Puncak, một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở phía Tây Indonesia đang chứng kiến sự phát triển của một ngành kinh doanh gây tranh cãi là "hôn nhân vui vẻ" hay còn gọi là "hôn nhân tạm thời". Tại đây, nhiều du khách nam, chủ yếu đến từ Trung Đông, được giới thiệu kết hôn ngắn hạn với phụ nữ địa phương.
Quy trình diễn ra khá đơn giản. Khi hai bên đồng ý, một buổi lễ cưới nhanh chóng được tổ chức. Người đàn ông trả tiền sính lễ cho cô dâu, người này sẽ đảm nhận vai trò nội trợ và đáp ứng nhu cầu sinh lý của chồng. Cuộc hôn nhân tự động chấm dứt khi du khách rời khỏi đất nước.
Theo Los Angeles Times, loại hình dịch vụ này góp phần thúc đẩy du lịch và kinh tế địa phương ở Puncak. Ban đầu, việc giới thiệu các cô gái cho khách du lịch được thực hiện thông qua người thân hoặc người quen. Hiện nay, có các công ty môi giới chuyên nghiệp đảm nhận vai trò này.
Budi Priana, một doanh nhân địa phương từng làm đầu bếp ở Ả Rập Xê Út, chia sẻ rằng anh biết đến "hôn nhân theo hợp đồng" này từ ba thập kỷ trước. Anh kiếm thêm thu nhập bằng cách kết nối du khách với các cô dâu tiềm năng, bên cạnh các công việc khác như lái xe, phiên dịch và kinh doanh nhỏ.
Cahaya, một phụ nữ tham gia vào loại hình "hôn nhân" này từ năm 17 tuổi, tiết lộ rằng cô đã kết hôn hơn 15 lần, tất cả đều với du khách Trung Đông. Cô thường kiếm được từ 300 đến 500 USD cho mỗi cuộc hôn nhân, số tiền này được dùng để trang trải cuộc sống và chăm sóc người thân. Tuy nhiên, Cahaya cảm thấy xấu hổ về công việc của mình và luôn giấu giếm gia đình.
Một phụ nữ khác tên Nisa chia sẻ rằng cô kết hôn ít nhất 20 lần trước khi quyết định từ bỏ công việc này. Hiện tại, cô đã lập gia đình thật sự và khẳng định sẽ không bao giờ quay lại với cuộc sống hôn nhân tạm thời như trước đây.
Yayan Sopyan, giáo sư dạy Luật gia đình Hồi giáo tại Đại học Nhà nước Hồi giáo Syarif Hidayatullah (Jakarta) cho biết, nhiều thị trấn ở Indonesia không có triển vọng phát triển kinh tế nên đã phổ biến dịch vụ hôn nhân tạm thời.
Những thỏa thuận hôn nhân như vậy được gọi là "nikah mut'ah" hay "hôn nhân vui vẻ" và được cho là một phần của văn hóa Hồi giáo Shia. Tuy nhiên, hầu hết các học giả, bao gồm nhiều người theo đạo Hồi dòng Shia, tuyên bố rằng tập tục này hoàn toàn không chấp nhận được.
Hôn nhân khoái lạc cũng không được luật pháp Indonesia công nhận vì nó trái ngược với mục đích cơ bản của hôn nhân là tạo nên mối quan hệ gia đình ổn định và lâu dài. Việc vi phạm luật hôn nhân của Indonesia có thể dẫn đến phạt tiền, phạt tù, gây hậu quả về mặt xã hội hoặc tôn giáo.