Chờ...

Đạo diễn Xuân Phượng: Từ những thăng trầm đến hành trình viết lại số phận

VOH - Tin số phận nhưng có thể thay đổi do sự can đảm. Tác giả sách "Gánh Gánh Gồng Gồng" - Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ những trải nghiệm và giá trị cuộc đời khi trò chuyện với NB Công Vinh.

16 tuổi khởi đầu kháng chiến đến 95 tuổi viết sách

*Host: Với sự trải dài cống hiến cho nghệ thuật, Bà ấn tượng với giai đoạn nào? Phóng viên chiến trường đến hoạt động nghệ thuật sau giải phóng, hay những cuốn sách được công chúng yêu mến?

Bà Xuân Phượng: Tôi năm nay đã 95 tuổi, cuộc đời dài đằng đẵng của tôi nếu chỉ kể lại trong một buổi gặp gỡ ngắn ngủi thế này, thật khó có thể diễn đạt hết. Nhưng tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, cũng như bao người khác, cuộc đời tôi cũng có những chặng đường rõ rệt.

Từ khi mới sinh cho đến năm 16 tuổi, đó là những năm tháng vô lo, hồn nhiên, sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, trường học, bố mẹ và anh chị em. Đôi khi, tôi nghĩ rằng, nếu trong cuộc đời, có lúc nào mệt mỏi muốn tìm một chiếc gối để tựa đầu, thì tuổi trẻ chính là chiếc gối mềm mại, dịu dàng và ấm áp nhất, giúp tôi quên đi những khó khăn và thử thách đang trực chờ phía trước.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi đến vào năm 1945. Tôi là một cô gái Huế, sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, nền nếp. Ông nội và ông ngoại tôi đều là quan lại triều đình Huế, nên việc bước ra khỏi nhà cũng phải xin phép cha mẹ, chứ không được tự do như các bạn trẻ bây giờ. Tuy nhiên, năm 16 tuổi, phong trào sôi nổi của thanh niên do Việt Minh lãnh đạo đã tác động mạnh mẽ đến tôi. Khi ấy, chúng tôi chỉ biết đến Việt Minh với lời kêu gọi giản dị nhưng đầy sức lay động: "Gạt bỏ ách thực dân, giành lại độc lập cho đất nước." Câu nói ngắn ngủi ấy đã thổi bùng nhiệt huyết của hàng triệu thanh niên, khiến họ cảm thấy không thể tiếp tục sống trong cảnh nô lệ, và tôi cũng không ngoại lệ.

Dù xuất thân từ một gia đình không phải chịu bóc lột, tôi vẫn cảm nhận được sức mạnh của phong trào thanh niên ấy. Bằng quyết tâm, khiến tôi mạnh dạn rời khỏi gia đình để tham gia kháng chiến, bắt đầu từ cột mốc quan trọng: 8/1945. Từ một cô gái sống trong khuôn phép gia đình phong kiến, tôi bước vào một xã hội đầy biến động đòi hỏi sự đấu tranh.

Từ năm 1945 đến 1954, tôi hoạt động trong chiến khu, làm đủ mọi công việc, toàn tâm toàn ý dành trọn tuổi trẻ để góp sức giải phóng đất nước khỏi ách thực dân.

Cuộc sống 9 năm trong rừng đã thay đổi tôi từ một cô gái hiền lành, chưa hiểu biết nhiều, chỉ mang trong mình lòng yêu nước và nhiệt huyết tuổi trẻ, trở thành một người dày dạn hơn, kiên cường hơn. Tôi đã trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng may mắn thay, tôi giữ vững được nghị lực và quyết tâm của mình. Tôi đã đi cùng đồng bào và đồng đội, đóng góp cho cuộc kháng chiến và giành thắng lợi cho sự độc lập, tự do của dân tộc.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi trở về sống trong hòa bình. Đây là một cột mốc quan trọng khác của đời tôi, mở ra những năm tháng đầy thử thách trong thời kỳ bao cấp. Nói về thời kỳ này, thật khó mà kể hết trong vài câu, vì những khó khăn mà chúng tôi – đặc biệt là phụ nữ – phải đối mặt, nhất là khi tôi là một người mẹ của ba đứa con. Những năm tháng đó không kém phần khắc nghiệt so với thời kỳ chiến khu, thậm chí đôi lúc còn áp lực hơn.

