Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giàng A Phớn: Khi nghĩ đến nước - mình muốn làm điều gì đó lan tỏa hơn!

(VOH) - Dự án "Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá" do Giàng A Phớn khởi xướng đến nay đã trao hơn 1.000 bồn nước.

Có hai điều mà người ta sẽ nhớ ngay khi nói về Giàng A Phớn.

Thứ nhất, anh không sinh ra ở Hà Giang nhưng yêu và hiểu Hà Giang như bất kỳ người Hà Giang nào, thậm chí hơn.

Thứ hai, Dự án "Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá" do Giàng A Phớn khởi xướng đến nay đã trao hơn 1.000 bồn nước với sự hỗ trợ âm thầm của những người quen và không quen trong và ngoài nước, để những bồn nước được trao đến tay đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang.

Một điều thú vị, Giàng A Phớn – tên thật là Nguyễn Văn Trãi - nhưng có lẽ, với bà con đồng bào yêu mến anh, họ cũng quên mất cái tên “cúng cơm” ấy, chỉ quen gọi Giàng A Phớn.

Giàng A Phớn (bìa trái) trong một đợt trao bồn nước cho bà con vùng cao. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hiện, anh là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ, Du lịch và Thương mại Hà Giang Trẻ. Khi còn là sinh viên ngành Việt Nam học, từ những chuyến đi làm từ thiện, Nguyễn Văn Trãi đã có được những cảm nhận sâu sắc, những tình cảm rất đặc biệt dành cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Hà Giang, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, đời sống văn hóa, phong tục tập quán đa dạng của các dân tộc và Hà Giang đã tạo ra sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với Trãi. Năm 2015, Hà Giang Trẻ ra đời, tập hợp đội ngũ nhân sự là những người trẻ con em đồng bào chính nơi này như: Mông, C'lao, Tày, Dao đỏ, Giấy …...Trong mỗi hành trình, Giàng A Phớn và cộng sự khéo léo lồng ghép các điểm đến, địa danh mang đậm những nét văn hóa truyền thống bản địa đến du khách.

*VOH: Chào Giàng A Phớn. Được biết Hà Giang không phải là quê hương của bạn. Vậy, cơ duyên nào đưa Phớn đến và gắn bó với du lịch Hà Giang?

Giàng A Phớn: Mọi người hay gọi mình tên thân mật là Giàng A Phớn, còn tên thật của mình là Nguyễn Văn Trãi, sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình. Những hành trình đầu tiên mình đến với Hà Giang là những chuyến thiện nguyện. Thời sinh viên, mình là chủ nhiệm câu lạc bộ hoạt động xã hội vì cộng đồng ở Hà Nội nên cũng có nhiều chương trình lên với Hà Giang trong những lần đi tặng quà cho bà con vùng sâu vùng xa.

Sau khi ra trường, mình cũng có lên Hà Giang nhiều lần, cảm thấy yêu mảnh đất này. Từ đó quyết định, mình chọn Hà Giang làm việc. Khi đó mình vẫn chưa quyết định làm du lịch đâu.

Đến năm 2014, 2015, nhận thấy du lịch Hà Giang trên đà phát triển nên mình chọn Hà Giang là điểm đến của mình và phát triển về du lịch Hà Giang.

Dự án Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá do Giàng A Phớn khởi xướng đến nay đã trao hơn 1.000 bồn nước.

*VOH: Nhưng chuyên ngành bạn học là gì?

Giàng A Phớn: Mình học về chuyên ngành Việt Nam học, nghiên cứu về văn hóa. Cũng rất phù hợp khi Hà Giang có đến 20 dân tộc anh em, là mảnh đất màu mỡ về văn hóa.

*VOH: Con đường khởi nghiệp Hà Giang Trẻ của Phớn như thế nào?

Giàng A Phớn: Đến năm 2014, 2015 cơ hội du lịch phát triển nên mình bắt đầu thành lập doanh nghiệp: công ty Hà Giang Trẻ. Mong muốn của mình là nhân sự công ty luôn luôn trẻ, luôn mới luôn sáng tạo. Dù 50 hay 60 năm nữa, thì tâm hồn vẫn luôn trẻ như bây giờ. Những hành trình trải nghiệm sẽ không già mà luôn mới, phục vụ đúng nhu cầu hàng năm, nhu cầu mới của khách.

Cái đạt được lớn nhất bây giờ của mình là mang được cho khách những trải nghiệm mới, những hành trình sâu sắc hơn về Hà Giang. Có thể dù chỉ là hành trình ngắn ngày thôi nhưng du khách vẫn có thể cảm nhận được khá đầy đủ, trọn vẹn.

Thêm một cái “trẻ” nữa là sức trẻ, nhiệt huyết của các bạn trẻ trên hành trình tour. Như các bạn hướng dẫn viên chẳng hạn, rất trẻ, năng động, là con em của chính vùng đất Hà Giang này. Ngoài việc hiểu biết về văn hóa địa phương, văn hóa của chính dân tộc mình thì các bạn còn mang sức trẻ trong chính tâm hồn của các bạn, quê hương các bạn. Nó cũng như lời kêu gọi, thúc giục để du khách quay trở lại Hà Giang nhiều hơn, yêu mến Hà Giang hơn.

Khi nghĩ đến nước, Phớn muốn làm điều gì đó lớn hơn.

