Chờ...

Đạo diễn Xuân Phượng: “Cây Gia phả” định đoạt Tên, Số phận và Nghề nghiệp

VOH - Đặt Tên không chỉ để nghe hay, ấn tượng, mà còn là định mệnh. Có gia đình đặt tên theo hệ gia phả, kỳ vọng cho mỗi Nhân nghiệp. Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ với NB Công Vinh về giá trị sống.

“Gánh Gánh Gồng Gồng”: Tên gọi là nửa cuộc đời

*Host: Trong loạt những cái tên, bà đã chọn "Gánh Gánh Gồng Gồng". Theo bà, tên của một tác phẩm có ảnh hưởng gì đến số phận của tác phẩm đó?

Bà Xuân Phượng: Theo tôi, việc chọn được một cái tên phù hợp gần như là đã hoàn thành một nửa cuốn sách rồi, khó vô cùng.

Chọn tên cho phim, cho sách, hay thậm chí cho nhân vật đều là việc không hề đơn giản. Nhưng khi tìm ra được rồi thì cũng nhờ sự hỗ trợ của rất nhiều anh em, bạn bè. Anh Tô Hoàng, anh Hồ, anh Thái và nhiều người khác đã góp ý cho tôi. Từ những gợi ý đó, tôi tiếp thu, chắt lọc, và nhận ra đâu là ý tưởng phù hợp nhất với mình. Thực ra, thành quả đó không hoàn toàn do tôi tự nghĩ ra, mà còn là nhờ sự giúp đỡ của mọi người.

*Host: Từ kinh nghiệm, theo , việc đặt tên cho Con liệu có ảnh hưởng gì đến nghề nghiệp và số phận của họ sau này?

Bà Xuân Phượng: Tôi rất tiếc là không thể trả lời rõ ràng được câu hỏi này, vì tên của chúng tôi đã được gia đình định sẵn từ năm đời nay. Gia đình tôi có truyền thống đặt tên dựa trên gia phả, một cách rất quy củ. Ví dụ, trong gia đình, nếu là con gái thì có một nhóm tên riêng, con trai cũng vậy, tất cả đều được định trước.

Chẳng hạn, mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Xuân Oanh, thuộc nhánh gia đình có chữ “Oanh.” Vì vậy, anh chị em trong nhà tôi cũng theo truyền thống đó: tôi tên là Phượng, em tôi tên là Yến, em khác nữa tên là Nhạn, và em út là Thiên Nga. Những cái tên này đã được định sẵn trong gia phả, và chúng tôi chỉ việc tuân theo truyền thống mà thôi.

*Host: Khi xây dựng gia phả và chọn tên, chắc hẳn dòng tộc cũng đã có những suy nghĩ, những kỳ vọng nhất định về từng thế hệ và số phận của mỗi người trong gia đình.

Bà Xuân Phượng: Hệ thống mà em đang nói đến, thật ra phải tuân theo quy định của gia phả, giống như một khuôn khổ đã được đặt ra từ trước. Nó phức tạp như một khu rừng vậy. Trong gia đình, nếu sinh con trai thì đặt tên theo quy ước gì, con gái thì phải đặt tên ra sao – tất cả đều được ghi rõ ràng trong gia phả.

Ví dụ, khi cưới vợ gả chồng, sinh con cái thì cách đặt tên cho thế hệ tiếp theo đã có quy định hết rồi. Người chịu trách nhiệm quyết định những điều này thường được gọi là "u cả" – những người có quyền lực cao nhất trong việc quản lý gia phả và giữ gìn truyền thống. Nhưng đồng thời, họ cũng phải đưa ra nhận định và quyết định dựa trên những quy tắc chung của dòng họ.

Ảnh màn hình 2024-11-29 lúc 10.08.51
Đạo diễn Xuân Phượng và Nhà báo Công Vinh tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - VOH

Chăm sóc thân tâm để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn

*Host: Khi nghe bà Xuân Phượng nói chuyện, bà toát lên sự mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng. Xin bà chia sẻ bí quyết giữ gìn sức khỏe, vượt qua những khó khăn trong thời kỳ chiến tranh và bao cấp, để đến bây giờ vẫn duy trì sức khỏe tốt và đầy động lực?

Bà Xuân Phượng: Sức khỏe rất quan trọng. Bởi khi sức khỏe lành mạnh, mọi thứ khác mới có ý nghĩa. Những ngày tôi ốm, đừng nói đến việc làm gì to tát, ngay cả những lời thăm hỏi, tôi cũng chỉ lắc đầu. Không có sức khỏe, làm sao mà nói chuyện được? Sức khỏe quyết định tinh thần của mình một cách ghê gớm.