Ảnh màn hình 2024-11-22 lúc 14.58.29
Đạo diễn - Nhà văn Xuân Phượng, người phụ nữ “Gánh gánh gồng gồng” cả một kho tàng lịch sử

Đến năm 1968, cuộc đời tôi lại có một bước ngoặt lớn. Lúc đó, tôi đang làm bác sĩ tại một phòng khám thuộc Bộ Ngoại giao, nơi được trang bị đầy đủ tiện nghi. Bệnh nhân của tôi thường là các nguyên thủ quốc gia hoặc những nhân vật quan trọng nước ngoài đến Việt Nam. Đó là những người khỏe mạnh, không phải đến vì bệnh tật. 

Tôi còn có cơ hội khám sức khỏe cho các nhân vật lịch sử nổi tiếng, như ông Fidel Castro – một con người cao lớn, khỏe mạnh và đầy phong thái. Tôi cũng từng chăm sóc sức khỏe cho phi hành gia nổi tiếng Gherman Titov – người đầu tiên lên vũ trụ sau Yuri Gagarin. Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc là sự giản dị và thân thiện của họ, những con người ở đỉnh cao danh vọng nhưng vẫn rất khiêm nhường.

Năm 1967-1968, tôi nhận nhiệm vụ đi cùng hai đạo diễn phim nổi tiếng của Liên Xô, Roman Karmen và Mark Troyanovsky, đến Vĩnh Linh để thực hiện những thước phim về cuộc chiến. Trước chuyến đi, Bác Hồ dặn dò chúng tôi phải bảo vệ tính mạng của họ bằng mọi giá. Hai tháng sống ở Vĩnh Linh giúp tôi hiểu rõ hơn sự hy sinh và lòng dũng cảm của người dân nơi đây, đối mặt với bom đạn ác liệt của Mỹ.

Sau khi trở về Hà Nội, tôi cảm thấy bồn chồn, như thể cuộc sống an nhàn trong phòng khám không còn phù hợp với mình nữa. Một lời khuyên từ người thầy của tôi, ông Joris Ivens, vang lên trong tâm trí: "Phượng có tố chất làm phim, đặc biệt là phim chiến trường. Đất nước lúc này rất cần những người dám ghi lại sự thật để thế giới biết về những gì đang xảy ra tại Việt Nam." Lời khuyên ấy như một tiếng sét đánh thức trách nhiệm và lòng can đảm trong tôi.

Quyết định chuyển từ nghề bác sĩ an toàn, ổn định sang làm phóng viên chiến trường là một thử thách lớn. Tôi biết rõ nguy hiểm, với tỉ lệ sống sót chỉ khoảng 30%. Hơn nữa, tôi là một người mẹ có ba con nhỏ. Liệu tôi có dám mạo hiểm tất cả vì lý tưởng? Những đắn đo ấy dằn vặt tôi rất nhiều. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ rằng: đời người chỉ có một lần sống. Nếu sống, phải sống sao cho xứng đáng với lý tưởng và nguyện vọng của mình. Khi nhìn lại, tôi muốn tự hào rằng mình đã sống đúng với ý nghĩa của cuộc đời mình.

z6058423103769_ecbfa51765b0fc9aedcf402f7a5228e1

"Chúng ta đã làm gì để tri ân cuộc đời đã ban tặng chúng ta sinh mệnh này?"

Bà Xuân Phượng: Khi tôi hỏi Công Vinh: “Em làm bao nhiêu năm rồi?”, Vinh trả lời: “Mấy chục năm”. Tôi hiểu rằng em đã tìm được lý do để tiếp tục cống hiến, và có lẽ còn rất lâu nữa mới nghĩ đến chuyện nghỉ hưu. Nhưng mỗi chúng ta, khi nhìn lại cuộc đời, đều nên tự hỏi: Ta đã làm được gì để cảm ơn cuộc đời đã ban cho ta sinh mạng này?

