Chờ...

"Khóc thuê": Nghề kỳ lạ, thu nhập hậu hĩnh

TRUNG QUỐC - Nghề khóc thuê, dù kỳ lạ, đã trở thành một phần trong văn hóa của Trung Quốc, đặc biệt trong các đám tang, nơi những người thuê muốn thể hiện sự tiếc thương đối với người đã khuất.

Trong một đám tang, Lý Mỹ Trân lặng lẽ quỳ dưới nền đất, thân thể cong xuống và tay liên tục đập vào thành quan tài, tiếng khóc nức nở khiến những người chứng kiến không khỏi rơi nước mắt.

Cô không phải là con gái của người đã khuất, nhưng con cái của họ đang sống xa nhà và chưa kịp về, họ đã thuê Lý thay mình khóc thương.

Một đám tang ở Trung Quốc - Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trong suốt 24 năm hành nghề, Lý Mỹ Trân đã khiến công việc này trở thành một nghề có thu nhập cao. Mỗi ca khóc thuê của cô có thể lên tới 3.000 tệ, trong khi mức thu nhập bình quân của nhiều người làm nghề này chỉ dao động từ 500 đến 1.000 tệ. Lý có thể làm đến ba ca mỗi ngày.

Trước khi bắt đầu khóc, người khóc thuê sẽ đến gia đình để nghe kể và ghi lại các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người đã khuất.

Trong đám tang, họ sẽ hát, than thở, kể về những câu chuyện đó. Con cháu và người đến viếng được hình dung lại quãng đời đã sống của người chết.

Tuy nhiên, công việc khóc thuê cũng không thiếu những khó khăn. Họ bị mọi người thành kiến, bị xã hội nhìn nhận với ánh mắt ái ngại hoặc thậm chí là dè bỉu vì nghề nghiệp của mình. 

Có những người phản đối nghề khóc thuê trong đám tang, cho rằng nó là hành động giả dối, không thực sự xuất phát từ sự tiếc thương.

Một người làm nghề này cho biết điều quan trọng nhất trong khi làm nghề là điều tiết cảm xúc của mọi người, giúp họ giải toả nỗi đau và phiền muộn bằng cách khóc thật to và đưa cả cảm xúc thật của mình vào.

Theo thời gian, nghề khóc thuê không phải là một hủ tục mà là một phần của nền văn hóa truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Nhờ vào nghề này, không ít người đã cho gia đình mình một cuộc sống khấm khá hơn.