Như vừa rồi tôi ra Hà Nội vào mùa thu, quá đẹp. Tự nhiên cảm thấy lâng lâng, tâm hồn như được tiếp thêm sức sống, như muốn ca hát, dù tuổi già đã nặng nề. Nhưng khi về Huế, gặp mưa buồn rả rích, lòng mình chùng xuống, tinh thần cũng xuống theo. Đó là lý do sức khỏe không chỉ là nền tảng vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần quan trọng. Một người muốn sống cuộc đời ý nghĩa không thể thiếu sức khỏe. Thật không may cho những ai sinh ra đã mang bệnh, họ phải chấp nhận. Còn với những người may mắn có sức khỏe bình thường từ khi sinh ra, chúng ta phải bảo vệ và giữ gìn đến cùng.

Trước đây tôi là thầy thuốc, tôi đã khuyên mọi người như vậy, và giờ dù không còn hành nghề, tôi vẫn giữ lời khuyên đó. Tôi đã cố gắng sống một cách điều độ, may mắn là tuổi già rồi, không còn lui tới quán bar hay tiệc tùng, điều đó cũng giúp tôi giữ được sức khỏe. Nhưng dù có điều độ, đôi khi mình nói các con lại không nghe. Như ba đứa con tôi, tôi bảo giữ sức khỏe mà chúng chỉ cười: "Mẹ yên tâm, không sao đâu." Đến khi các con lớn tuổi, mới nhận ra giá trị của sức khỏe.

Con trai tôi giờ đã 75 tuổi, mới hiểu ra bài học này. Đứa thứ hai, ngày xưa uống rượu, hút thuốc, giờ đã bỏ được cả hai, sức khỏe tốt hơn, tăng được 10 ký. Điều này chứng tỏ khi nhận ra sức khỏe là trụ cột của cuộc đời, ai cũng sẽ cố gắng gìn giữ bằng mọi cách.

Tôi cũng đọc được trên Facebook rằng Bảo Ninh, người trước đây uống rượu nhiều, giờ chỉ uống trà. Tôi mừng lắm vì điều đó cho thấy anh ấy đã nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe. Chúng ta đều nên như vậy.

*Host: Mọi người bảo bà Xuân Phượng hơn 90 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, có người nói nhờ phương pháp luyện tập, có người lại cho do bà sinh ra đã khỏe. Vậy bà nghĩ sao về điều này?

Bà Xuân Phượng: Không có chuyện trời sinh ra ai mà da sắt, xương đồng đâu em ạ. Đừng nghĩ mình là cái máy, như một chiếc xe máy. Xe máy mà không thay dầu, không bảo dưỡng thì dù có đẹp, có đắt đến mấy cũng sẽ hỏng. Con người cũng vậy, phải biết chăm sóc bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần.

May mắn là từ năm 20 tuổi đến giờ, ngày nào tôi cũng duy trì thói quen đọc sách, dù là một phần ba cuốn sách hay chỉ một ít mỗi ngày. Dù ốm hay khỏe, tôi vẫn đọc. Đó không chỉ là cách tôi rèn luyện trí óc mà còn giúp giữ cho các tế bào não không "cháy" đi. Việc đọc sách còn mang lại cho tôi một kho tàng kiến thức và giúp đầu óc minh mẫn hơn. Quan trọng hơn nữa, tôi luyện cho mình một tâm hồn bao dung.

Tôi nhớ bà ngoại từng nói: "Ngậm máu phun người, miệng mình dơ trước." Nghĩa là khi ta nói xấu người khác, chính ta là người chịu tổn thương đầu tiên. Trong cuộc đời, tôi cũng từng ghét, ghen tị với người này người kia. Nhưng rồi nhận ra, cái bực bội, khó chịu đó chỉ làm khổ mình. Người kia chẳng hay biết gì. Bao dung là học cách buông bỏ những ganh tị, hờn dỗi, để lòng mình thanh thản hơn, tâm trí thoáng đạt hơn. Khi ta sống bao dung, ta bớt mệt mỏi và tập trung vào những điều ý nghĩa hơn.

Còn nữa, khi nhìn một sự việc, hãy cố gắng nhìn sâu hơn vẻ bề ngoài. Có thể một người trẻ hút thuốc, uống rượu, hay ca hát khiến ta nghĩ họ hư hỏng. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, có thể ta sẽ thấy họ chịu nhiều bất hạnh: gia đình tan vỡ, cuộc sống khó khăn, phải làm công việc họ không yêu thích. Khi hiểu được những nỗi đau ấy, ta sẽ không ghét họ mà thấy họ đáng thương hơn.

