Ngày tựu trường là ngày đầu tiên của một năm học. Thời điểm này thường diễn ra vào tháng 8 hoặc tháng 9 ở Bắc bán cầu và tháng 1 hoặc tháng 2 ở Nam bán cầu, nhưng khác nhau giữa các quốc gia.
Google Doodle “Chào mừng ngày tựu trường (1/9)” chỉ xuất hiện trên trang Google tại một số quốc gia là Việt Nam, Anh, Nga, Ba Lan, Latvia, Estonia, Lithuana, Hungary…
Theo một thông cáo mới đây của Unicef Việt Nam, Ngày tựu trường là một sự kiện trọng đại của những học sinh nhỏ tuổi nhất trên khắp thế giới và cha mẹ các em. Do dịch Covid-19, sự kiện này đã bị hoãn lại đối với khoảng 140 triệu học sinh, trong đó có khoảng 30 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Thông tin trích từ một phân tích mới của UNICEF được công bố vào thời điểm kết thúc nghỉ hè ở nhiều nơi trên thế giới.
Ước tính 8 triệu học sinh trên khắp thế giới, khoảng 3 triệu trong số đó ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đã chờ đợi ngày đi học đầu tiên suốt hơn một năm trời và thời gian này sẽ còn kéo dài, vì các em sống ở những nơi trường học phải đóng cửa vì đại dịch.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF chia sẻ: “Ngày đầu tiên đến trường là sự kiện trọng đại trong cuộc đời con trẻ - là nấc thang đầu tiên đưa các em đến với hành trình học hỏi và phát triển cá nhân, thay đổi cuộc đời. Hầu như ai trong chúng ta cũng nhớ vô vàn chi tiết của ngày hôm đó - chúng ta mặc quần áo màu gì, tên thầy cô, hay người bạn cùng bàn. Nhưng với hàng triệu trẻ em, sự kiện trọng đại đó đã bị hoãn lại vô thời hạn.
Trong khi lớp học ở nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa trở lại, hàng triệu học sinh lớp 1 phải chờ đợi để được đến lớp trong suốt một năm qua. Có thể sẽ có hàng triệu học sinh khác không được thấy lớp học trong học kỳ này. Đối với nhóm trẻ em dễ tổn thương nhất, nguy cơ không bao giờ được tới lớp đang tăng vọt”.
Năm 2020, các trường học trên toàn cầu phải đóng cửa hoàn toàn trung bình 79 ngày. Tuy nhiên, đối với 168 triệu học sinh, trong đó có ít nhất 34 triệu học sinh ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trường học phải đóng cửa gần như cả năm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thậm chí ngay lúc này, nhiều trẻ em đang phải đối mặt với một nguy cơ chưa từng có, đó là năm thứ hai bị gián đoạn trong học tập. Nhiều trẻ em sẽ phải hứng chịu các hậu quả liên quan đến việc trường học đóng cửa - hổng kiến thức, tinh thần căng thẳng, bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, nguy cơ bỏ học, lao động trẻ em và tảo hôn gia tăng - đặc biệt là đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang triển khai một số hành động để thực hiện hình thức học tập từ xa, thì có ít nhất 29% học sinh tiểu học trên toàn cầu, và 20% học sinh tiểu học ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận hình thức học tập này. Bên cạnh việc thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc học tập từ xa, trẻ nhỏ không thể tham gia học tập vì các em không được hỗ trợ khi sử dụng công nghệ, môi trường học tập không tốt, áp lực phải làm việc nhà, bị bắt phải lao động.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những trải nghiệm tích cực ở trường trong giai đoạn chuyển giao này là yếu tố dự báo sự phát triển của trẻ em trong tương lai về mặt xã hội, cảm xúc và giáo dục. Ngoài ra, những trẻ em có kết quả học tập kém hơn trong những năm đầu thường không theo kịp bạn bè trong những năm còn lại ngồi trên ghế nhà trường, và khoảng cách đó sẽ tăng lên qua các năm. Số năm trẻ được đi học cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các em trong tương lai.