Vào năm 1967, khi tôi 36-37 tuổi, tôi cũng từng day dứt rất lâu về con đường mình sẽ chọn. Khi ấy, tôi đang làm bác sĩ thuộc Bộ Y tế. Tôi từng nghĩ đến việc từ bỏ vị trí an toàn này để trở thành một phóng viên chiến trường. Khi tôi bày tỏ ý định với một người bạn làm ở Phòng Tổ chức Cán bộ, anh ấy thốt lên: “Cô điên à? Cô đang ở vị trí biết bao người mơ ước. Nếu kiên trì, chỉ vài năm nữa cô có thể trở thành bộ trưởng.”

Nhưng lòng tôi vẫn không yên. Tôi đem chuyện này về bàn với chồng và các con. Dù cả nhà lo lắng, nhưng lại ủng hộ tôi hết mình. Tôi vẫn nhớ như in lời thằng con thứ hai: “Má ơi, má lương cao thì tụi con ăn thịt cá, má lương thấp thì tụi con ăn muối, ăn mắm. Nhưng tụi con vui vì má được làm điều má thực sự muốn.”

Sự ủng hộ ấy là động lực lớn nhất để tôi bước qua định kiến dư luận – điều không hề dễ dàng vào thời điểm ấy. Khi tôi quyết định chuyển hướng sự nghiệp, không ít người dè bỉu: “Cô ấy bị đuổi chứ gì!”, “Một bác sĩ mà đi làm phóng viên chiến trường, thật không hiểu nổi.”

Nhưng tôi nghĩ: “Ai nói cứ nói, đoàn người vẫn cứ đi. Hãy để dư luận là việc của người ta”. Quyết định này đánh dấu cột mốc quan trọng đời tôi - rời bỏ vị trí bác sĩ ở Bộ Ngoại giao để trở thành phóng viên chiến trường. Từ đó, tôi chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của đất nước, từ các chiến dịch lớn cho đến ngày 30/4/1975, khi tôi cùng đoàn truyền hình đầu tiên có mặt tại Sài Gòn.

Sau hòa bình, tôi tiếp tục làm ở Đài Truyền hình, thực hiện những chương trình về vẻ đẹp đất nước. Đến năm 1986, khi 55-56 tuổi, tôi nghỉ hưu. Lúc đó, tôi được ưu tiên công việc trông giữ xe đạp (khi đó là nguồn thu nhập nhiều người mơ ước - pv), nhưng tôi nhận ra đó không phải cuộc đời mà tôi mong muốn.

Một lần nữa, tôi không cam phận. Tôi quyết định bước vào "cuộc đời thứ hai" sau khi nghỉ hưu. Tôi mở một phòng tranh nhỏ, tập trung nâng đỡ các họa sĩ trẻ, những người còn nghèo khó và chưa được ai biết đến. Tôi mang tranh của họ đi triển lãm khắp thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á, dù lúc ấy tôi không có nhiều tiền hay quyền lực.

Cuộc hành trình ấy đầy thử thách, có lúc tưởng chừng phá sản, nhưng tôi kiên trì. Đến năm 2022, ở tuổi 93, tôi bàn giao lại phòng tranh cho một đối tác trẻ trung, tài năng hơn, để họ tiếp tục phát triển nó. Tôi tự hào rằng phòng tranh đã lưu giữ hơn 4.000 bức tranh và vẫn đang hoạt động tốt.

Nhìn lại, tôi thấy rằng "cuộc đời thứ hai" của mình thực sự ý nghĩa. Qua đó, tôi muốn nhắn nhủ rằng: Khi gặp khó khăn, đừng bao giờ an phận. Hãy tìm một con đường khác, bởi chỉ khi dám bước đi, ta mới có thể đến được những chân trời mới.