Nhớ rằng, khi ta thương ai, họ sẽ thương lại ta. Nhưng nếu ghét ai, đừng mong họ thương mình. Trái tim bao dung không chỉ giúp ta cảm thông với người khác, mà còn làm cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Tôi từng có những người gây tổn thương rất lớn, nhưng nhờ rèn luyện, tôi học được cách không thù oán. Việc này không dễ, phải mất nhiều năm tôi mới làm được. Nhưng khi bao dung, ta không chỉ cải thiện bản thân mà còn cảm hóa được người khác.

Cuối cùng, thay vì ôm mãi những hận thù, hãy thử quên đi hoặc mỉm cười với chính người ta từng ghét. Một cử chỉ nhỏ có thể thay đổi rất nhiều điều.

*Host: Theo bà, lòng bao dung có phải chủ yếu là do giáo dục gia đình từ nhỏ, hay chịu ảnh hưởng từ nhà trường, xã hội và môi trường sống, hay do chính bản thân mỗi người rèn luyện và nhận ra trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời?

Bà Xuân Phượng: Tôi từng đọc một nhà triết học Đức nói rằng: "Không có gì ác bằng con người, và cũng không có gì hiền bằng con người." Điều đó cho thấy bản chất con người có thể tốt hoặc xấu, nhưng điều cốt lõi vẫn là chính bản thân mình. Nhà trường, gia đình, truyền thống... chỉ là những yếu tố hỗ trợ, những ảnh hưởng bên ngoài. Nhưng cái quyết định vẫn là chính mình.

Riêng việc rèn luyện lòng nhân ái, là một quá trình bắt đầu từ tâm hồn. Khi ta nhận ra rằng cuộc đời ngắn ngủi lắm, gặp nhau rồi lại chia xa, điều quan trọng là sống tử tế với mọi người. Sống tử tế không phải chỉ để tốt cho người khác, mà trước hết, nó làm lòng mình nhẹ nhàng hơn, không mang hận thù. Ví dụ, nếu em từng ghét ai đó, nhưng rồi buông bỏ, không ghét họ nữa, em sẽ thấy lòng mình thoải mái biết bao. Ghét họ cũng chẳng làm gì được họ, chỉ làm mình thêm nặng nề mà thôi.

Việc này không dễ, phải tập luyện dần dần, lấy tâm của mình làm cốt lõi. Bao dung không chỉ là giúp người khác, mà thực ra là lợi cho chính mình. Sống tử tế với người đời giúp mình yêu cuộc sống hơn, để mỗi ngày không phải trĩu nặng bởi sự oán giận. Đó là kinh nghiệm cá nhân của tôi, không dám gọi là lời khuyên, nhưng là điều tôi nghiệm ra từ cuộc sống.

Về sức khỏe, em hỏi tôi có phải dùng thuốc men gì không? Thực ra, tôi duy trì một lối sống đơn giản. Tôi có người giúp nấu ăn, và buổi sáng tôi uống nước trái cây. Buổi trưa, tôi ăn nhẹ, ít dầu mỡ, buổi tối thì càng nhẹ nhàng hơn. Càng ăn đơn giản bao nhiêu, cơ thể mình càng dễ dàng chuyển hóa bấy nhiêu. Những hôm ăn quá no hay quá ngon miệng, đêm nằm trằn trọc, khó tiêu, không ngủ được. Vì vậy, tôi tự rèn mình ăn ít, ăn đủ. Khuyên con cháu thì khó lắm, tôi biết điều đó. Nói lý thuyết thì dễ, thực hành mới khó. Nhưng đó là cách tôi giữ sức khỏe và tinh thần ở tuổi này.

Nhân bản rồi hãy cập nhật (3)

Giấy rách phải giữ lấy lề” - Sự tôn trọng những giá trị cội nguồn

*Host: Theo bà, truyền thống và văn hóa của một gia tộc ảnh hưởngđến nhân cách mỗi người?

Bà Xuân Phượng: Em nhắc làm tôi nhớ một câu mà ông nội tôi thường dạy: "Giấy rách phải giữ lấy lề." Câu ấy như một kim chỉ nam tôi luôn ghi nhớ và cũng thường nhắc lại với con cháu mình. Tại sao vậy? Vì con người ta có cội nguồn sâu xa, những giá trị tiềm ẩn mà có lúc chính mình không nhận ra, chỉ đến khi có sự kiện đụng chạm mới bộc lộ.

