Đối với tất cả du khách đã đặt chân đến Hà Giang thì chắc chắn không thể bỏ qua địa danh Cột cờ Lũng Cú - hay còn được gọi là cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà lâu nay đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong lòng mỗi người con đất Việt. Hãy cùng khám phá những điểm đặc biệt của nơi này ngay nhé!
Cột cờ Lũng Cú - tỉnh Hà Giang (Nguồn: Internet)
Giới thiệu về cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Lũng Cú thuộc tỉnh Hà Giang. Núi có độ cao 1.470m so với mực nước biển. Đây là một điểm cao nhất nằm trên vành đai biên giới tiếp giáp giữa hai nước Việt – Trung.
Cột cờ Lũng Cú lần đầu tiên được xây dựng vào đời vua Lý Thường Kiệt dùng để làm điểm mốc đánh dấu lãnh thổ giữa hai nước. Ban đầu chỉ là dùng cây sa mộc để cắm, cho đến thời kỳ Pháp thuộc thì cột cờ chính thức được xây dựng vào năm 1887. Và cột cờ được tu bổ, xây dựng lại nhiều lần với kích cỡ lớn dần.
Hiện nay, cột cờ Lũng Cú có chiều cao là 33,15m. Trong đó phần cột là 20,25m và đường kính thân cột là 3,8m. Trụ bên dưới cột là 8 mặt phù điêu với các họa tiết được lấy nguyên vẹn từ hình ảnh khắc trên trống đồng Đông Sơn. Phần cán cờ cao 12,9m cắm quốc kỳ của Việt Nam. Chiều dài của cờ là 9m, chiều rộng 6m luôn luôn tung bay, thắm đỏ trên bầu trời Việt Nam. Diện tích của cờ là 54m vuông với ý nghĩa tượng trưng cho 54 dân tộc anh em luôn đoàn kết một nhà.
Để lên được đến cột cờ, bạn phải leo 839 bậc đá theo lối cũ được làm trước đó. Hiện tại, có thêm một lối đi mới, được xây dựng với số lượng bậc giống như lối cũ.
Lối đi lên cột cờ Lũng Cú (Nguồn: Internet)
Khung cảnh thiên nhiên nhìn từ cột cờ Lũng Cú (Nguồn: Internet)
Nên đi cột cờ lũng cú vào thời gian nào?
Từ cột cờ Lũng Cú nhìn xuống bạn có thấy được toàn cảnh vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc Việt Nam. Mỗi một mùa đến Lũng Cú bạn sẽ cảm nhận được một vẻ đẹp khác nhau. Những cánh ruộng bậc thang với cảnh sắc biến đổi theo từng mùa. Từ màu xanh khi lúa còn non, màu vàng khi lúa chín đến màu nâu sau khi lúa được gặt. Và cả vẻ đẹp của những cánh đồng hoa tam giác mạch bao la trải dài qua các thung lũng.
Chính vì những đặc điểm trên mà bạn có thể đến Lũng Cú - Hà Giang vào bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng có lưu ý nhỏ là nên tránh những tháng mưa bão nhiều (từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch). Và nên xem dự báo thời tiết trước để có một chuyến đi an toàn nhé!
Cực Bắc Việt Nam nằm ở đâu ?
Đường để lên cột cờ Lũng Cú không hề dễ dàng. Sau khi đã lên được đến thành phố Hà Giang, bạn sẽ phải đi ngược lại theo quốc lộ 4C lên phía Đông Bắc. Trải qua quãng đường dài 160km với đường đèo núi khá nguy hiểm mới lên được xã Đồng Văn, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ đây, bạn sẽ tiếp tục đi thêm 40km nữa mới lên được chân núi Lũng Cú.
Kinh nghiệm khi đi du lịch cột cờ Lũng Cú
Đến với Lũng Cú, bạn không chỉ đến các điểm tham quan, di tích lịch sử mà còn được khám phá, trải nghiệm nét văn hóa của các dân tộc Lô Lô, Ráy, Mông. Bạn sẽ được nếm thử rượu mật ong, rượu ngô. Hái chè Shan Tuyết cùng người dân. Và thưởng thức những bản nhạc của núi rừng được tạo ra từ các loại nhạc cụ như trống đồng, đàn môi.
Thường khi đến cột cờ, nhiều du khách sẽ chọn áo cờ đỏ sao vàng thể hiện tình yêu tổ quốc và cũng là trang phục giúp bạn có được những bức ảnh check in đẹp nhất.
Check in tại cột cờ Lũng Cũ (Nguồn: Internet)
Ảnh chụp tại cột cờ Lũng Cú (Nguồn: Internet)
Ngoài cột cờ Lũng Cú, trong chuyến hành trình đến Hà Giang, du khách cũng đừng quên ghé thăm: cao nguyên đá Đồng Văn, Hoàng Su Phì, con đường Hạnh Phúc, đèo Mã Pí Lèng… để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh đất này.
Cuộc sống của người dân dưới chân cột cờ (Nguồn: Internet)
Khám phá vẻ đẹp của cột cờ Lũng Cú – Đồng Văn – Hà Giang chắc chắn là một trải nghiệm mà bạn không thể bỏ qua khi đến với du lịch tại mảnh đất địa đầu tổ quốc. Mỗi một vùng đất sẽ có những điểm độc đáo, thu hút riêng khiến bạn nhớ mãi không quên.