Chờ...

Đưa thổ cẩm người H’Mông vào đời sống

(VOH) - Ngày càng có nhiều sản phẩm kết hợp giữa văn hóa truyền thống các dân tộc với chất liệu hiện đại được ra đời, trong đó có những sản phẩm gắn liền với thổ cẩm của người H’Mông.

Thổ cẩm, nét đẹp truyền thống của người H’Mông

Trong chương trình Talkshow “Chuyện đời thổ cẩm của người H’Mông” được tổ chức tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam (TPHCM), chị Lai Y Phương - một Art Director chia sẻ, người H’Mông có câu “đói đến chết cũng không ăn thóc giống, rách cũng phải có áo lanh mặc lúc chết”. Vải lanh với người H’Mông đã trở thành tín hiệu để nhận biết cội nguồn kể cả khi đã rời xa cuộc sống nơi dương thế.

Người phụ nữ H’Mông luôn gắn liền với khung cửi, từng đường kim mũi chỉ, mỗi bộ trang phục với những màu sắc sặc sỡ khác nhau đều ẩn chứa những nét đặc sắc và tinh tế về văn hóa và con người nơi đây.

Xem thêm: Mãn nhãn với hoa văn thổ cẩm tại triển lãm “Thoi Đưa”

 thổ cẩm của người H’Mông
Khách mời Lai Y Phương (bên phải) đang chia sẻ về câu chuyện về thổ cẩm của người H’Mông

Chị Y Phương cũng tiết lộ: “Từ xa xưa, người H’Mông đã gắn liền với thiên nhiên, họ sử dụng và kết hợp những màu sắc tươi tắn của núi rừng như: màu xanh của cây cối, màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng và vàng của ánh sáng mặt trời… để làm nên những bộ trang phục, vật dụng đầy màu sắc”.

Với người H’Mông, thêu dệt thổ cẩm là thước đo của sự khéo léo, cần cù và tỉ mỉ, nên ngay từ nhỏ, những cô gái H’Mông đã được mẹ chỉ dạy cho cách nhuộm vải, phối màu, dệt… Và cứ thế từ đời này tới đời kia, thổ cẩm trở thành truyền thống và được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình, là nét đẹp trong văn hóa của người H’Mông.

Dù cuộc sống ngày càng phát triển, đầy ắp sự tiện nghi và hiện đại, nhưng với người H’Mông việc phát triển và lưu giữ truyền thống dân tộc luôn là ưu tiên hàng đầu với họ. Đó là lý do mỗi khi du khách đến tham quan những vùng núi cao Tây Bắc, không khó để thấy cảnh đẹp, non nước hữu tình mà còn là những hình ảnh của những cô thiếu nữ H’Mông xúng xính bên những trang phục thổ cẩm, trồng lanh và dệt vải.

Thổ cẩm đã đi vào đời sống như thế nào?

Chắt lọc những nét đẹp từ thổ cẩm, gần đây, chị Lai Y Phương đã đưa thổ cẩm H’Mông vào trang phục trình diễn của dự án Ride 2 Rock, chuỗi tour rock xuyên Việt và lớn nhất trong năm 2022. Dưới vai trò là người quản trị hình ảnh cho dự án Ride 2 Rock, Y Phương cho biết: “Tưởng chừng thổ cẩm và rock là hai mảnh ghép hoàn toàn trái ngược nhưng không phải, rock có nhiều thể loại. Trong quá trình nghiên cứu, từ chất liệu âm nhạc mình mới bắt đầu chuyển hóa sang chất liệu hình ảnh và từ chất liệu hình ảnh lại tiếp tục chuyển hóa nó qua chất liệu vật lý”.

 thổ cẩm của người H’Mông
Thổ cẩm được đưa vào Ride 2 Rock từ những chi tiết nhỏ nhất (Ảnh: NVCC)

Y Phương cho biết thêm, người H’Mông thường chọn những hình ảnh đơn giản để tạo ra đường nét của đôi hoa tai, trang sức như: bàn chân con gà, con hổ, những đường vòng tròn…

Từ hoa văn thổ cẩm của người H’Mông mình sẽ chắt lọc những đường nét hình thù đó để đưa vào sản phẩm của mình, chứ không phải là bê vào hết tất cả. Thổ cẩm đó sẽ được cài cắm ở rất là nhiều nơi, không chỉ là trên trang phục nó còn có ở logo, trên màn hình, chi tiết nhỏ trên nhạc cụ… đó cũng là một cách truyền tải ngôn ngữ thông qua hình ảnh” - chị Y Phương bật mí.

Khi nói đến việc bảo tồn giá trị cốt lõi của văn hóa thổ cẩm, chị Y Phương đưa ra ý kiến: “Văn hóa nếu không có thời gian nghiên cứu để có đủ cơ sở, đủ hợp lý hoặc là đủ chiều sâu về chất lượng thì trước sau thì nó sẽ chỉ là một xu hướng. Nếu chúng ta biến văn hóa thành một xu hướng có nghĩa là chúng ta đang giết chết nó”.

Chị cho ví dụ về những trường hợp thổ cẩm chạy theo xu hướng thời đại, phục vụ khách du lịch mà các công thức, quy trình may dần bị thay thế bằng các loại vải kém chất lượng hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian hơn thì vô tình sẽ không còn giữ được giá trị cốt lõi mà cha ông truyền lại.

Ở khía cạnh khác, sự xuất hiện của thổ cẩm trong những MV ca nhạc đình đám, trào lưu của giới trẻ… là tín hiệu hai mặt, một mặt khiến cho văn hóa thổ cẩm được sống trở lại nhưng mặt khác lại khiến giới trẻ hiểu sai, chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài mà không tìm hiểu kỹ về bản chất bên trong dẫn đến những hệ lụy không tốt.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài thêm lời: “Khi tìm hiểu một văn hóa nào đó thì cần phải tìm hiểu thật kỹ càng để tránh những trường hợp lạm dụng hay suy nghĩ lệch lạc về nền văn hóa đó, và các bảo tàng là nơi hữu ích để có thể giúp người trẻ có thêm kiến thức vững chắc về nó”.

Bà còn nhấn mạnh, việc bảo tồn nét đẹp của văn hóa thổ cẩm không chỉ dành riêng cho một cá nhân, một dân tộc mà còn là của toàn thể con người Việt Nam.