Tôi kể em nghe câu chuyện hồi tôi 16 tuổi, sống ở Đà Lạt. Khi ấy, tôi chẳng có khái niệm gì rõ rệt về dân tộc hay tự hào nguồn cội. Ở Đà Lạt, mọi người sống hòa đồng, bình đẳng, không phân biệt gì cả. Nhưng có một lần, trong buổi chào cờ ở trường học, một người bạn cùng ký túc xá (người Pháp) đã bước chân lên bóng lá cờ Việt Nam lúc nó phản chiếu dưới đất. Lúc đó là năm 1943, lá cờ ấy chưa phải cờ đỏ sao vàng, nhưng tôi vẫn thấy đau nhói trong lòng. Tự nhiên, tôi nhận ra trong mình có một niềm tự hào dân tộc sâu sắc, dù trước đó tôi chưa từng nghĩ đến.

Từ đó, tôi hiểu rằng mỗi người đều có "lề" – những giá trị gia phong, truyền thống – được nuôi dưỡng từ gia đình, dòng tộc. Những giá trị ấy giúp ta giữ mình, dù hoàn cảnh có khó khăn hay cám dỗ đến đâu.

Tôi từng tham gia kháng chiến ở Việt Bắc, đối mặt với muôn vàn gian khổ. Khi ấy, chỉ có ba nắm cơm mỗi ngày để sống, phải đi qua rừng nứa đầy vắt, chịu đựng những ngày thiếu muối hay những điều kiện khắc nghiệt của người phụ nữ nơi chiến khu. Có những lúc ý chí dao động, muốn bỏ cuộc, trốn về thành. Tôi biết rằng nếu về, gia đình sẽ bảo lãnh cho tôi. Nhưng nghĩ đến lòng tự trọng, đến gia phong, đến những người ông, người bà đã dạy mình những giá trị ấy, tôi không cho phép bản thân làm điều đó.

Những giá trị đó – cái "lề" mà ông nội tôi nói – đã giúp tôi vượt qua. Chúng giữ tôi trên con đường đúng đắn, không chỉ vì trách nhiệm với gia đình mà còn vì trách nhiệm với chính bản thân mình.

Điều tôi muốn gửi gắm là chúng ta, những bậc làm cha mẹ, ông bà, cần truyền dạy cho con cháu lòng tự hào về truyền thống gia đình, dân tộc. Yêu con không chỉ là cho chúng ăn ngon mặc đẹp hay học trường tốt, mà quan trọng là gieo vào chúng mầm thiện, lòng nhân ái, sự lương thiện ngay từ khi còn nhỏ. Đó mới là di sản quý giá nhất mà chúng ta có thể để lại cho con cái, giúp chúng trở thành những con người có giá trị, sống tử tế và biết yêu thương.

Nhân bản rồi hãy cập nhật (4)

*Host: Thưa bà, thế hệ của bà sống trong thời kỳ thuộc địa, khi tiếng Tây và văn hóa Tây rất ảnh hưởng. Nhưng hiện nay, khi đất nước đã độc lập và hội nhập, thế hệ sau lại có nhiều cơ hội học ở phương Tây. Tuy nhiên, bà vẫn giữ được giá trị văn hóa dân tộc, không dùng từ ngữ Tây trong câu nói. Bà có thể chia sẻ về sự thay đổi này?

Bà Xuân Phượng: Tôi phải kể một câu chuyện thì mới giải thích rõ được. Tôi quen một nhà báo rất nổi tiếng trên thế giới, ông Jean Lacouture, người Pháp. Ông đã viết rất nhiều về Bác Hồ, về chiến tranh Việt Nam, và ông nổi tiếng là một người công bằng, dám đứng lên bảo vệ lẽ phải. Trong thời kỳ kháng chiến, ông sang Việt Nam và có đi cùng tôi. Ông ấy rất thân thiết với tôi. Ông từng viết một cuốn sách rất có giá trị về Bác Hồ và đến nay, đó vẫn là một tác phẩm được đánh giá cao trên thế giới.

Khoảng 10 năm trước, ông ấy trở lại Việt Nam. Khi đó, ông cũng đã già hơn tôi một chút. Đại sứ quán Pháp mời ông dùng bữa, và tôi cũng có mặt. Trong lúc trò chuyện, ông thở dài và nói với tôi:
 “Bà Phượng ơi, từ giờ tôi sẽ không bao giờ viết thêm một chữ nào về Việt Nam nữa.”

Tôi ngạc nhiên hỏi:
 “Tại sao một người như ông lại không viết? Chẳng phải ông luôn yêu quý Việt Nam sao?”
Ông trả lời:
 “Thời Việt Nam mà tôi yêu mến đã qua rồi. Giờ tôi chỉ thấy bà cười, còn tôi thì không thể. Tất cả đều khiến tôi thất vọng.”

