Gặp gỡ người đàn ông 45 năm cứu người trên sông Sài Gòn

(VOH) - Ông Trần Văn Chúc (còn gọi là ông Ba Chúc) – người 45 năm ròng được mệnh danh là “kẻ cướp cơm hà bá”.

Đã 45 năm nay, một người đàn ông vẫn âm thầm sống trong căn chòi dựng tạm sát bờ sông Sài Gòn, gần chân cầu Bình Lợi, mưu sinh bằng nghề chài lưới với chiếc ghe thô sơ, ông được người dân khu vực gọi với cái tên nghe có phần rùng rợn là “ông Ba vớt xác trôi sông”.

Chính ông đã giành lại sự sống cho gần 400 con người gặp nạn trên sông Sài Gòn, tìm vớt hàng trăm thi thể xấu số và giúp cho rất nhiều người ngộ ra ý nghĩa của cuộc đời.

Men theo con đường đất ngoằn ngoèo dẫn ra mé sông Sài Gòn phía đối diện cầu Bình Lợi, tôi hỏi thăm người dân khu vực địa chỉ nhà của ông Ba Chúc, ai cũng chỉ tay ra phía bờ sông, nhìn theo chỉ thấy mênh mông nước.

Đi theo hướng chỉ, hết con đường đất nhỏ hẹp, tôi đến một căn chòi dựng tạm bợ sát mé sông, đó chính là nơi ông Trần Văn Chúc (tức ông Ba Chúc) sinh sống.

Căn chòi gỗ xiêu vẹo được nối liền với chiếc cầu gỗ bắt ra sông, bên dưới chiếc cầu là một chiếc ghe nhỏ đơn sơ với một guồng máy, được cột vào chân cầu.

Ông Trần Văn Chúc
Dù cuộc sống vất vả, ông vẫn quyết tâm bám trụ với sông Sài Gòn để giúp đời

Xem thêm: Chủ tịch nước khen ngợi Trung úy Thái Ngô Hiếu và anh Nguyễn Đức Chính dũng cảm cứu người

Thấy có người đến tìm, ông Ba Chúc vội vã dẹp mâm cơm trưa, khoác áo, niềm nở ra chào. Trước mắt tôi là một người đàn ông da đen sạm, nhiều nếp nhăn khắc khổ, nhưng khuôn mặt luôn nở nụ cười rất thân thiện và yêu đời.

Biết tôi đến gặp để tìm hiểu về cuộc đời “cứu người, vớt xác” 45 năm của mình, ông nhanh nhảu lấy nước uống, mời tôi lên ghe, bảo rằng phải đi một vòng trên sông thì mới có thể cảm nhận được những điều ông kể.

Vừa cầm lái chiếc ghe máy đơn sơ, ông Ba Chúc vừa chia sẻ, bản thân thật sự không nhớ hết được rằng mình đã cứu bao nhiêu người và vớt bao nhiêu xác chết trên sông Sài Gòn, chỉ biết rằng số điện thoại của ông được người ta lan truyền khắp nơi từ trên đất liền cho tới ngoài sông nước, hễ ai thấy có người gặp nạn hay thi thể trôi sông thì đều gọi cho ông giúp đỡ.

45 năm cùng vợ gắn bó với sông Sài Gòn, ông thuộc từng ngã rẽ, khúc quanh, sự nổi trôi của con nước. Ông cho biết, hơn 90% số người ông cứu sống trên sông Sài Gòn là những người tự vẫn, gieo mình từ cầu Bình Lợi hoặc cầu Sài Gòn xuống sông, ranh giới giữa sống và chết chỉ tính bằng một cái buông người.

Khi được hỏi về cái nghiệp “cứu người, vớt xác”, ông Ba Chúc bồi hồi nhớ lại những giây phút giành giật sự sống cho những con người tuyệt vọng.

Ông cho biết đã quá quen với cái âm thanh tóe nước và la hét ngoài cầu khi có ai đó gieo mình. Những lần như vậy, ông lập tức phóng ghe ra vị trí gầm cầu Bình Lợi. Hành trang chỉ vỏn vẹn chiếc ghe mộc, một sợi dây thừng, ngoài ra chẳng có gì.

