“Ernest Shackleton là người hùng của tất cả những ai quan tâm đến thế giới địa cực”, nhà thám hiểm Alban Michon nói với Huffington Post khi bắt đầu chuyến đi tìm kiếm Endurance 22 vào tháng 2 năm ngoái.
Tàu Endurance của Ernest Shackleton bị vỡ khi va vào băng vào năm 1915 ngoài khơi Nam Cực, được phát hiện ở biển Wedell dưới độ sâu 3.000 mét, được các nhà thám hiểm công bố hôm thứ Tư ngày 9/3.
Ông Mensun Bound, trưởng đoàn thám hiểm tổ chức bởi Falklands Maritime Heritage Trust, bày tỏ sự vui mừng khi đoàn xác định được vị trí và ghi lại được những hình ảnh của con tàu. Theo ông, đây là xác tàu đắm bằng gỗ đẹp nhất mà ông từng thấy.
Ông John Shears - Nhà địa lý vùng cực, vui mừng nói với giới truyền thông Anh: “Việc phát hiện ra xác tàu là một kỳ tích đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã hoàn thành cuộc tìm kiếm xác tàu khó khăn nhất trên thế giới, chống chọi với băng biển luôn thay đổi, bão tuyết và nhiệt độ xuống tới -18°C. Chúng tôi đã đạt được điều mà nhiều người nói là không thể”.
Một cuộc thám hiểm huyền thoại
Các nhà thám hiểm cho biết những mảnh vỡ được phát hiện cách nơi chìm tàu khoảng 6 km. Đoàn thám hiểm - với số lượng khoảng một trăm người - rời thủ đô Cape Town vào ngày 5/2 trên một tàu phá băng của Nam Phi, với hy vọng tìm thấy xác tàu trước khi mùa hè kết thúc.
Tàu Endurance rời cảng Plymouth (Anh) vào tháng 8/1914. Trên tàu có 28 người, 69 con chó, một con mèo và lượng thực phẩm sử dụng đủ trong hai năm. Nhưng sau 5 tháng di chuyển, con tàu bị mắc kẹt trong lớp băng dày. Một mình chống chọi giữa sa mạc trắng xóa, thủy thủ đoàn phải chờ đợi mùa đông qua đi và các khối băng tan chảy. Những thành viên trên tàu viết cùng với sự tuyệt vọng trong cuốn nhật ký hành trình của họ.
Nhưng cuộc sống trên tàu không chỉ có sự tồi tệ. “Chúng tôi có hình ảnh những người đàn ông chơi bóng trên băng, thật không thể tin được”, Alban Michon cho biết. Nhiếp ảnh gia người Úc, ông Franck Hurley đã ghi lại một cách sống động hình ảnh gắn kết giữa các thành viên trong đoàn.
Cuối cùng khi mùa hè đến, thay vì con tàu được thoát khỏi các tảng băng thì nó lại bị vùi lấp. Chứng kiến sự khó khăn mà con tàu gặp phải, các thuỷ thủ quyết định từ bỏ. Sau đó, họ cắm trại gần hai năm trên băng Nam Cực. Mãi đến tháng 4/1916, Ernest Shackleton mới rời đi để tìm kiếm sự giúp đỡ cùng 5 người khác.
Một cuộc hành trình khác bắt đầu. Các thủy thủ dành 16 ngày để vượt qua 1.300 km đại dương trên một chiếc thuyền nhỏ để đến đảo Nam Georgia, nơi họ tìm thấy sự giúp đỡ tại một trạm săn cá voi. Sau đó, họ quay lại để giải cứu 22 thành viên còn lại của đoàn thám hiểm. Chuyến đi này cũng là một trong những cuộc phiêu lưu nổi tiếng nhất của Ernest Shackleton.
“Khép lại câu chuyện về một trong những cuộc thám hiểm vùng cực đẹp nhất”
Kể từ đó đến nay, mọi nỗ lực tìm kiếm tàu Endurance đều kết thúc trong thất bại. Chuyến thám hiểm Endurance 22 đã sử dụng công nghệ hiện đại gồm hai tàu lặn không người lái để khám phá khu vực mà được chính Shackleton mô tả là “khu vực tồi tệ nhất của vùng biển xấu nhất trên thế giới” do điều kiện băng giá.
Đối với nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm này, các thợ lặn nghiên cứu xác tàu đã được đào tạo đặc biệt. Ông Alban Michon cho biết: “Chuyến thám hiểm ngoài các thợ lặn còn có các robot thám hiểm biển sâu nặng gần một tấn. Do đó khóa đào tạo ngoài việc dạy các thợ lặn chống chọi với giá lạnh, mày mò dưới nước khi họ ở gần xác tàu đắm thì họ còn có nhiệm vụ đặc biệt là giải cứu robot nếu bị mắc kẹt dưới lớp băng”.
“Nếu các nhà thám hiểm phát hiện ra xác tàu, họ thậm chí sẽ có cơ hội khép lại câu chuyện về một trong những chuyến thám hiểm vùng cực đẹp nhất” và bây giờ nó đã được thực hiện, ông Alban Michon kết luận.