Tôi hỏi kỹ hơn và ông kể:
 “Suốt hai ngày qua, tôi đi ngang qua đường Đồng Khởi, trước đây là đường Katinat. Tôi thấy một dãy dài quán cà phê. Điều khiến tôi kinh ngạc là trong các quán đó, toàn thanh niên. Sáng tôi thấy họ ngồi uống cà phê, trưa vẫn thấy họ, chiều cũng vậy, tối về vẫn là họ. Vậy đâu rồi những người Việt Nam bất khuất, chăm chỉ, nỗ lực vượt khó mà tôi từng biết? Làm sao tôi có thể viết tiếp về đất nước này?”

Tôi cố trấn an ông:
 “Đừng thất vọng vội, tối nay ông có rảnh không? Tôi sẽ đưa ông đi xem một Việt Nam khác.”

Ông đồng ý. Tối hôm đó, tôi đưa ông đến khu Bình Thạnh, Thanh Đa. Chúng tôi ghé vào các lớp học ban đêm. Ở đây, ông thấy những người học tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh, thậm chí tiếng Mông Cổ. Những học viên đó là ai? Là những người lao động: ban ngày đạp xích lô, khuân vác, lái taxi; ban đêm lại đến lớp để học tập.

Tôi nói với ông:
 “Thưa ông, đây mới là bộ mặt thật của thanh niên Việt Nam. Những người ngồi cà phê chỉ là số ít, không thể đại diện cho một thế hệ thanh niên Việt Nam cần cù, hiếu học, chịu khó. Hãy nhìn những người học kia, nhiều người ngủ gật trên ghế vì ban ngày họ làm việc cật lực, tối vẫn cố gắng đến lớp. Có khi họ chưa chắc đã ăn tối, chưa biết đêm nay sẽ ngủ ở đâu, nhưng họ vẫn đi học. Đó mới là tinh thần Việt Nam.”

Ông lặng đi một lúc, rồi bảo:
 “Tôi xin ngả mũ chào. Đằng sau vẻ bề ngoài không phải là tất cả, mà phía sau đó mới là điều cốt lõi.”

XUÂN PHƯỢNG

Khi những “hạt giống nhân cách” nảy nở

*Host: Khi nói đến "gieo nhân" để phát triển con người, theo bà, giai đoạn nào của cuộc đời thì nên gieo những "hạt giống" như lòng bao dung, sự hiền hậu, vị tha. Giai đoạn nào sẽ có tác động mạnh mẽ nhất để những phẩm chất này nảy nở?

Bà Xuân Phượng: Tôi nghĩ rằng, việc hình thành nhân cách hay tư duy tùy thuộc vào bản chất và môi trường gia đình. Tôi xin kể một câu chuyện từ chính gia đình mình.

Từ khi còn nhỏ, khoảng 3-4 tuổi, tôi đã được ông nội dạy dỗ rất cẩn thận. Ông tôi là một người uyên thâm, học vấn cao, thông thạo Hán học, giỏi thơ Đường. Ông không thích Đà Lạt, thậm chí còn ghét Đà Lạt. Khi lên Đà Lạt, ông không cho chúng tôi mặc quần áo Tây, mà phải mặc trang phục truyền thống Việt Nam.

Có một lần, ở Đà Lạt vào ngày mồng 5, mồng 6 âm lịch, trên bầu trời xuất hiện một vầng trăng khuyết, như một móng vàng. Ông gọi tôi và mấy anh em ra hỏi:
 “Các con học tiếng Pháp, vậy có biết cái này là gì không?”

Tôi nhanh nhảu trả lời bằng tiếng Pháp: la lune (mặt trăng).
Ông lắc đầu, bảo:
 “Không phải chỉ biết tên gọi, mà con cần thấy vẻ đẹp của nó.”

Rồi ông đọc một câu thơ mà đến giờ, gần 100 năm sau, tôi vẫn nhớ:
"Móng vàng ai bấm trời Tây..."

Ông giải thích:
 “Thơ ca Việt Nam đẹp và sâu sắc như vậy, mà các con không biết, thì hồn con làm sao cảm được? Hãy đọc đi, thấm đi, để nó nuôi dưỡng tâm hồn con.”

Giáo dục như vậy từ bé đã gieo vào tôi niềm yêu mến văn chương, nên khi lớn lên, đọc Truyện Kiều hay những bài thơ cổ, tôi dễ dàng rung động. Những ảnh hưởng từ nhỏ, dù chỉ là những khoảnh khắc tình cờ, cũng có thể khắc sâu vào tâm trí, trở thành nền tảng cho tư duy và nhân cách sau này.

Vậy nên, tôi nghĩ rằng, để nuôi dạy con cái, cần chú ý từ khi còn bé, từ những điều nhỏ nhặt: biết nhường nhịn anh em, yêu thương người nghèo, đi ngoài đường thấy rác thì nhặt lên. Những hành động tưởng chừng rất nhỏ, nhưng lại góp phần hình thành nhân cách.

Thật đáng tiếc, xã hội ta hiện nay, dù của cải vật chất đầy đủ, lại thiếu sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục nhân cách tốt. Đó là điều đáng tiếc nhất. Tôi hy vọng các bạn sẽ chú ý hơn đến điều này, để tạo nên một thế hệ không chỉ giỏi giang mà còn giàu lòng nhân ái và trách nhiệm.

*Host: Thưa bà, để có thể "gánh gồng" được những trách nhiệm lớn lao trong cuộc sống, theo bà, mỗi người cần có những phẩm chất nào để thực sự gánh vác cho sự nghiệp, gia đình, xã hội và những người thân yêu?

Bà Xuân Phượng: Tôi sẽ kể cho em nghe một câu chuyện trong cuộc đời tôi. Đây là trải nghiệm thực tế, không phải lý thuyết.

Năm đó, tôi ở Việt Bắc, trong một căn nhà nhỏ giữa rừng. Những căn nhà ở đó được ngụy trang rất kỹ, đi ngang qua mà không chú ý thì cũng khó mà thấy. Một buổi sáng, tôi mở cửa nhà và nhìn thấy một đứa bé nằm thoi thóp ngay trước hiên. Mặt mày tái nhợt, mắt nhắm nghiền, cơ thể yếu ớt. Tôi thương quá, liền ôm em vào nhà. Trong hoàn cảnh khó khăn, người với người phải thương nhau mà giúp đỡ, không nỡ bỏ mặc.

Tôi chăm sóc em bằng tất cả những gì tôi có. Trong rừng, chỉ có khoai sắn, chẳng có gạo. Nhưng may thay, nhà tôi nuôi được vài con gà, chúng tự kiếm ăn trong rừng và đẻ trứng. Những quả trứng ấy, tôi dùng để đánh với bột sắn, làm thức ăn nuôi em bé. Sau khoảng một tuần, em dần hồi phục.

Hỏi chuyện thì mới biết, em là một thiếu sinh quân, mồ côi cha mẹ, được đơn vị nhận nuôi và đưa đi hành quân. Nhưng trong một lần di chuyển ban đêm, vì quá đói và mệt, em ngất xỉu, bị đoàn bỏ lại, may mà nằm đúng trước cửa nhà tôi. Khi khỏe lại, em xin phép đi tìm lại đơn vị và rời đi. Tôi chỉ nhớ em tên là Thắm, một cậu bé đáng thương nhưng đầy nghị lực.

Nhiều năm trôi qua, tôi cũng không còn tin sẽ gặp lại cậu bé ấy. Cho đến khi sống trong thời kỳ bao cấp ở Hà Nội, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhà tôi chỉ có 12 mét vuông, không cửa sổ, không nước, không bếp, thậm chí vào nhà phải dùng đèn dầu để soi đường. Mùa hè tháng 7, tháng 8, nóng bức ngột ngạt, ba mẹ con tôi không đêm nào ngủ được, cứ phải quạt tay suốt.

Một ngày, tôi nhận được thông báo từ bưu điện mời ra nhận quà từ Liên Xô. Tôi rất ngạc nhiên, vì tôi không quen ai bên Liên Xô cả. Lần đầu không đi, lần thứ hai cũng bỏ qua, đến lần thứ ba, tôi quyết định ra bưu điện xem sao.

Khi đến nơi, tôi mới biết món quà đó là từ Thắm – cậu bé tôi từng cứu năm xưa. Trong thư, Thắm kể rằng sau khi được tôi cứu, cậu trở về đơn vị, sau này tham gia bộ đội, rồi được cử đi học quân sự ở Liên Xô. Tình cờ, cậu tìm được tung tích của tôi và muốn gửi quà để cảm ơn.

Món quà là một chiếc quạt “tai voi” – một vật dụng rất có giá thời bấy giờ. Khi mở quạt lên, gió mát phả ra, cảm giác còn hơn cả máy lạnh bây giờ. Tôi xúc động vô cùng. Sau này, Thắm còn trở thành Thiếu tướng trong quân đội, làm việc ở Tổng cục Chính trị.

Chúng tôi có dịp gặp lại nhau, mỗi lần nhìn Thắm, tôi đều nghĩ về cái ngày định mệnh ấy – một lần giúp đỡ nhỏ trong rừng mà không ngờ lại tạo nên mối nhân duyên lớn lao đến vậy.

Câu chuyện này, tôi kể để nhắn nhủ rằng, đôi khi những việc ta làm, dù nhỏ bé và tình cờ, lại có thể để lại ảnh hưởng sâu sắc và bất ngờ trong cuộc đời người khác, cũng như chính chúng ta.

Nhân bản rồi hãy cập nhật

Tiền bạc, tình yêu hay sức khỏe - Điều gì thực sự quý giá?

*Host: Ở độ tuổi thọ như bà, sức khỏe, sự minh mẫn và những giá trị cống hiến vẫn còn là điều quý giá. Vậy theo bà, khi nhìn lại cuộc đời, giữa tiền bạc, tình yêu gia đình, sự nghiệp và sức khỏe, điều gì thực sự có giá trị và ý nghĩa nhất? Vì như bà đã nói, con người chỉ có một lần sống.

Bà Xuân Phượng: Tôi nghĩ rằng, đối với bản thân mình, có hai vấn đề quan trọng cần lưu tâm: thể xác và tinh thần. Hai yếu tố này không thể tách rời nhau. Thể xác cần phải khỏe mạnh để giúp mình không rơi vào bi quan. Khi cơ thể yếu ớt, nằm im một chỗ, dễ dàng cảm thấy chán nản và mất niềm tin vào mọi thứ. Vì vậy, tôi luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe, dù tuổi tác có làm mình yếu đi, tôi vẫn nỗ lực duy trì sức khỏe trong khả năng của mình.

Còn tinh thần, đây mới là thứ quan trọng hơn cả. Tôi không bao giờ cho phép mình rơi vào trạng thái bi quan. Tôi thật sự không thích những người chưa bắt đầu làm gì đã nghĩ đến thất bại, chưa thử sức đã sợ hãi. Với tôi, luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan là điều quan trọng. Tôi sống cuộc đời này vì muốn làm mọi thứ thật xứng đáng, vì vậy dù có đau ốm hay khỏe mạnh, tôi luôn cố gắng giữ một tinh thần vững vàng.

Tinh thần phong phú, luôn đầy năng lượng và không để bản thân suy sụp là điều tôi coi là yếu tố quyết định cho một cuộc sống ý nghĩa.

*Host: Phải chăng chính sự lạc quan đã giúp bà vượt qua những khó khăn trong cuộc đời, từ gia đình giàu có đến những lúc khổ cực, và cả khi rời bỏ điều kiện thuận lợi để đi theo con đường riêng?

Bà Xuân Phượng: Nghe em nói, tôi như người đàn bà thép, một thiên thần mạnh mẽ vậy, nhưng tôi thì cũng có những lúc loay hoay, dao động nhiều lắm. Cũng có những thời điểm tôi cảm thấy suy sụp tinh thần, nhưng tôi lại nói với bản thân rằng, mình phải giữ vững được. Tôi là một người luôn hướng về phía trước, nhìn cuộc đời mình với lòng biết ơn. Tôi cảm ơn trời Phật đã cho tôi một cuộc đời dù có bom đạn, nhưng không hề bị tổn thương, không bị chùn bước. Tôi cảm ơn cuộc đời rất nhiều vì đã trao cho tôi những điều quý giá, nên tôi luôn cố gắng sống sao cho xứng đáng với ân huệ đó, xứng đáng với những gì tôi đã nhận từ cha mẹ, xã hội và bạn bè.

Vì vậy, tôi luôn giữ cho mình một tinh thần vững vàng, không để bị dao động, không để tinh thần suy sụp. Dù có gặp khó khăn, dù có bất hạnh, tôi sẽ không đầu hàng. Tôi phải vượt qua tất cả, vươn lên để sống xứng đáng với cuộc đời đã trao cho mình.

Nói thì dễ, nhưng thực tế là, các bạn hãy nghĩ thử, trong cuộc sống, khi bạn đã gần như rơi vào vực thẳm, sắp ngạt thở, nhưng bỗng dưng bạn vươn lên, thoát ra khỏi đó, và hít thở lại một lần nữa. Bạn sẽ thấy cuộc đời khác đi, giống như khi bạn đâm đầu vào bức tường, nhưng nếu bạn tìm được một lối thoát, dù là khe hở nhỏ, bạn sẽ thấy một cuộc đời khác, tươi sáng hơn, nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn. Nếu chúng ta cứ mãi đâm đầu vào nỗi khổ của mình mà không tìm lối thoát, không đủ can đảm, không đủ nghị lực để vượt qua khó khăn, thì cuộc đời chúng ta sẽ vô nghĩa.

Nhân bản rồi hãy cập nhật (2)

*Host: Bà đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và cuộc đời, và cũng từng đặt tên cho nhiều tác phẩm. Nếu nhìn lại cuộc đời mình, bà sẽ đúc kết điều gì để mọi người cảm nhận được giá trị cốt lõi của  Nhân Xuân Phượng?

