Chờ...

Làm sạch rau quả bằng nước tẩy rửa, máy sục có thực sự hiệu quả?

(VOH) - Thời gian qua, xu hướng sử dụng nước tẩy rửa, máy sục để làm sạch rau quả được nhiều người ưa chuộng. Liệu phương pháp này có thực sự mang lại hiệu quả?

Thành phần chính của các loại dung dịch này thường là nước khử ion, acid citric, sodium, hương liệu… 

Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, đây chỉ là các chất hoạt động trên bề mặt để loại bỏ chất bẩn như bụi bẩn, vi khuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu… bám trên bề mặt rau, củ, quả. Tuy nhiên, đối với các chất độc như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích… đã ngấm sâu vào bên trong rau quả thì không một loại chất rửa nào có thể tẩy sạch. 

Thông thường, nước rửa rau quả có chứa các chất như nước khử ion… chỉ có tính chất sát trùng, sát khuẩn, chứ không có khả năng tẩy rửa. Còn nếu sử dụng các chất hóa học để làm sạch rau quả sẽ gây hại đến sức khỏe. 

Làm sạch rau quả bằng nước tẩy rửa, máy sục có thực sự hiệu quả? 1
Các loại máy khử khuẩn, máy khử ozone được bán nhiều trên các nền tảng mạng xã hội - Ảnh: PLO

Tương tự với các máy sục, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định khử ozone có thể giúp loại bỏ các hóa chất bảo vệ còn tồn dư trong thực phẩm.

“Máy khử ozone có thể làm sạch các vi khuẩn bám trên bề mặt thực phẩm chứ không có tác dụng loại bỏ hóa chất độc hại thấm sâu vào rau củ như thuốc trừ sâu, trị nấm, thuốc bảo vệ thực vật…”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

PGS-TS Thịnh cho biết thêm, ngay cả nơi bán “rau an toàn” cũng chưa chắc đã an toàn. Do đó, khi mua thực phẩm, dù là ở chợ hay cửa hàng, thì vẫn phải nhặt các phần bị hư hỏng, héo úa rồi rửa nhiều lần với nước sạch. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, đối với rau, củ, quả, con đường duy nhất để làm sạch là rửa bằng nước sạch, thực hiện ăn chín, uống sôi. Vi khuẩn hay giun sán chỉ bám trên mặt lá, bên ngoài chứ không phải thành phần cấu trúc của rau.  

Theo đó, đầu tiên, hãy loại bỏ các loại rau dập nát, bởi nếu rau dập nát còn hóa chất bảo vệ thực vật sẽ ngấm vào các tế bào bị dập nát nhanh hơn rất nhiều so với tế bào nguyên vẹn. Vì vậy, bạn cần cắt bỏ phần dập nát, cắt gốc, cắt rễ rồi ngâm trong nước lạnh khoảng từ 5 - 10 phút. Lúc này, hóa chất bảo vệ thực vật sẽ tan dần ra. 

Sau đó, thay nhiều lần nước. “Nguyên tắc là phải rửa nhiều nước, đừng cho rằng thấy rau hình thức không có đất, bùn là rất sạch mà rửa sơ sơ. Khi rửa cần phải rửa lâu, rửa bằng tay, lưu ý những khe cuống lá… để tách chất bẩn”, PGS-TS Thịnh chia sẻ. 

Cuối cùng, chúng ta cần rửa rau dưới vòi nước chảy. Lưu ý, tránh làm cho rau bị dập nát. "Việc làm này có tác dụng rất lớn làm giảm mức tối đa nếu như rau nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Không những thế làm giảm những chất bẩn khác từ ruộng mang về", PGS-TS Thịnh nói.

Làm sạch rau quả bằng nước tẩy rửa, máy sục có thực sự hiệu quả? 2
Một thiết bị được quảng cáo có tác dụng loại bỏ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật có trong rau quả - Ảnh Dân trí

Chuyên gia cũng lưu ý, các loại rau dạng củ (củ cải, su hào, cà rốt, khoai tây) sẽ sạch hơn rau có lá. Trong các loại rau dạng lá, rau trồng ở trên cạn thường sạch hơn rau ở dưới nước (rau cần, rau cải xoong…).

Ngoài ra, thịt, cá khi mua về cũng phải ngâm, rửa 2 - 3 lần nước để làm sạch bề mặt và chất bẩn ở bên trong rồi mới đem chế biến. 

Cách tốt nhất là đảm bảo mua rau sạch tận gốc như: rau, quả không phun thuốc sai quy định, đảm bảo thời gian cách ly từ khi phun đến khi thu hoạch để các hóa chất trừ sâu có thể phân hủy hết.

Tổng hợp