Triển lãm do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ tổ chức tại Đường sách Thành phố từ nay đến hết ngày 6/10.
Đây là cuộc triển lãm ảnh lần thứ 14 và là tập sách ảnh thứ 9 mang tên “Sài Gòn Covid-19” (song ngữ Việt - Anh) của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.
Khác với tập sách ảnh “Nhịp sống Sài Gòn” mà anh xuất bản trước đó, ghi lại không gian phố xá sầm uất giữa dòng người vội vã thì tập “Sài Gòn Covid-19” phản ánh một thành phố năng động nghĩa tình bỗng dưng trầm lắng, những ngày nhìn và lắng nghe sự im lặng đến nao lòng, nhưng cũng mạnh mẽ, ấm áp và chở che.
Với tất cả tâm huyết của một người yêu nghề, 101 tác phẩm nhiếp ảnh được chọn lọc từ hơn 2.000 file ảnh để đưa vào tập sách ảnh “Sài Gòn Covid-19”, Trần Thế Phong mong muốn gửi đến các bạn những hình ảnh của một Sài Gòn thanh vắng, diễm lệ và nghĩa tình.
Bạn Nguyễn Minh Huyền – sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM bày tỏ cảm xúc khi xem triển lãm: “Mình ấn tượng với phố đi bộ Nguyễn Huệ nhất vì đây là biểu tượng của cuộc sống hiện đại của thành phố. Tuy nhiên, khi Covid-19 đi qua thì gần như quét sạch dáng người vui chơi tại đây. Cho nên mình cảm nhận sâu sắc sự trống trải của thành phố khi hứng chịu thiệt hại lớn như vậy. Nó ghi lại khoảng khắc nào đó từng bước hiện lên trong cuộc sống người dân và khiến họ thay đổi, hình thành văn hóa mới”.
Chính từ những khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội mà tác giả ghi lại trong bộ sách ảnh và triển lãm lần này, cũng bật lên được tình người trong đó, tình thương yêu giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng – người đồng hành cùng các dự án cộng đồng, cho rằng dù trải qua nhiều khó khăn nhưng nụ cười vẫn trên môi của mỗi người con của thành phố, truyền nghị lực sống, khiến cho chúng ta tràn đầy sự lạc quan tin tưởng:
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết: “Phi Hùng đã cảm nhận được tình người và sự chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, Phi Hùng thấy trong những gam màu của anh Trần Thế Phong luôn luôn có những hy vọng, bầu trời vẫn xanh trong và con người sống trong niềm tin niềm hy vọng.
Đôi khi Phi Hùng thấy cả giọt nước mắt, thấy nụ cười mà có sự yêu thương, có sự chia sẻ. Trong quá trình theo dõi anh Phong làm việc thì Phi Hùng có những cảm hứng để viết nên những điều hay, giá trị bằng âm nhạc mà Phi Hùng sẽ giới thiệu MV có tựa đề Có một Sài Gòn như thế”.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sinh ra và lớn lên tại TPHCM, vì vậy mà nơi đây luôn chiếm tình cảm quan trọng trong anh, luôn đau đáu một ân tình. Theo tác giả, suốt hơn 50 năm qua, đây là lần đầu tiên tác giả được chứng kiến một thành phố vốn nhộn nhịp, sầm uất bỗng trở nên vắng lặng, bình yên và âu lo trong mùa dịch bệnh Covid-19. Một Sài Gòn thật lạ lẫm với mọi người và đây lại chính là nhân duyên đẩy đưa tác giả ấp ủ thai nghén và ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này.
Nguyễn Thế Phong chia sẻ: “Là một người nhiếp ảnh, mình muốn ghi lại những hình ảnh hiếm hoi để lưu lại kí ức mọi người về những ngày giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19. Mọi người dân luôn đoàn kết thực hiện đúng các giãn cách xã hội và luôn có cái tình nhân ái, chia sẻ động lực, giúp nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, trong dịch Covid-19 hoặc bất cứ hoàn cảnh nào”.
Tại không gian triển lãm tại Đường Sách trải dài với khoảng 80 bức ảnh được sắp xếp theo mạch cảm xúc của tác giả trong những ngày rong ruổi bắt nhịp Sài Gòn sống chậm, yên lặng. Cũng nhân dịp trung thu năm nay, Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong dành tặng các em thiếu nhi những phần quả nhỏ mà theo tác giả đây là tấm lòng của người nghệ sĩ, trái tim thổn thức của một người con thành phố.
Xem thêm: