Chờ...

Đường cao tốc và 3 ‘bí ẩn’ mà không phải tài xế nào cũng biết

(VOH) – Tại sao đường cao tốc không có đèn? Tại sao không làm đường cao tốc thẳng?... Đây là những câu hỏi mà không phải tài xế nào cũng trả lời được.

1. Tại sao đường cao tốc không lắp đèn chiếu sáng?

Các chuyên gia cho biết, lắp đèn cao áp để chiếu sáng trên đường cao tốc hại nhiều hơn lợi. Theo cảm quan ban đầu, nhiều đèn thì mọi vật sẽ được nhìn thấy rõ hơn không có đèn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi chúng ta đứng yên hoặc chạy xe với tốc độ thấp như trong đô thị.

Với đường cao tốc, đèn đường giữa không gian rộng lớn có thể không đủ khả năng chiếu sáng. Đèn cao áp thường có chỉ số hoàn màu thấp nên ánh sáng mà chúng ta tiếp nhận vào mắt thường là màu vàng, cam (dù nguồn sáng có thể là màu đỏ, trắng…). Sự sai lệch này khiến tài xế khó quan sát, nhận biết làn đường, biển chỉ dẫn hay chướng ngại vật… trên đường cao tốc.

Đèn đường gây ra hiện tượng tán xạ ánh sáng làm tài xế thấy đoạn đường nào cũng giống nhau, khả năng nhận biết xe chạy ở phía trước xa hay gần giảm xuống. Trong khi đó, đường tối khiến người lái xe tập trung hơn so với đường có nhiều đèn.

Đặc biệt, mắt sẽ nhanh mỏi, thị lực sẽ bị ảnh hưởng nếu phải tiếp nhận nhiều ánh sáng khác nhau trong thời gian dài, liên tục.

Đường cao tốc và 3 bí ẩn mà không phải tài xế nào cũng biết 1
Ảnh: Unsplash

Vì những nguyên nhân trên mà đường cao tốc ở khắp nơi trên thế giới đều không có đèn chiếu sáng chứ không riêng gì Việt Nam. Thay vào đó, người ta sử dụng thiết bị phản quang, biển báo sơn phản quang, vạch kẻ đường phản quang để dẫn đường cho tài xế.

Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 5729/2012 quy định, đường cao tốc phải có đèn chiếu sáng ở hai nơi bắt buộc là trạm thu phí và trong hầm. Ngoài ra khuyến khích có đèn ở nơi giao nhau liên thông, trạm phục vụ kỹ thuật hay những biển báo chỉ dẫn quan trọng. Còn lại trên những đoạn đường thẳng không có công trình khác thì không lắp.

Đây là lý do vì sao mà chúng ta thấy một số đoạn đường cao tốc vẫn có đèn chiếu sáng.

2. Tại sao lại trồng cây xanh ở hai bên đường cao tốc?

Việc trồng cây hai bên đường cao tốc không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn có rất nhiều tác dụng khác nhau.

  • Cây xanh hấp thụ một phần khí CO2 do các phương tiện thải ra, góp phần làm giảm ô nhiễm.
  • Cây xanh giúp giảm thiểu tiếng ồn, đặc biệt là cho những người dân sống gần đường cao tốc. Nhờ đó, công ty xây dựng cũng tiết kiệm được chi phí xây tường khử ồn ở hai bên đường.
  • Những hàng cây xanh hai bên đường cao tốc có thể trở thành bức tường chắn tự nhiên và trở nên hữu ích trong một số trường hợp. Ví như khi xảy ra mưa bão, hàng cây có thể làm giảm tốc độ gió giúp tài xế kiểm soát phương tiện tốt hơn khi chạy ở tốc độ cao. Khi xảy ra va chạm, tai nạn… xe mất lái có thể lao ra khỏi đường cao tốc, lao xuống sông, vực… Hàng cây bên đường có thể giảm thiểu được tình trạng này.
  • Cây xanh mang lại tính thẩm mỹ cho đường cao tốc, làm dịu căng thẳng, điều hòa tâm trạng, giúp người lái xe không bị mất tập trung.

3. Tại sao lại làm đường cao tốc cong trong khi có thể làm thẳng? 

Khi di chuyển trên đường cao tốc, nhiều tài xế thắc mắc đường có thể làm thẳng để rút ngắn chiều dài nhưng tại sao cứ một đoạn thẳng lại có một đoạn cong?

Đường cao tốc và 3 bí ẩn mà không phải tài xế nào cũng biết 2
Ảnh: Getty Images

Tiêu chuẩn Việt Nam 5729 năm 2012 về “Yêu cầu thiết kế đối với đường cao tốc ô tô” quy định: Không nên thiết kế các đoạn thẳng trên cao tốc dài quá 4 km. Nên thay các đoạn thẳng quá dài bằng các đường vòng có góc chuyển hướng nhỏ với bán kính lớn (5.000-15.000 m) để chống đơn điệu và lóa mắt do đèn pha về ban đêm.

Như vậy, đường cao tốc thiết kế các đoạn uốn cong để buộc tài xế phải tập trung đánh lái, tránh buồn ngủ do vận hành đều đều. Thêm vào đó, nó cũng giúp giảm bớt ánh đèn ngược chiều làm lóa mắt người lái xe.