Buổi trưa, tại một căn tin chuyên phục vụ người già ở TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, hàng trăm món ăn được bày sẵn, không khí rộn tiếng trò chuyện.
Một cụ ông đến quầy chọn món đậu phụ, bảng thông báo điện tử trên tường lập tức hiện dòng chữ Ông Chen, hải sản và món từ đậu nành không phù hợp với sức khỏe ông. Đây là hệ thống nhắc nhở, đưa ra lời khuyên về món ăn dựa trên tình hình sức khỏe.
Nhà ăn đặc biệt này là Căn tin Cộng đồng Cuiyuan, một trong những nhà ăn đang phát triển rộng khắp Trung Quốc. Đây là một trong những chính sách được chính phủ tài trợ cho người cao tuổi.
Tại nhà ăn, thực khách tận hưởng các bữa ăn giảm giá và dịch vụ giao tận nơi. Nhà ăn đang phục vụ cho cộng đồng 9.800 người trong đó số người trên 60 tuổi chiếm 25%.
Giám đốc Ủy ban Cộng đồng Xiang Feifei hào hứng chia sẻ nhà ăn mà họ quản lý đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo hiệu quả. Bà Xiang cho biết hệ thống theo dõi chỉ số sức khỏe của từng người già tại nhà ăn nhằm phát hiện món họ dị ứng và điều chỉnh thực đơn.
Hệ thống này bảo mật thông tin bằng nhận dạng khuôn mặt. Người già và con cái họ sẽ ký vào thỏa thuận bảo mật dữ liệu sức khỏe chỉ được sử dụng cho mục đích phi thương mại.
Nhà cách nhà ăn chỉ 5 phút đi bộ, bà Hu Huali, 66 tuổi là khách thường xuyên của nhà ăn. Bà cho biết bản thân thích món thịt heo Đông Pha và bò hầm mềm. Mỗi phần ăn tại đây gồm cơm, thịt và hai món rau, bán với giá 2,25 USD.
Cha mẹ anh Chen Peng, gần 80 tuổi, chọn ăn tại nhà ăn từ thứ 2 đến thứ 6. Những bữa ăn trước kia của 2 ông bà vô cùng đơn giản, lặp đi lặp lại các món bánh mì, bánh rán hoặc cháo dùng kèm dưa muối.
Anh Chen cho biết đã rất lo lắng cho tình hình ăn uống của cha mẹ, nhưng tình hình đã khá hơn sau khi có nhà ăn. Đến căn tin Cuiyuan, cha mẹ anh vừa được thưởng thức những bữa ăn nóng hổi, giá hợp lý, vừa được trò chuyện với nhiều người cùng lứa tuổi sẽ không cảm thấy cô đơn.
Dân số Trung Quốc hiện tại có 300 triệu người trên 60 tuổi, con số này tăng dần trong tương lại, ước tính vượt 400 triệu vào năm 2035 và lên gần 500 triệu vào năm 2050, chiếm 35% dân số.
90% người cao tuổi tại Trung Quốc chọn chăm sóc tại nhà, 7% chọn dịch vụ chăm sóc cộng đồng, chỉ 3% sống trong các cơ sở chăm sóc, theo dữ liệu Ủy ban Y tế Quốc gia.
Mô hình nhà ăn người già đang được triển khai khắp Trung Quốc dựa trên khả năng tài chính và hoàn cảnh thực tế của từng địa phương.
Nhà ăn Chuxin ở làng Hujia, TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh tấp nập người đến dùng bữa vào giờ trưa. Nhà ăn có thực đơn phong phú cả món nóng và lạnh, thực phẩm chay. Nhà ăn Chuxin được khen ngợi về sự sạch sẽ, tiện lợi và giá rẻ.
Song, lượng người trẻ chọn đến nhà ăn này ngày một đông, khiến nơi đây quá tải. Người già không thể cạnh tranh xếp hàng chọn suất ăn với giới trẻ. Món ăn còn lại đôi khi lại không phù hợp cho người già. Một cụ bà phàn nàn “Các món thịt chiên, gà chiên và đậu phộng thì còn rất nhiều. Răng chúng tôi không thể nhai món này, nó cũng không phù hợp với dinh dưỡng người già”.
Nhà chức trách TP Đại Liên đang cố gắng mở rộng số nhà ăn, đạt mục tiêu 100 cơ sở vào cuối năm nay.
Khảo sát của Bộ Công tác Dân sự cho thấy 22,1% người cao tuổi cần các dịch vụ trợ giúp bữa ăn. Ở Trùng Khánh, gần 1.600 nhà ăn cho người cao tuổi đã được mở, dự kiến phục vụ hơn 1,8 triệu người mỗi năm.
Tỉnh Hà Nam cũng có kế hoạch phát triển 600 nhà ăn, đặt mục tiêu bao phủ 40% cộng đồng đô thị và 10% làng xã nông thôn.
Bà Xiang, đại diện Cộng đồng Cuiyuan cho biết mọi người thường nói chăm sóc trẻ em là chăm sóc tương lai đất nước nhưng thực tế, chăm sóc người già là chăm sóc tương lai của họ.