Chờ...

Giá trị của con trâu có thay đổi trong giai đoạn nông nghiệp công nghệ cao?

(VOH) - Khi nông nghiệp được cơ giới hóa, vai trò của con trâu trong nông nghiệp đã ít nhiều thay đổi, tuy vậy, loài vật này vẫn mang những giá trị không thể thay thế.

Số liệu tháng 2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở nước ta ngày càng cao ở các khâu trước và sau thu hoạch, riêng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất (cày bừa) cây nông nghiệp đã đạt 94%... Điều này đã phần nào giúp tăng năng suất lao động của người nông dân, cũng tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Tại nhiều địa phương, các loại máy móc phục vụ sản xuất (máy cày, bừa, gặt, tuốt lúa…) được nông dân đầu tư ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp. Những chiếc máy cày hoạt động hết công suất không chỉ phục vụ cho việc làm đất mà còn vận chuyển cả nông sản, hàng hoá tại các làng, bản xa xôi.

con trâu, tân sửu 2021
Hình ảnh con trâu kéo cày giờ đã dần thưa vắng (Ảnh: wordpress)

Làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đang là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo một hướng mới, nhu cầu sử dụng trâu làm sức kéo giảm nhưng người dân nhiều nơi vẫn duy trì chăn nuôi trâu theo hướng thương phẩm.

Với việc ứng dụng khoa học vào chăn nuôi, người nông dân hiện nay đã biết kết hợp chăn thả với nuôi nhốt, xây dựng chuồng trại, ứng dụng khoa học trong chăn nuôi làm tăng năng suất, chất lượng cho đàn gia súc này.

nuôi trâu nhốt chuồng, Tuyên quang, voh.com.vn
Người dân đầu tư nuôi trâu nhốt chuồng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Mặc dù nuôi trâu không phổ biến rộng rãi như nuôi bò nhưng con trâu được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Sữa trâu nhiều chất béo hơn sữa bò nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò và lượng sắt có trong thịt trâu cao hơn thịt bò.

Da trâu có vai trò quan trọng để làm trống đặc biệt là da trâu cái chưa sinh đẻ mới tốt vì nó rất dai và cho tiếng kêu hay.

Tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam có một làng nghề - làng Đọi Tam - chuyên sản xuất các loại trống. Người dân Đọi Tam chỉ dùng da trâu cái để b­ưng mặt trống, da được chọn thường là da của những con trâu già có độ bền, dẻo và dai hơn. Khi mua da, người ta chọn con mà da có nhiều nếp nhăn, lông bạc. Da trâu để làm trống tối kỵ chọn da của những con trâu mập, trâu trắng. Công đoạn căng mặt trống cũng hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang.

làng Đọi Tam, trống đọi tam, con trâu, voh.com.vn
Làng nghề trống Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Ảnh: Du lịch Hà Nam)

Trong đông y, da trâu có tên gọi là ngưu bì được dùng như một loại dược liệu. Loại cao da trâu trong Đông y gọi là minh giao hay ngưu dao ẩm chứa hàm lượng cao canxi, keratin, gelatin... có mùi hơi tanh, khi ăn có vị mặn mặn ngọt ngọt. Cao da trâu có tác dụng giảm đau xương khớp, đau nhức, tốt cho tiêu hóa, đái dắt, cầm máu, ghẻ ngứa, mụn nhọt...

Ngoài da, nhiều bộ phận khác của con trâu đều có thể dùng chữa bệnh như thịt, xương, lông, móng, sừng, sỏi mật, răng...

Sừng trâu có thể được sử dụng làm thuốc trong Đông y, cũng là một chất liệu phổ biến được các nghệ nhân chế tác thành các đồ trang sức từ vòng tay, nhẫn... cho đến các đồ dùng khác như lược, gọng kính…

lược sừng, làng nghề thụy ứng, voh.com.vn
Những chiếc lược làm từ sừng trâu của Làng nghề Thụy Ứng (Ảnh: Kinh tế chứng khoán)

Làng nghề Thụy Ứng (xã Hoà Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) hơn 400 năm duy trì hoạt động làm đồ thủ công mỹ nghệ từ sừng trâu, bò. Nếu như trước đây, sản phẩm chính của làng nghề này là lược sừng thì hiện nay các mặt hàng đa dạng hơn với hàng trăm mẫu như thìa, dĩa, muôi, đồ trang sức (vòng đeo tay, đeo tai...).

Ngoài việc sử dụng sừng trâu làm đồ mỹ nghệ, người thợ Thụy Ứng còn tận dụng các phần khác của trâu, bò để tạo ra các sản phẩm dây lưng, bàn chải, túi xách... Đa số sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Như vậy, dù không còn là "bạn của nhà nông" nhưng con trâu vẫn giữ được những vai trò rất riêng trong đời sống của người Việt. Và những giá trị mà nó mang lại khiến mỗi người trân trọng hơn giá trị của loài vật thong dong và hiền từ này,