*VOH: Đến với Hà Giang, gắn bó và góp phần vào việc phát triển du lịch cho Hà Giang đã là một cơ duyên. Vậy còn cơ duyên nào khiến cho bạn tiếp nối thêm với Dự án Tặng bồn nước cho bà con vùng cao. Bạn chia sẻ gì về Dự án thiện nguyện này?

Giàng A Phớn: Phấn đấu của mình là có một môi trường sống tốt, được những người xung quanh yêu mến quý trọng mình. Môi trường đấy phải có giá trị lan tỏa. Mình đến với Hà Giang quá sớm, nên ấn tượng suy nghĩ của mình dành cho bà con cũng có từ rất sớm.

Thứ hai, nhân sự của Hà Giang Trẻ đến 90% là người vùng cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Khi bắt tay làm Dự án trao tặng bồn nước, mình cũng có hai lý do để tiếp tục phát triển nó. Thứ nhất, trong hành trình trải nghiệm cùng nhân sự, mình thấy nước quá cần thiết với bà con. Mùa khô ở đây rất dài, từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. Những mùa khô hạn kiệt quệ, bà con còn đi cả hai chục cây số còn không lấy được nước về. Nước thì vo gạo xong rồi lấy nước đó rửa rau, tận dụng nước đó rửa tay hoặc cho gia súc ăn uống luôn nên rất vất vả.

Một lý do nữa, mình nghĩ khi mình lập doanh nghiệp, mỗi năm cũng muốn thực hiện một chương trình gì đó nhỏ thôi. Trước đây, mình hay trích từ 30 – 50 triệu từ quỹ phúc lợi công ty để làm chương trình như Áo ấm cho bà con, Tết cho người nghèo….với mong muốn tri ân bà con đồng bào đã gìn giữ văn hóa, nếp sống, để cho bản thân mình, mọi người trong nghề du lịch có cơ hội giới thiệu, quảng bá những gì thuần túy nhất nơi đây.

Nhưng, hai năm trở lại đây, mình nhận thấy với 30 – 50 triệu chẳng bõ bèn gì, kể cả việc mình nếu có trích từ hai, ba trăm triệu cũng vậy. Khi mình nghĩ đến nước, mình muốn làm điều gì đó lớn hơn, lan tỏa hơn và đó là câu chuyện dự án tặng bồn nước.

Đầu tiên, mình cũng nghĩ không thể nào một lúc mà mang gần trăm bồn nước đến tặng cho một xã như bây giờ. Năm 2019, dự án trao mỗi lần 5 – 10 bồn hoặc có khách đi tour biết đến dự án của mình, trong hành trình tour họ tận dụng thời gian trao bồn nước cho bà con. Cho nên, mình nghĩ sẽ lấy tiền trích quỹ từ công ty để phục vụ các chi phí: khảo sát, đi trao bồn nước bởi vì đi một cung cao nguyên đá tối thiểu phải mất 2 ngày mới mang được bồn nước đến cho bà con. Ngoài ra còn những chi phí nhỏ như tin nhắn SMS hồi âm cho người ủng hộ …..100% chi phí này là lấy từ quỹ công ty.

100% tiền nhận ủng hộ dự án là dành toàn bộ 100% để mua bồn nước. Mong muốn nhất là để Dự án được chạy dài nhất, muốn đi xa đi lâu mình phải đi cùng nhau và đi cùng nhiều người. Đến thời điểm này, dự án đã trao tặng được cho bà con hơn 1.000 bồn nước.

Hiện Cao nguyên đá Đồng Vân có 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc trong đó, hai lõi lớn của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc là khô nhất, thiếu nước nhất. Một huyện có khoảng 20 xã, dân số mỗi xã tầm 800– 1.000 hộ. Hiện tại, chương trình trao tặng từ 65 – 125 bồn cho một xã thì cũng tương đương hộ nghèo của một thôn thôi, chưa vào đâu cả.

Cho nên, mình mong sao chương trình được chạy dài, phủ được các hộ nghèo chưa có điều kiện trang bị bồn nước, tối thiểu là hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là mong muốn không chỉ của Phớn mà cả anh em trong team.

*VOH: Cho đến giờ này, điều gì khiến Phớn trăn trở đối với sự phát triển của du lịch Hà Giang?

Giàng A Phớn: Bản thân mình lúc nào cũng suy nghĩ phải làm việc thật tốt, nghiêm túc, hết mình. Bản thân mình tốt sẽ có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng nhỏ xung quanh mình. Mình mong muốn Hà Giang Trẻ sẽ là đơn vị du lịch đi đầu trong tỉnh, tập hợp nguồn nhân sự địa phương trẻ tuổi nhưng có đủ yếu tố để làm nghề. Các bạn phải có sự đam mê thật sự.

Thêm một điều nữa, các bạn không chỉ giỏi về kiến thức xã hội, tốt về kỹ năng làm nghề, các bạn còn phải có ý thức chung cho giá trị cộng đồng. Nhiều chương trình của Hà Giang Trẻ cũng hướng đến như hạn chế rác thải nilon trên hành trình, các hướng dẫn viên cũng phải được đào tạo đúng chuyên ngành. Mỗi dân tộc sẽ có giá trị văn hóa riêng để gửi đến du khách.

Chính các bạn cũng là những đại sứ mang những vẻ đẹp không chỉ cảnh quan mà cả tâm hồn, con người Hà Giang đến với du khách hơn. Phớn cũng chỉ mong mình làm được những việc như thế.

*VOH: Cám ơn Giàng A Phớn !

Bình luận