"Thoi Đưa" ngoài nghĩa đen là con thoi dùng để dệt thổ cẩm nó còn có ý nghĩa thời gian trôi đi, kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Triển lãm không chỉ có những bộ thổ cẩm nguyên gốc từ xưa, mà còn có những sản phẩm hiện đại lấy cảm hứng từ hoa văn, họa tiết và chất liệu thổ cẩm.
Với hơn 25 vật phẩm được trưng bày như: Khăn choàng Thái, khăn choàng H’Mông, gối vuông, túi tote thổ cẩm, khăn vẽ sáp H’Mông, Chăm, Thái, Dao,... đến Thổ cẩm Piêu. Triển lãm Thoi Đưa khiến người xem mãn nhãn với sự đa dạng muôn màu muôn vẻ của những trang phục, trang sức và phụ kiện có chất liệu và hoa văn thổ cẩm.
Sự kiện được tổ chức vào ngày 27/8/2022 ra tại inD Cafe (Q.10, TPHCM). Với phương châm Miền Thổ Cẩm - sức sống bền bỉ của vẻ đẹp núi rừng, sự kiện đưa tới thông điệp chính là lan tỏa, gìn giữ và phát huy giá trị hình ảnh sức sống bền bỉ của nét đẹp hoa văn thổ cẩm.
Triển lãm Thoi Đưa một trong 4 hoạt động của chuỗi sự kiện Miền Thổ Cẩm được tổ chức bởi Ngày Xưa ASIA, một tổ chức vì cộng đồng của những bạn học sinh, sinh viên trên khắp vùng miền đất nước. Với sứ mệnh là trân trọng, củng cố và lưu truyền những nét đẹp văn hoá dân gian Việt Nam cùng với nét đẹp của kí ức tuổi thơ, qua việc tạo nên sân chơi lành mạnh, thiết thực.
Sự kiện cũng được thiết kế dựa trên hình tượng ngọn núi, tượng trưng cho sự hùng vĩ, vững vàng và bền bỉ theo năm tháng của những thước thổ cẩm. Chuỗi sự kiện gồm có 4 hoạt động tương ứng với 4 phần của ngọn núi: Đường mòn chân núi - Lookbook “Đan sắc”, người tham dự sẽ được chiêm ngưỡng những thước thổ cẩm đầy màu sắc của dân tộc H'Mông, Lô Lô và Lự; Chân núi - Triển lãm “Thoi đưa”, nơi trưng bày các bộ trang phục, trang sức và phụ kiện có chất liệu, hoa văn thổ cẩm; Sườn núi - Talkshow “Chuyện đời thổ cẩm của người H’mông” với thông điệp “Dệt cuộc sống - Sự song hành bền vững giữa văn hóa thổ cẩm và đời sống con người”; Đỉnh núi - Workshop “Dây muôn sắc”, người tham gia có thể tự tay làm cho mình những chiếc móc khóa và các vật dụng lấy cảm hứng từ màu sắc và hoa văn thổ cẩm.
Nguyễn Ngọc Phương Anh (sinh viên năm 3 trường ĐH Sư Phạm TPHCM) tham gia triển lãm cho biết: “Mình cảm thấy sự kiện này rất hay và rất ý nghĩa với những bạn trẻ. Mình ấn tượng nhất với chiếc khăn thổ cẩm có nút thắt đính viên ngọc, vì có thể thấy được sự tỉ mỉ và chi tiết của người làm ra nó”.
“Thổ cẩm là nét đẹp văn hóa mang giá trị tinh thần rất cao đối với một số dân tộc Việt Nam nói riêng và cả đất nước Việt Nam nói chung. Qua từng giai đoạn của xã hội, thổ cẩm có những sự phát triển khác nhau nhưng vẫn luôn có một sức sống bền bỉ mãnh liệt. Mong rằng sau sự kiện này nhiều người sẽ quan tâm tới thổ cẩm hơn, sẽ lan tỏa và làm bùng lên sức sống mới cho thổ cẩm”, Nguyễn Hoài Ý, trưởng ban sự kiện Miền Thổ Cẩm, bày tỏ về mong muốn.