Nếu các bạn muốn hiểu rõ hơn, hãy đọc cuốn sách thứ hai của tôi, Khác Đi, Khác Đến, xuất bản tháng 7/2024.

dao dien xuan phuong 1
Hình ảnh bà Xuân Phượng cùng đoàn phim “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân” tại địa đạo Vĩnh Linh (Ảnh tư liệu)

Tố chất của “Nhân” bộc lộ trong giây phút sinh tử

*Host: Khi đạo diễn khuyên bà từ bỏ nghề bác sĩ để làm quay phim chiến trường, chắc hẳn ông ấy đã nhận ra tố chất đặc biệt trong bà. Theo bà, tố chất có vai trò như thế nào đối với sự nghiệp?

Bà Xuân Phượng: Cảm ơn câu hỏi của Công Vinh, vì nó giúp tôi giải thích lý do tại sao tôi và bạn bè có thể làm những điều tưởng chừng không thể.

Năm 1967, khi bom đạn Mỹ trút xuống Vĩnh Linh ác liệt đến mức đất nơi đây bị cày xới bởi những hố bom chồng lên hố bom. Giữa khung cảnh khốc liệt đó, đạo diễn Joris Ivens đã đề xuất mở đầu bộ phim của mình bằng hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay trên cột cờ bên sông Bến Hải, như biểu tượng khát vọng độc lập thống nhất của dân tộc. Ông ấy nói rằng, nếu không quay được cảnh đó, ông không biết mở đầu bộ phim thế nào.

Chúng tôi lập tức bắt tay vào công việc, dù biết nguy hiểm luôn rình rập. Lúc ấy, chúng tôi chia thành hai nhóm để giảm thiểu rủi ro. Một nhóm do chính ông Ivens dẫn đầu, còn tôi ở nhóm thứ hai. Để lên được cột cờ cao 30 mét giữa bờ Nam và bờ Bắc, nơi bom đạn và đối phương luôn rình rập, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng và lên kế hoạch từng bước một.

Trong lần quay, tôi cùng ông Ivens suýt mất mạng vì một quả bom rơi ngay gần. Cả tôi và ông ấy bị đất vùi kín, may mắn được kéo ra kịp thời. Tôi không thể nào quên khoảnh khắc ấy, khi toàn thân còn đau nhức và mệt mỏi, ông Ivens chỉ hỏi: "Tuấn đâu rồi?" Đến khi nhìn lên, tôi mới thấy anh Tuấn đang leo cột cờ, bất chấp hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ.

Khi anh Tuấn đến được đỉnh cột cờ, gió bỗng lặng đi, lá cờ không thể tung bay như mong muốn. Mọi người phải kiên nhẫn chờ đợi trong sự căng thẳng giữa bom đạn, chỉ để có thể ghi lại được hình ảnh lá cờ phấp phới giữa trời. Cuối cùng, nhờ sự dũng cảm và nỗ lực của cả đội, chúng tôi đã quay được cảnh đó, chỉ dài khoảng 50 giây trên màn ảnh, nhưng chứa đựng sinh mạng và nghị lực của cả một ekip.

Qua những khoảnh khắc sinh tử ấy, tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc đứng trước những quyết định lớn lao. Điều quan trọng là giữ vững bình tĩnh, sử dụng ý chí và nghị lực để lựa chọn con đường mình cần đi, và kiên định tiến bước. Chính trong những lúc khó khăn nhất, tố chất và bản lĩnh của con người mới thực sự bộc lộ rõ ràng.

*Host: Để đưa ra những quyết định quan trọng và dám bước ra chiến trường, con người cần có sức mạnh và động lực đủ lớn. Phải chăng, chính "lẽ sống" là yếu tố giúp con người ta làm được điều đó, thưa bà?

Bà Xuân Phượng: Ngồi đây trò chuyện với Vinh, kể lại câu chuyện này, tôi sợ rằng Vinh sẽ nghĩ tôi là một người ghê gớm hay mạnh mẽ như sắt thép. Nhưng không phải đâu. Thực sự, tôi cũng lo lắng kinh khủng, trăn trở từng đêm. Tôi đã dò hỏi ý kiến người này người kia, suy nghĩ hết lần này đến lần khác, tự hỏi liệu quyết định mình đưa ra có đúng không, có phải là bước ngoặt quan trọng cho cuộc đời mình không. Những điều ấy thực sự dằn vặt, làm tôi mệt mỏi vô cùng. Những quyết định lớn trong đời không bao giờ dễ dàng và cũng không thể vội vàng mà phải cẩn trọng, cân nhắc rất nhiều.

