Xe công nghệ là cách gọi khác của xe hợp đồng điện tử được Bộ GTVT cho thí điểm từ 2016.
Thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm "An toàn người lái - thoải mái người đi" do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tham gia của Ban An toàn giao thông TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CA TP.HCM.
Hiện nay, số lượng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ Grab có hơn 28.000 xe, Công ty vận tải Vận Thông có 2.200 xe, Be có 4.000 xe … Còn số lượng xe 2 bánh tổng cộng khoảng 200.000 xe, trong đó Grab hơn 80.000 xe, Go - Việt hơn 80.000 xe, Be Group là hơn 5000 xe. Trong khi đó số lượng taxi truyền thống giảm từ 13.000 xe xuống còn hơn 8.000 xe (tính từ 2016 đến nay)
Ảnh minh họa: P Nguyệt
Số lượng xe lớn khiến tình hình giao thông ngày càng phức tạp. An toàn của tài xế, hành khách càng bị đe dọa nhiều hơn. Thời gian qua, không ít vụ việc đau lòng như tài xế xe ôm công nghệ bị cướp, giết, khách hàng bị cướp, xâm hại tình dục, giả tài xế xe ôm công nghệ để đi cướp….
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban An toàn giao thông TP.HCM, các hãng xe công nghệ khi tuyển tài xế phải tổ chức bồi dưỡng kỹ năng võ thuật, kỹ năng xử lý tình huống... Cơ quan công an cần vào cuộc huấn luyện để tài xế tự đảm bảo an toàn cho mình và an toàn cho hành khách. Đồng thời các hãng tạo điều kiện khi gặp đối tượng khách có khả năng gây nguy hiểm, tài xế có thể từ chối nhận cuốc.
Còn luật sư Nguyễn Đức Chánh đề xuất Chính phủ sớm đặt ra hành lang pháp lý đối với các hãng xe công nghệ. Hiện các hãng này hoạt động thí điểm, nhà nước chưa ban hành nghị định điều chỉnh, quản lý rõ ràng nên không đảm bảo được quyền lợi cho tài xế, hành khách.
Trung tá Nguyễn Trọng Sơn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CA TP.HCM cho biết, tình trạng xe công nghệ bùng phát quá nhanh không chỉ gây ùn tắc, nhiều hệ lụy khiến lực lượng luôn phải siết chặt hơn nữa quá trình kiểm soát, xử lý.
Trước hết, để khắc phục những vấn đề này, Trung tá Nguyễn Trọng Sơn yêu cầu tài xế phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, phục vụ khách văn minh. Hạn chế việc tài xế điều khiển xe nhưng mắt liên tục nhìn điện thoại. Như vậy, khi xảy ra sự cố giao thông không phản ứng kịp, dễ tai nạn.
Các hãng xe công nghệ khi tuyển dụng tài xế phải kiểm tra lý lịch, đào tạo ứng xử, có chính sách chế tài tài xế vi phạm luật lệ phù hợp để răn đe. Song song đó, các hãng cũng nên có chính sách hỗ trợ bảo hiểm phù hợp đối với tài xế, cho họ thêm ưu đãi để họ có tâm lý thoải mái khi làm việc. Nhờ đó, họ đi lại an toàn hơn, phục vụ khách tốt hơn".
Trên các diễn đàn trên internet, một số tài xế chạy xe ôm công nghệ chia sẻ về việc nhận biết và ứng phó với khách hàng cảm thấy không an toàn.
Trong trường hợp khách hàng khiến mình cảm thấy bất an, khách yêu cầu chở vào đêm khuya, đi xa…nên cẩn trọng tìm hiểu thông tin và mạnh dạn từ chối nếu cảm thấy lo lắng. Nếu khách yêu cầu chở lòng vòng, hoặc đi vào những con hẻm tối, những địa điểm vắng người qua lại… lập tức từ chối phục vụ. Cần tìm cách đi vào chỗ đông người, gần nhà dân sau đó yêu cầu khách xuống xe. Trường hợp bị cướp, nếu có thể lái xe rút chìa khoá ném đi rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa hô cướp để bảo toàn tính mạng trước. Có tài xế đề nghị các hãng xe nên có một tính năng trong ứng dụng của mình cho phép tài xế gửi hình ảnh của khách hàng về công ty công khai. Khi hành khách biết hình ảnh của mình đã được ghi nhận và quản lý thì nhiều khả năng đối tượng sẽ từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội.
Nước biển 'hóa' màu xám đen chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi: Mấy ngày gần đây, nước biển tại Khe Hai, đoạn qua xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bất ngờ đổi màu trên phạm vi trải dài hơn 2km chưa rõ nguyên nhân.
Tổng cục đường bộ yêu cầu quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe: Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị sở giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe.