Diện tích đám băng trôi ở Nam Cực đã đạt mức thấp nhất trong 44 năm vào cuối tháng 2/2022, theo quan sát của một nhóm các nhà nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba 19/4, cho đến nay Nam Cực dường như chống chọi lại sự biến đổi khí hậu tốt hơn so với Bắc Cực.
Chu kỳ tự nhiên của khối băng nổi là tan chảy vào mùa hè và hình thành lại vào mùa đông, được các vệ tinh ghi lại rất chính xác kể từ năm 1978 hình ảnh các khu vực được bao phủ theo từng mùa, từ năm này sang năm khác. Xét về lâu dài, tốc độ tan chảy diễn ra nhanh chóng ở Greenland và Bắc Cực, nhưng ngược lại, ở Nam Cực, xu hướng này diễn ra khá chậm, mặc dù có sự khác biệt đáng kể hàng năm và theo khu vực.
Năm nay, diện tích băng trôi ở Nam Cực đã sụt giảm và đo được 1,9 triệu km2 vào ngày 25/2, mức thấp kỷ lục kể từ khi kỷ lục bắt đầu vào năm 1978, báo cáo của một nhóm các nhà nghiên cứu chủ yếu từ Đại học Sun Yat-sen ở Canton, được công bố trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences.
Năm năm sau mức thấp kỷ lục ghi nhận vào năm 2017 là khoảng trên 2 triệu km2, khu vực được bao phủ bởi băng trôi đã giảm xuống dưới mốc 2 triệu km2 lần đầu tiên. Con số này thấp hơn 30% so với mức trung bình trong ba thập kỷ từ năm 1981 đến năm 2010.
Nghiên cứu này xác nhận những quan sát của Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ công bố cách đây vài tuần, ngay trước khi xuất hiện đợt nắng nóng chưa từng có ở phía đông Nam Cực vào tháng 3.
Theo các tác giả của nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba, ở phía tây Biển Amundsen và phía đông Biển Ross, sự biến mất của băng trôi đã hoàn tất vào ngày 25/2. Nhìn chung, băng trôi tan chảy sớm hơn trong năm qua khi bắt đầu từ đầu tháng 9, nhưng so với năm 2017, giai đoạn kết thúc tan băng được ghi nhận là muộn hơn với mốc thời gian vào cuối tháng 2.
Sự tan chảy có liên quan đến "nhiệt động lực học", tức là ảnh hưởng của nhiệt độ, cùng sự di chuyển của băng về phía Bắc, liên quan đến vị trí nằm ở vĩ độ thấp hơn, và do lớp băng mỏng hơn nằm ở phía bờ biển của Biển Amundsen.
Sự tan chảy của băng trôi không ảnh hưởng đến mực nước biển, vì chúng được hình thành do sự đóng băng của nước muối. Nhưng mật độ bao phủ của băng trôi giảm xuống cũng là nguyên nhân của nhiều lo ngại.