Là phụ nữ, lại có gia đình và con cái, tôi càng phải suy nghĩ kỹ càng hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là mình phải biết xác định đâu là điều quan trọng nhất, tập trung toàn bộ mục tiêu vào đó và không để những yếu tố khác chi phối. Điều này đòi hỏi nghị lực và quyết tâm rất lớn.

Tôi may mắn có được sự ủng hộ từ gia đình, những người bạn tốt luôn khuyên bảo, động viên tôi. Nhờ có họ, tôi mới dám bước đi trên con đường của mình. Nếu không có sự ủng hộ đó, chỉ cần một vài trở ngại thôi, có lẽ tôi đã không đủ can đảm để thực hiện. Tôi cũng chỉ là một con người bình thường bằng xương bằng thịt, đâu phải sắt thép mà không biết sợ hãi hay lo lắng.

Nhưng trong những quyết định quan trọng của cuộc đời, tôi luôn tự nhủ rằng, nếu mình có thể làm điều gì đó có ích hơn cho xã hội, mang lại giá trị cho mọi người, thì điều đó sẽ vượt qua được mọi nỗi sợ hãi và khó khăn. Chính ý nghĩ ấy đã giúp tôi chiến thắng những lo âu, vượt qua thử thách và kiên định với con đường mình chọn.

*Host: Theo bà, vai trò của gia đình quan trọng như thế nào trong việc giúp con người định hình được sứ mệnh lớn lao?

Bà Xuân Phượng: Nhìn vào xã hội ngày nay, ta thấy không ít những gia đình tan vỡ chỉ vì một người phụ nữ hay một người đàn ông. Có những người đàn ông sự nghiệp đang rất thăng hoa, nhưng chỉ vì một mối quan hệ ngoài luồng hoặc vì vợ không chung thủy mà sự nghiệp tan nát. Ngược lại, cũng có những phụ nữ rất tài giỏi, nhưng chỉ vì một người chồng không trách nhiệm, ăn chơi sa đọa, mà phải gánh chịu bao tổn thương, thậm chí đánh mất cả sự nghiệp. Điều này cho thấy vai trò của gia đình quan trọng đến nhường nào.

Đối với bản thân tôi, nếu không có sự hỗ trợ, đồng lòng từ gia đình thì tôi không thể làm được những điều mà mọi người yêu quý và trân trọng ở tôi. Gia đình là nguồn động viên lớn nhất, là điểm tựa vững chắc giúp ta vượt qua mọi khó khăn, mệt mỏi, và cùng nhau tiến về phía trước. Nếu không có sự đồng hành và sẻ chia ấy, tôi chắc chắn sẽ không thể thành công.

Tôi thường nói với các bạn trẻ rằng việc chọn bạn đời giống như chơi một ván poker. Nếu may mắn, bạn sẽ có một gia đình lý tưởng – vợ chồng hòa hợp, con cái yêu thương. Điều này không chỉ giúp cuộc sống dễ dàng hơn mà còn tiếp thêm sức mạnh cho công việc và mọi quyết định trong đời. Nhưng nếu không may mắn, gặp phải một người chồng hay vợ vô trách nhiệm, hoặc những khó khăn lớn như con cái đau bệnh hay những mâu thuẫn không thể hóa giải, thì rất khó để bạn có thể đạt được những mục tiêu trong cuộc sống.

Gia đình là nơi bạn có thể dựa vào khi mỏi mệt, là bờ vai để tựa vào, là bàn tay nắm lấy bạn, cùng bạn vượt qua khó khăn. Vì thế, tôi mong các bạn trẻ, trước khi lựa chọn người bạn đời, hãy thật sự suy nghĩ thấu đáo và cân nhắc. Đừng để những quyết định vội vàng hay thiếu trách nhiệm làm tổn thương bản thân, người khác, và cả những đứa con sau này. Ly hôn, tái hôn rồi lại ly hôn không chỉ làm khổ bản thân mà còn gây tổn thương sâu sắc cho những người liên quan.

Khi đối mặt với những sai lầm hoặc cám dỗ, hãy nghĩ đến nỗi đau mà người thân yêu của mình phải chịu đựng. Hãy có một tấm lòng nhân ái, biết suy nghĩ sâu xa hơn, rộng lượng hơn, và nhân đạo hơn. Chính sự bao dung và tình yêu thương ấy sẽ giúp bạn gìn giữ hạnh phúc gia đình. Con người không ai hoàn hảo, ai cũng có thể mắc sai lầm. Nhưng khi bạn sống với tấm lòng, biết nghĩ đến người khác, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng hạnh phúc thực sự không quá xa vời.

*Host: Trong trải nghiệm cuộc đời của mình, theo bà, may mắn đóng góp bao nhiêu phần trong cuộc đời sự nghiệp?

Bà Xuân Phượng: May mắn trong đời sống vợ chồng, trong công việc hay bất kỳ lĩnh vực nào đều có ý nghĩa nhất định đối với cuộc sống của mỗi con người. Người ta thường nói rằng "may hơn khôn," nhưng theo tôi, may mắn không phải chỉ là một yếu tố ngẫu nhiên hay định mệnh, mà phần lớn là do chính bản thân mình tạo ra.

Theo kinh nghiệm cá nhân, khi tôi nhận được những giải thưởng cho các bộ phim mình thực hiện, có người bảo rằng đó là nhờ tôi may mắn. Nhưng tôi không nghĩ may mắn chỉ đơn giản là sự an bài của số phận. Những thành quả đó đến từ sự nỗ lực, từ việc tôi dám thử thách và không ngừng hoàn thiện bản thân. Nếu chỉ dựa vào số phận mà không hành động, thì làm sao có được những thành công ấy?

May mắn, theo tôi, đóng một vai trò nhất định, nhưng chỉ ở giai đoạn sau cùng, giống như một yếu tố bổ sung hơn là quyết định. Thành công hay thất bại, cái cốt lõi vẫn nằm ở chính sự nỗ lực và quyết tâm của bản thân mình. May mắn chỉ là một phần, còn phần lớn là do chúng ta làm chủ và thay đổi cuộc đời bằng chính công sức của mình.

Ảnh màn hình 2024-11-22 lúc 14.57.18
Tin số phận nhưng có thể thay đổi do sự can đảm và khát vọng. Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ những trải nghiệm và giá trị cuộc đời khi trò chuyện với nhà báo Công Vinh tại VOH.

Số phận của mỗi người: được định hướng hay chính mình định hình?

*Host: Bà nói rằng ở chiến trường, tỷ lệ tử vong lên đến 70-80%. Nhiều người nghĩ khi ra chiến trường, đạn sẽ "né" mình, nhưng thật ra không ai biết đạn sẽ đến từ đâu. Vậy theo bà, phải chăng con người ta có số phận?

Bà Xuân Phượng: Tôi là người rất tin vào số phận. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã lớn lên trong một gia đình có truyền thống, và mẹ tôi là người rất tin vào tử vi. Tôi nhớ lúc tôi 10 tuổi, mẹ đã mời một ông thầy tướng số đến để xem số phận của tôi và các anh chị em. Ông thầy này có bộ râu dài và rất đáng nhớ với tôi. Mẹ tôi yêu cầu ông thầy xem số phận của cả năm đứa con. Ông bắt đầu xem cho em trai tôi trước, và nói rằng em tôi sẽ không ở Việt Nam, mà sau này sẽ sống ở một nơi khác. Khi ông thầy xem cho tôi, mẹ tôi hỏi vì sao ông không nói về số phận của tôi. Ông ấy cảm thấy ngại, không muốn nói, nhưng cuối cùng ông ấy đã chia sẻ.

Ông thầy nói rằng tôi có một số phận rất đặc biệt, với nhiều thăng trầm, sẽ trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, ông cho rằng điều đau khổ nhất trong số phận của tôi là không được chứng kiến ngày ra đi của bố mẹ. Lúc đó, mẹ tôi rất buồn và đã yêu cầu ông thầy đừng đến nhà nữa, vì không muốn nghe những điều như vậy. Nhưng sau này, cuộc đời tôi đúng là đã trải qua những điều rất giống những gì ông thầy đã nói.