Bà Xuân Phượng: Nếu nói về Xuân Phượng là gì, thì tôi phải nói rằng đó là một cuộc đời đầy vất vả, thăng trầm và thử thách. Nhưng nhờ vào sự nỗ lực và nghị lực của bản thân, tôi không đầu hàng số phận, không để cho hoàn cảnh kéo mình đi mà luôn cố gắng hết sức để giữ vững bản thân và đứng vững trên mảnh đất này. Tôi luôn tự nhủ rằng mình phải đi theo con đường mà mình mong muốn, con đường mà mình luôn ước ao.

Nói thì có vẻ lý thuyết, nhưng thực tế là trong những lúc khó khăn, khi mình cảm thấy yếu đuối, nghị lực là yếu tố quan trọng nhất. Chính nghị lực đó giúp tôi bám vào những giá trị sống mà tôi trân trọng, từ đó không ngừng nỗ lực vượt lên và đi theo con đường mình đã chọn. Nếu phải gọi tên điều đó, thì có lẽ đó chính là ý chí và quyết tâm – những yếu tố đã giúp tôi có được cuộc sống như hôm nay.

*Host: Chân thành cảm ơn Đạo diễn Xuân Phượng!

Nhân humanity (2)

Từ cô gái hoàng tộc đến người phụ nữ “Gánh gánh gồng gồng” cả một kho tàng lịch sử

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929 trong một gia đình hoàng tộc Huế. Suốt gần 10 năm học phổ thông bà theo học ở trường Tây trên Đà Lạt với các giáo viên người Pháp. Bà từ bỏ cuộc sống hoàng cung lúc 16 tuổi để đi theo cách mạng, theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Ngày ra đi, tài sản của bà chỉ có 1 đôi dép sandal, 1 bộ quần áo… Bà nói “ra đi kháng chiến đúng là vô sản, còn cuộc sống hoàng tộc là tư sản”.

Năm 1947 bà là người nữ duy nhất được Bộ Quốc phòng tuyển vào Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Bộ Quốc phòng vì bà biết tiếng Pháp. Sau nhiều năm dấn thân vào con đường cách mạng, bà được giao trọng trách tiếp xúc, làm việc với 1 tổ Pulmynate (thuốc làm kíp nổ) mà không biết rằng từ đó, mình sẽ trở thành một trong 3 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chế tạo ra thuốc nổ.

Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà được cử đi học y sĩ cao cấp và về vừa làm bác sĩ của Bộ Y tế, vừa làm phiên dịch cho Ủy ban Liên lạc Văn hoá với nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Nhờ đó mà bà được tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia và các nhà báo nước ngoài, một tiền đề cho sự nghiệp của bà về sau.

Năm 1967, Bà và một số người phụ trách Xưởng Phim Thời sự Hà Nội đã được Bác Hồ mời lên để giúp đỡ “Những chiến sĩ điện ảnh cách mạng” (cách gọi Joris Ivens và Marceline Loridan của Bác). Ngày 25/4, ba chiếc xe chỉ huy rời Hà Nội với một đoàn gồm 11 người - Ivens, Loridan, bác sĩ – phiên dịch viên Xuân Phượng, hai nhà quay phim Đào Lê Bình và Nguyễn Quang Tuấn, Phi Hương - trưởng đoàn, Tố Hữu - người chịu trách nhiệm an ninh cho đoàn, Dương - người lo công việc tổ chức,  và ba lái xe,  tiến về  huyện Vĩnh Linh, cách  Hà Nội 500 km về phía Nam mở đầu cuộc hành trình sản xuất bộ phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân, một bộ phim kết tinh từ tình yêu dân tộc với những thước phim được đổi bằng máu và nước mắt. Bà Xuân Phượng cũng thực hiện hàng loạt phim tài liệu nổi tiếng như Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978)...Bà cũng một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975.

Năm 2020, Bà cho ra mắt cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” gây tiếng vang lớn trên văn đàn được nhận kép 2 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tái bản đến 7 lần, với gần 30 ngàn bản in, cuốn sách như một trang tự sự về cuộc đời người phụ nữ đã cùng đất nước đi qua những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh.

Cả cuộc đời người phụ nữ “Gánh gánh gồng gồng” đã sống đúng với quan điểm “Con người ta chỉ sống có một lần trong đời”. Dù ở tuổi nào, ở lĩnh vực nào, bà cũng sẵn sàng nỗ lực hết sức, và không ngại liều mình để theo đuổi khát vọng cống hiến.

Bình luận