Theo lời ông, một người khi rơi xuống nước nếu không biết bơi sẽ chìm nổi đúng 3 lần, cứ vậy mà ông canh đúng lúc họ nổi lên vùng vẫy thì tóm lấy cổ áo, tóc, kéo lên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người nhảy xuống gặp nước siết, không cách nào trở tay, lúc đó ông nhanh chóng nhảy xuống mò tìm, có khi may mắn nắm trúng, có khi vô vọng.

Thậm chí, ông cho biết mình cũng xém chết mấy lần, vì khi một người cận kề cái chết sẽ bám rất chặt, gỡ không nổi, nhiều trường hợp không thể kéo họ từ trên ghe, buộc ông phải nhảy xuống sông để rồi phải vật lộn với người đuối nước, rất may những lần đó lực lượng cứu hộ đã kịp thời ứng cứu.

Ông Trần Văn Chúc
Ông Ba Chúc khoe “đồ nghề” cứu người của mình

45 năm cứu người tự vẫn, ông Ba Chúc cũng bất đắc dĩ trở thành một chuyên gia tâm lý, đó là những khi người được ông cứu sống tỉnh lại, tất cả đều từ cõi chết trở về, có người vật vã, khóc lóc, có người còn trách ông sao lại cứu họ, có người tỉnh ngộ…

Tất cả đều được ông khuyên nhủ bằng những lời lẽ chân chất nhất, mộc mạc nhất, rằng “trên đời này chuyện gì cũng có cách tháo gỡ”. Còn những trường hợp không cứu kịp, nạn nhân mất tích dưới sông, nhiều đêm ông không chợp mắt nổi, vừa tự trách, vừa day dứt.

Sáng ngày hôm sau, ông lặng lẽ cầm cờ trắng bơi xuồng đi tìm xác. Cờ trắng là ám hiệu cho tàu bè trên sông hoặc người đi câu cá nhận biết xuồng tìm xác để họ cùng giúp đỡ.

Trước đây, ông Ba Chúc vốn sống bằng nghề chài lưới, dần dần tôm cá ít đi do môi trường biến đổi, đến nay ông chủ yếu sống bằng việc chở người qua sông, chở người đi thả cá phóng sinh và chở hàng thuê cho những ai cần. Cũng có lần ông định cùng vợ lên bờ bán vé số kiếm sống, nhưng hễ đi xa con sông là như có một mãnh lực nào đó thôi thúc ông quay lại, để tiếp tục cái nghề vớt xác, cứu người ghê rợn và đầy nguy hiểm đó. 

Biết chồng mình có tấm lòng nhân ái, vợ ông cũng luôn bên cạnh ủng hộ, dù cuộc sống của vợ chồng thiếu trước hụt sau, con cái đều ở xa và cũng chưa có ai khá giả.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe theo thời gian cũng phải xuống dốc, không còn như thưở thanh niên có thể bơi một mạch từ bờ bên này sang bờ bên kia, điều này cũng khiến ông luôn trăn trở, vì nếu một ngày ông không còn đủ sức thì chắc sẽ không ai thay thế ông cứu người nữa.

Ông chỉ mong được trời thương, ban cho ông nghị lực và sức khỏe, chứ bản thân không còn sợ bất cứ thứ gì, ngay cả cái chết cũng không thể khiến ông ám ảnh.

Để ghi nhận nghĩa cửa cao đẹp của ông Ba Chúc, chính quyền địa phương cũng nhiều lần trao tặng bằng khen và hỗ trợ để ông tiếp tục cống hiến cho xã hội. Đặc biệt, rất nhiều người từng được ông Ba Chúc cứu sống, khuyên nhủ, hoặc nhờ ông mà tìm được thi thể người thân… vẫn thường xuyên quay lại để nói lời cảm ơn, thăm hỏi vợ chồng ông.

Nhờ có ông, họ được sống tiếp quãng đời còn lại, ngộ ra những chân lý quý báu của cuộc sống mà trước kia họ đã nông nổi, mù quáng. Với ông Ba Chúc, giúp một người dù đang sống hay đã chết thì luôn là việc làm ý nghĩa nhất, vì tiền bạc, vật chất, lợi danh… theo thời gian cũng mất, chỉ có tình thương mới là thứ tồn tại vĩnh cứu!