Để người trẻ thêm yêu sử Việt

(VOH) - Ngày 15/9, Thành đoàn TPHCM phối hợp cùng với báo Tuổi trẻ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh tự hào sử Việt”.

Tham gia buổi tọa đàm có sự tham gia của các hội ban ngành nhà xuất bản thành phố, đại diện các cơ sở đoàn trên địa bàn thành phố, đại diện các đội thi, các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử người có nhiều sự hiểu biết đối với sử Việt.

Các đại biểu đã có những ý kiến xung quanh việc tìm kiếm các giải pháp, bước đi phù hợp để giới trẻ hiện nay có sự ham học hỏi và tò mò về sử Việt, cùng những giải pháp nâng cao hiệu quả trong giảng dạy lịch sử cho các bạn trẻ.  

Để người trẻ thêm yêu sử Việt 1
TS. Quách Thu Nguyệt phát biểu tham luận.

TS. Quách Thu Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ, Nguyên Phó Giám đốc Đường Sách TPHCM chia sẻ, cần cung cấp và phổ biến về các thông tin, các kiến thức lịch sử trên các trang web, youtube hay các nhóm cộng đồng khác. Đặc biệt với các bộ Đoàn khu vực trường học trên địa bàn thành phố và đội ngũ giáo viên 1,2,3 nên tổ chức các cuộc thi dựng các trang Youtube giới thiệu về sử Việt, kiến thức sử. cung cấp miễn phí các sách Ebook, audiobook hay về lịch sử.  

"Các bạn trẻ sẽ thích thú hơn khi được thực tế trải nghiệm, được cầm nắm, phân tích và được nghe diễn giải trực tiếp về một vấn đề lịch sử nào đó, từ đó sẽ thúc đẩy sự tò mò và ham học hỏi của các bạn hơn", TS. Quách Thu Nguyệt nói.

Xem thêm: “Văn hóa không vắng hoa”

Đại diện nhóm Việt Phục Hoa Niên - Năm Tháng Tươi Đẹp, Ngô Lê Duy chia sẻ: “Chúng ta hãy hóa thân và tiếp xúc với những ý kiến của giới trẻ. Vận động tổ chức ngày hội văn hóa cho các bạn học sinh, sinh viên, phối hợp các sân khấu kịch, tổ chức các buổi thưởng thức nghệ thuật nhằm thúc đẩy tình yêu lịch sử”.

Để người trẻ thêm yêu sử Việt 2
Bạn Ngô Lê Duy phát biểu ý kiến.

Còn theo TS. Nguyễn Tiến Vinh (Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), cần kết hợp tương tác để tạo nên tác phẩm đa phương tiện hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung như video, bài hát, thông tin đồ họa, tin theo dòng sự kiện, kể chuyện…

“Chúng ta có thể xây dựng các phim ngắn nói về các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, trang Fanpage truyền thông, xây dựng cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản, tổ chức các buổi gặp gỡ nhân chứng lịch sử, văn hóa…”, TS. Nguyễn Tiến Vinh gợi ý.

Buổi tọa đàm cũng chính là dịp để vun đắp, phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, từ đó, xây dựng một lý tưởng cách mạng cho tuổi trẻ, đồng thời là dữ liệu quan trọng hướng đến Đại hội đại hội Đại biểu Đoàn TNCS HCM TPHCM nhiệm kỳ 2022 - 2027.