Tình hình kinh tế và xã hội
Theo khảo sát của công ty thanh toán nhanh BC Card những người trên 70 tuổi chiếm 22,9% tổng chi tiêu mua sắm tại cửa hàng tiện lợi trong giờ ăn trưa từ 11-13h. Tỷ lệ này giảm dần với các nhóm tuổi trẻ hơn: 19% ở độ tuổi 60, 14,3% ở độ tuổi 50 và chỉ 13,1% ở độ tuổi dưới 30.
Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng vào thức ăn từ cửa hàng tiện lợi của người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao và khó khăn kinh tế.
Từ tháng 1/2024, sự phụ thuộc vào thức ăn từ cửa hàng tiện lợi của người từ 60 tuổi trở lên tăng rõ rệt, với tốc độ gia tăng trong 5 tháng đầu năm là 3 điểm phần trăm đối với người trên 70 tuổi và 2,2 điểm phần trăm đối với nhóm trên 60 tuổi.
Cũng theo khảo sát BC Card, chi tiêu của khách hàng ở nhà hàng đã giảm đến 11,2% tính đến tháng 5 nhưng chi tiêu tại cửa hàng tiện lợi chỉ giảm 6.8%.
Những câu chuyện trong thời đại lạm phát
Lim Jong-ik (69 tuổi), là một ví dụ điển hình cho tình trạng khó khăn của người cao tuổi ở Hàn Quốc. Trong căn hộ nhỏ rộng 20 mét vuông ở Quận Seongbuk, Seoul, ông Lim sống một mình trong cảnh nghèo khó và cô đơn.
Mặc dù đã lao động chăm chỉ suốt đời, từ quản lý tiệm giặt khô đến sản xuất thép và quản lý nhà hàng, ông vẫn không thể tích lũy được tài sản đáng kể để đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu.
Hwang Jae-woo (74 tuổi), thường ngồi một mình trên băng ghế ở công viên Tapgol, Quận Jongno, Seoul. Ông và vợ phải sống nhờ vào lương hưu 825 USD/tháng, nhưng sau khi trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt, họ còn lại rất ít.
Giải pháp cần thiết
Để giải quyết tình trạng khó khăn của người cao tuổi, Hàn Quốc cần thiết phải cải cách hệ thống lương hưu và hỗ trợ xã hội. Hệ thống lương hưu quốc gia cần được thiết kế lại để cung cấp tỷ lệ thay thế thu nhập cao hơn, đảm bảo người nghỉ hưu có đủ thu nhập để sống.
Các chương trình hỗ trợ xã hội và y tế cần được tăng cường để giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống đầy đủ và không bị cô lập xã hội.
Lee Sang-hak, giám đốc tổ chức hỗ trợ người cao tuổi Senior Hope Union, nhấn mạnh rằng sự khó khăn của người cao tuổi phản ánh thị trường lao động. "Cải cách cơ cấu kinh tế xã hội để nâng cao tốc độ tăng trưởng, đẩy nhanh thay đổi lương hưu là rất quan trọng," ông nói.