Chờ...

Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch

VOH - Làng nghề làm cốm nổ truyền thống có thời gian hình thành gần trăm năm nay kết hợp với hình thức du lịch sông nước mang lại giá trị kép, vừa giữ nét truyền thống nghề, vừa tạo thu nhập ổn định.

Chúng tôi có dịp đến thăm tại cù lao An Bình (huyện Long Hồ) có cơ sở Lò cốm kẹo dừa Cửu Long (địa chỉ 203A/12 Hòa Quý, xã Hòa Ninh).

Nơi này nằm tựa bên dòng sông Tiền với nhịp sống giản dị, bình yên men theo con đường bê tông vừa đủ rộng để những xe chở hàng và xe máy lưu thông qua lại một cách thuận lợi.

Ngay dưới tấm biển “Lò cốm kẹo dừa Cửu Long” chính là nơi tồn tại làng nghề cốm nổ truyền thống. Bên trong cơ sở là khu riêng biệt để sản xuất cốm nổ thủ công, xung quanh cơ sở được bao phủ cây trái, ao nuôi cá,... không gian đậm nét Nam Bộ xưa ...                    

Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch 1
  Tấm biển lâu đời của cơ sở Lò cốm kẹo dừa Cửu Long

Ông Dương Hữu Nghĩa (phường 4, thành phố Vĩnh Long) chủ cơ sở làm cốm chia sẻ ông theo nghề hơn 20 năm và truyền đến đời ông là đời thứ ba.

Các loại cốm tại cơ sở được sản xuất chủ yếu bắt nguồn từ gạo và mì. Nay cơ sở của ông đã đưa vào phát triển nhiều loại cốm với các hương vị mới lạ như vị dâu, vị cacao,... nhằm thu hút khách.

Quá trình sản xuất cốm thủ công ...

Để cho ra thành phẩm mất khá nhiều công đoạn. Khâu đầu tiên chính là nổ cốm cần chọn ra được loại lúa tốt để nổ cốm.

Khâu tiếp theo là làm sạch, sau đó thắng đường để ngào cốm và cuối cùng cán cốm để cho ra thành phẩm. Một mẻ cốm được cán trung bình là 10kg/cốm được đo và cắt một cách thủ công, tỉ mỉ từ người thợ.

Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch 2
Công đoạn nổ cốm
Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch 3
Ông Dương Hữu Nghĩa, chủ cơ sở làm cốm Cửu Long đang làm công đoạn thắng đường
Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch 4
Công đoạn ngào cốm
Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch 5
Công đoạn cán cốm
Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch 6
Công đoạn cắt để cho ra sản phẩm

Ông Nghĩa chia sẻ trung bình mỗi công đoạn mất gần15 phút, người thợ hoàn toàn làm thủ công và đặc biệt là cho khách tham quan nhìn trực tiếp quá trình làm cốm.

Lúc đầu, cơ sở của ông Nghĩa chỉ chủ yếu phục vụ cho bà con trong xóm nhưng khi Nhà Nước đưa vào hệ thống làng nghề phục vụ khách du lịch thì thu nhập cao hơn.

Ở thời điểm hiện tại, lượng sản phẩm tiêu thụ cốm chỉ ở mức trung bình, ông Nghĩa bộc bạch: “chú không ghi lại chính xác và số lượng nhưng độ chừng khoảng 2 hoặc 3 tấn lúa/năm”. 

Cơ sở tạo công ăn việc làm cho một số người ngay tại khu vực và những người thất nghiệp. Hiện tại, cơ sở có 20 người đang làm việc. Mỗi năm cơ sở thu hút gần 4000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thúc đẩy và phát triển ...

Tỉnh Vĩnh Long có nhiều làng nghề truyền thống và có những làng nghề tồn tại đến hàng trăm năm. Vì thế, việc tỉnh Vĩnh Long xác định hướng phát triển du lịch gắn liền với nghề làng truyền thống không chỉ tận dụng lợi thế địa phương mà còn là cách để lưu giữ những dấu ấn văn hóa truyền thống mang đặc trưng vùng miền.

Nhiều năm nay, nhờ vào hướng phát triển kết hợp của tỉnh các làng nghề truyền thống đã dần khoác lên một diện mạo mới mẻ hơn. Làng nghề có sự thay đổi lớn, nhiều người tiêu dùng đã dần biết đến và chú ý nhiều hơn đến những sản phẩm được làm thủ công. 

Làng nghề cốm nổ phát triển nhờ du lịch 7
Khách tham quan làng nghề có trong nước và ngoài nước

Hướng đi phát triển du lịch kết hợp với làng nghề truyền thống của chính quyền địa phương đã tạo hiệu quả rõ rệt. Du lịch thêm sản phẩm độc đáo, phong phú. Làng nghề truyền thống xây dựng được thương hiệu, quảng bá được sản phẩm và cả văn hóa đặc trưng, từ đó cải thiện thu nhập cho người dân.