực, nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng những người độc thân, đặc biệt là ở tuổi già, có đủ nguồn lực và sự hỗ trợ để đối mặt với những thách thức mà họ gặp phải," Stern nhấn mạnh.

Bình luận