Cha tôi qua đời ở California, và mẹ tôi cũng qua đời ở đó. Tôi không có mặt khi cha mẹ tôi qua đời, và suốt đời tôi không có cơ hội nuôi dưỡng cha mẹ. Lúc đó, tôi mới 10 tuổi, còn em tôi mới chỉ vài tuổi. Thầy bói đã nhìn em tôi và nói rằng sau này em sẽ là người chăm sóc cho cha mẹ tôi. Điều này đúng, sau này em tôi trở thành một dược sĩ thành đạt ở Sài Gòn và lo cho cha mẹ tôi.

Tôi tin rằng mỗi người đều có một số phận riêng, nhưng liệu số phận có thay đổi hay không một phần cũng phụ thuộc vào chúng ta. Nếu tôi an phận và chấp nhận số phận, có thể giờ này tôi chỉ là người giữ xe đạp ở Hà Nội, kiếm sống qua ngày. Nhưng tôi không chấp nhận như vậy, tôi không bằng lòng với số phận mà cuộc đời ban tặng. Chính sự quyết tâm và khát vọng thay đổi của bản thân mới là điều quan trọng để tạo ra một cuộc sống đáng sống.

*Host: Xin Bà chia sẻ về những suy nghĩ và tâm huyết mà bà đã đặt vào cuốn sách “Gánh Gánh Gồng Gồng”?

Bà Xuân Phượng: Khi tôi bắt đầu viết về cuộc đời mình, tôi không ngờ rằng mình sẽ nhận được hàng ngàn câu hỏi từ các bạn trẻ, không chỉ 100 câu như tôi nghĩ. Các câu hỏi, thắc mắc của các bạn gửi đến tôi rất nhiều, khiến tôi phải suy nghĩ về lý do tại sao tôi lại viết về chính mình. Thực ra, tôi đã viết về cuộc đời mình từ năm 2001, bằng tiếng Pháp. Lý do tôi viết bằng tiếng Pháp là vì tôi nghĩ đến độc giả là người Pháp, và khi đó, tôi chia sẻ nhiều về phong tục, tập quán của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không chú ý nhiều đến việc này sau khi viết xong.

Vào năm 1992, khi gặp mẹ tôi ở Mỹ, tôi đã nhận ra sự khác biệt trong cách mẹ nhìn nhận về cuộc đời tôi. Mẹ tôi, một người đã sống gần 80 năm ở Việt Nam, không thể hiểu rõ những thay đổi lớn lao trong cuộc sống của tôi khi phải sống ở phương Tây. Tôi bắt đầu cảm thấy cần phải viết lại câu chuyện đời mình để mẹ hiểu tại sao tôi phải rời Việt Nam, tại sao đất nước tôi cần phải thống nhất, và để mẹ hiểu rằng cuộc sống của tôi không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Sau khi nghĩ về điều này, tôi quyết định phải viết lại cuộc đời mình. Tuy nhiên, tôi đã trì hoãn cho đến năm 2020, khi dịch Covid-19 khiến mọi người phải ở trong nhà và có rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Lúc ấy, tôi quyết định viết lại cuốn sách về cuộc đời mình, bắt đầu từ những ngày tháng khó khăn nhất, khi mà thế giới đang chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Viết không chỉ giúp tôi vượt qua sự khủng hoảng tinh thần, mà còn mang lại cho tôi niềm vui khi nhớ lại những kỷ niệm trong suốt cuộc đời. Những kỷ niệm này càng dồn dập khi tôi bắt đầu viết, khiến tôi như sống lại những ngày tháng cũ. Sau khi hoàn thành cuốn sách, tôi đã làm lại nhiều lần để chỉnh sửa, sắp xếp sao cho hợp lý. Cuốn sách của tôi cũng được hoàn thành vào tháng 10 năm 2020.

Mặc dù không biết cuốn sách có được xuất bản hay không, tôi đã nhờ một người bạn làm họa sĩ giúp tôi. Cuối cùng, cuốn sách của tôi đã xuất bản và nhận được sự quan tâm lớn. Vào tháng 11, tôi nhận được tin vui từ nhà văn Hữu Thỉnh thông báo rằng cuốn sách của tôi đã được trao giải thưởng văn học năm 2020. Lúc đó, tôi cảm thấy rất bất ngờ và xúc động. Tôi không ngờ rằng những tâm sự, những nỗi buồn vui trong cuộc đời mình lại có thể kết nối được với nhiều người và nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ như vậy.

Còn tiếp…

Nhân humanity (2)

Từ cô gái hoàng tộc đến người phụ nữ “Gánh gánh gồng gồng” cả một kho tàng lịch sử

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929 trong một gia đình hoàng tộc Huế. Suốt gần 10 năm học phổ thông bà theo học ở trường Tây trên Đà Lạt với các giáo viên người Pháp. Bà từ bỏ cuộc sống hoàng cung lúc 16 tuổi để đi theo cách mạng, theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Ngày ra đi, tài sản của bà chỉ có 1 đôi dép sandal, 1 bộ quần áo… Bà nói “ra đi kháng chiến đúng là vô sản, còn cuộc sống hoàng tộc là tư sản”.

Năm 1947 bà là người nữ duy nhất được Bộ Quốc phòng tuyển vào Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Bộ Quốc phòng vì bà biết tiếng Pháp. Sau nhiều năm dấn thân vào con đường cách mạng, bà được giao trọng trách tiếp xúc, làm việc với 1 tổ Pulmynate (thuốc làm kíp nổ) mà không biết rằng từ đó, mình sẽ trở thành một trong 3 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chế tạo ra thuốc nổ.

Năm 1948 bà được nhận Huân chương Sao vàng cho khả năng sáng chế ra loại súng không giật, một loại súng mang lại hiệu quả cao trong chiến tranh chống Mỹ.

Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà được cử đi học y sĩ cao cấp và về vừa làm bác sĩ của Bộ Y tế, vừa làm phiên dịch cho Ủy ban Liên lạc Văn hoá với nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Nhờ đó mà bà được tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia và các nhà báo nước ngoài, một tiền đề cho sự nghiệp của bà về sau.

Nhân bản rồi hãy cập nhật (6)

Năm 1967, Bà và một số người phụ trách Xưởng Phim Thời sự Hà Nội đã được Bác Hồ mời lên để giúp đỡ “Những chiến sĩ điện ảnh cách mạng” (cách gọi Joris Ivens và Marceline Loridan của Bác). Ngày 25/4, ba chiếc xe chỉ huy rời Hà Nội với một đoàn gồm 11 người - Ivens, Loridan, bác sĩ – phiên dịch viên Xuân Phượng, hai nhà quay phim Đào Lê Bình và Nguyễn Quang Tuấn, Phi Hương - trưởng đoàn, Tố Hữu - người chịu trách nhiệm an ninh cho đoàn, Dương - người lo công việc tổ chức,  và ba lái xe,  tiến về  huyện Vĩnh Linh, cách  Hà Nội 500 km về phía Nam mở đầu cuộc hành trình sản xuất bộ phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân, một bộ phim kết tinh từ tình yêu dân tộc với những thước phim được đổi bằng máu và nước mắt. Bà Xuân Phượng cũng thực hiện hàng loạt phim tài liệu nổi tiếng như Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978)...Bà cũng một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975.

Năm 2020, Bà cho ra mắt cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” gây tiếng vang lớn trên văn đàn được nhận kép 2 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tái bản đến 7 lần, với gần 30 ngàn bản in, cuốn sách như một trang tự sự về cuộc đời người phụ nữ đã cùng đất nước đi qua những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh.

Cả cuộc đời người phụ nữ “Gánh gánh gồng gồng” đã sống đúng với quan điểm “Con người ta chỉ sống có một lần trong đời”. Dù ở tuổi nào, ở lĩnh vực nào, bà cũng sẵn sàng nỗ lực hết sức, và không ngại liều mình để theo đuổi khát vọng cống hiến.

Nhân humanity (3)